Vải thiều của một tổ hợp tác ở Bắc Giang có gì đặc biệt mà Bộ trưởng Nông nghiệp đặt mua nguyên cây?
Bên cạnh chất lượng quả vải được canh tác theo quy trình hữu cơ, cùi ráo, trong và độ ngọt thanh mát, Tổ hợp tác sản xuất vải theo hướng hữu cơ ở thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) còn được biết đến là đơn vị tiên phong xuất khẩu vải thiều tới thị trường Nhật, giúp thành viên có đời sống khấm khá như tậu xe ô tô, xây dựng nhà cửa khang trang…
Những ngày này, dân mạng đang xôn xao, tò mò về cây vải thiều Lục Ngạn đặc biệt ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đặt mua "nguyên cây". Được biết, đây là cây vải thiều nằm trong vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu sang Nhật Bản.
"Vