Vài suy ngẫm về AI

Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Từ các trợ lý ảo như Siri, Google Assistant giúp người dùng đặt lịch hẹn, tìm kiếm thông tin cho đến những công nghệ tiên tiến hơn như xe tự lái và hệ thống hỗ trợ y tế, AI đang thay đổi cách chúng ta sống và làm việc.

Ảnh: AI.

Ảnh: AI.

Một trong những ứng dụng dễ nhận thấy nhất của AI là trong lĩnh vực giao tiếp và làm việc. Chẳng hạn, các công cụ như ChatGPT, Google Dịch giúp con người soạn email nhanh hơn, dịch thuật hiệu quả hơn và thậm chí hỗ trợ sáng tạo nội dung. Điều này giúp tiết kiệm thời gian đáng kể cho nhân viên văn phòng và người làm nội dung số. Ngoài ra, AI còn hỗ trợ trong giáo dục, giúp học sinh tìm kiếm tài liệu nhanh chóng và đưa ra gợi ý học tập phù hợp.

Trong giao thông, AI góp phần nâng cao an toàn với các hệ thống hỗ trợ lái xe như Cruise Control, cảnh báo va chạm và điều phối giao thông thông minh. Nhờ đó, người tham gia giao thông có thể giảm thiểu rủi ro tai nạn và di chuyển hiệu quả hơn. Hơn nữa, các công nghệ xe tự hành đang được phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong ngành vận tải.

Không chỉ dừng lại ở đó, AI còn đóng vai trò quan trọng trong y tế. Các hệ thống chẩn đoán bệnh bằng AI giúp bác sĩ phát hiện ung thư sớm qua hình ảnh y khoa, hay robot hỗ trợ phẫu thuật giúp tăng độ chính xác và giảm rủi ro. Điều này mang lại cơ hội cứu sống nhiều bệnh nhân hơn và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế.

Tuy nhiên, việc chung sống với AI cũng đặt ra nhiều thách thức. Một số lo ngại về quyền riêng tư, bảo mật thông tin cá nhân và việc AI thay thế lao động con người là những vấn đề cần được quan tâm. Để tận dụng tốt AI mà không làm mất đi giá trị con người, cần có những quy định chặt chẽ và sự kiểm soát hợp lý.

AI xuất hiện ở khắp mọi nơi, trên điện thoại, xe hơi, trong văn phòng, trong sáng tạo nghệ thuật, nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu các loại trí tuệ nhân tạo này hoạt động ra sao.

Có người nghĩ AI (artificial intelligence - trí tuệ nhân tạo) là một trí tuệ siêu việt sắp thay thế con người, nhưng thực tế AI hiện nay vẫn chỉ là công cụ xử lý dữ liệu theo thuật toán, chưa có ý thức hay tư duy như con người. Mặt khác, nhiều người lại xem nhẹ AI, nghĩ nó chỉ là một phần mềm bình thường, nhưng thực ra nó đang thay đổi toàn bộ cách con người làm việc và sáng tạo.

Theo định nghĩa của hãng công nghệ IBM, AI là công nghệ cho phép máy tính và máy móc khác mô phỏng khả năng học tập, hiểu biết, giải quyết vấn đề, ra quyết định, sáng tạo và tự chủ của con người.

Ở thời điểm hiện tại, AI chưa có ý thức, cảm xúc hay tư duy sáng tạo như con người. Nó chỉ xử lý thông tin theo thuật toán, dựa trên dữ liệu có sẵn. Ngay cả những AI mạnh như ChatGPT cũng chỉ là mô hình dự đoán từ dựa trên thống kê, không thực sự "hiểu" hay "suy nghĩ".

AI rất mạnh trong việc xử lý dữ liệu lớn, nhận diện mẫu, tối ưu hóa và tự động hóa, nhưng nó không thể làm được mọi thứ. AI giỏi những việc có quy luật rõ ràng, nhưng kém trong các tình huống đòi hỏi trực giác, đạo đức hay sự sáng tạo thực sự.

AI chỉ thông minh dựa trên dữ liệu mà nó được huấn luyện. Nếu dữ liệu có thành kiến, AI cũng sẽ phản ánh thành kiến đó. Ví dụ, AI nhận diện khuôn mặt từng có vấn đề phân biệt chủng tộc do dữ liệu huấn luyện không đa dạng.

AI không lấy hết việc làm, mà nó thay đổi cách con người làm việc. Những ai biết cách sử dụng AI sẽ có lợi thế, còn ai phớt lờ nó có thể bị tụt lại phía sau.

Rất nhiều công việc của con người ngày nay có thể ứng dụng AI để làm cho tốc độ xử lý nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, như quy luật của cuộc sống, đồng xu luôn có hai mặt, trái đất luôn có nửa sáng và nửa tối. Mặt trái của AI là một vấn đề lớn và ngày càng rõ ràng khi công nghệ này phát triển nhanh chóng.

AI có thể tạo ra hình ảnh, video, giọng nói giả mạo một cách rất thuyết phục. Công nghệ giả nhân dạng Deepfake có thể bị lạm dụng để bôi nhọ cá nhân, tạo tin tức giả hoặc thao túng dư luận. Kết hợp với thuật toán lan truyền trên mạng xã hội, AI đang khiến thông tin giả khó kiểm soát hơn bao giờ hết.

AI tự động hóa rất nhiều công việc, đặc biệt là những công việc lặp đi lặp lại. Điều này có thể khiến hàng triệu người mất việc, ví dụ trong các ngành như sản xuất, chăm sóc khách hàng, tài chính. Những người không kịp thích nghi sẽ bị bỏ lại phía sau, còn những công ty lớn sở hữu AI sẽ ngày càng giàu mạnh hơn, làm tăng khoảng cách giàu nghèo.

AI thu thập và phân tích dữ liệu cá nhân ở quy mô chưa từng có. Camera nhận diện khuôn mặt, chat-bot thu thập thói quen người dùng, AI giám sát hành vi trên mạng xã hội – tất cả đều có thể bị lợi dụng để theo dõi và kiểm soát con người.

Và đừng tưởng máy móc thì luôn khách quan. AI không trung lập – nó phản ánh những gì có trong dữ liệu. Nếu dữ liệu bị sai lệch (ví dụ: chủ yếu thu thập từ một nhóm dân số cụ thể), AI sẽ có xu hướng phân biệt đối xử. Điều này đã từng xảy ra trong AI tuyển dụng, chấm điểm tín dụng, nhận diện khuôn mặt, gây ra những bất công vô hình nhưng rất nguy hiểm. Nhiều nước đang phát triển vũ khí AI có thể tự động nhận diện và tiêu diệt mục tiêu mà không cần con người kiểm soát. Nếu AI bị lỗi hoặc bị hack, hậu quả có thể rất thảm khốc.

Một câu hỏi đặt ra là AI càng phát triển có tác động gì đến khả năng tư duy của con người? Điều chắc chắn là AI càng thông minh, con người càng có xu hướng ỷ lại. Nhưng nếu chúng ta dựa vào AI quá nhiều để đưa ra quyết định quan trọng, điều gì sẽ xảy ra khi AI mắc lỗi hoặc bị thao túng? Một xã hội mất đi khả năng tư duy độc lập sẽ rất nguy hiểm.

Điều chúng ta cần luôn nhớ là cả thế giới đang dùng IA, nhưng chỉ có một số nước, một số công ty tạo ra AI. Liệu họ có lợi dụng điều này để khống chế, thao túng thế giới? Câu hỏi này rất thực tế, vì quyền kiểm soát AI không được phân bổ đồng đều mà chủ yếu nằm trong tay một số quốc gia và tập đoàn lớn. Điều này tạo ra những nguy cơ rất đáng lo ngại:

Hiện nay, AI chủ yếu một vài cường quốc phát triển. Các nước khác chỉ là người dùng, không có quyền kiểm soát công nghệ lõi. Điều này có thể dẫn đến sự lệ thuộc công nghệ. Các nước phải dùng AI do nước khác tạo ra, dẫn đến mất chủ quyền về công nghệ. Kế tiếp là sự thao túng thông tin: Nếu AI kiểm soát tin tức, mạng xã hội và công cụ tìm kiếm, nó có thể điều hướng dư luận theo ý muốn của bên sở hữu AI. Một nguy cơ nữa là bị khống chế kinh tế: AI có thể tối ưu hóa chuỗi cung ứng, thị trường tài chính… nhưng nếu bị kiểm soát bởi một nhóm nhỏ, họ có thể thao túng thị trường toàn cầu.

Vậy nếu chúng ta là những người đi sau, thì phải làm gì? Chắc chắn là không thể đứng ngoài cuộc, mặc cho AI của nước ngoài dẫn đi đâu thì đi. Các nước đi sau sẽ buộc phải đầu tư vào nghiên cứu AI trong nước, đặc biệt trong những lĩnh vực quan trọng như an ninh quốc gia, y tế, giáo dục. Muốn thế thì phải khuyến khích doanh nghiệp nội địa phát triển AI, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, xây dựng đội ngũ chuyên gia AI, hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp để đào tạo nhân tài.

Bên cạnh đó là thiết lập các hành lang pháp lý để kiểm soát AI, cấm hoặc giới hạn việc sử dụng AI nước ngoài trong các lĩnh vực nhạy cảm như an ninh, quân sự, dữ liệu cá nhân. Ví dụ, Liên minh châu Âu (EU) có Đạo luật AI (AI Act) để kiểm soát AI và tránh sự lạm dụng từ các công ty công nghệ lớn.

Nhiều nước cấm xuất khẩu dữ liệu người dùng cho AI nước ngoài để bảo vệ quyền riêng tư của người dân và an ninh quốc gia.

Và một điều không thể không làm là nâng cao nhận thức của người dân và giáo dục về AI, giúp mọi người hiểu được cách AI hoạt động, tránh bị thao túng thông tin.

Đó là việc ứng xử với AI ở góc độ nhà quản lý vĩ mô, ở tầm quốc gia. Nhưng mỗi cá nhân, những người bình thường, phải làm gì với công nghệ ngày càng trở nên siêu việt này?

Tỷ phú Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft, dự đoán rằng trong vòng 10 năm tới, AI có thể thay thế nhiều vai trò như bác sĩ và giáo viên, khiến con người trở nên không cần thiết cho nhiều nhiệm vụ. Ông nói AI sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc, bao gồm cả những câu hỏi về vai trò công việc và mô hình làm việc. Gates cũng thừa nhận rằng AI là một lĩnh vực mới mẻ với nhiều kết quả chưa được biết trước, và con người cần chuẩn bị cho những thay đổi này.

Reid Hoffman, đồng sáng lập mạng xã hội LinkedIn, nhà đầu tư nổi tiếng tại Thung lũng Silicon (Mỹ), khuyến khích mọi người tích cực sử dụng AI như một công cụ khuếch đại trí tuệ. Ông cho rằng việc tích hợp các công cụ AI sẽ giúp cá nhân và tập thể tăng cường khả năng và cạnh tranh hiệu quả hơn trong thời đại mới. Hoffman nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận AI một cách chủ động và có trách nhiệm để tận dụng tối đa lợi ích mà nó mang lại.

Tuy nhiên, các chuyên gia, học giả cũng khuyên rằng với một người bình thường, ứng xử với AI cần có sự tỉnh táo, hiểu biết và kiểm soát. AI có thể rất hữu ích, nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bị nó lợi dụng, thao túng hoặc đánh cắp thông tin cá nhân. Chúng ta không chia sẻ thông tin quan trọng như số điện thoại, địa chỉ, tài khoản ngân hàng khi sử dụng AI. Tránh tiết lộ quan điểm cá nhân quá nhiều, nhất là về chính trị, tôn giáo hoặc tài chính, vì AI có thể dùng dữ liệu này để tạo hồ sơ tâm lý của bạn. AI có thể trả lời sai hoặc thiên vị, vì vậy đừng coi nó là nguồn duy nhất. Kiểm chứng lại thông tin AI cung cấp bằng cách tra cứu từ nhiều nguồn.

“Mặc dù AI có thể giúp giảm bớt các công việc nhàm chán, nhưng việc dựa quá nhiều vào AI có thể làm giảm trải nghiệm và sự tham gia thực sự của con người vào cuộc sống”, Joseph Earp, học giả người Anh bình luận trên Guardian.

Thủy Nguyễn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vai-suy-ngam-ve-ai-10303833.html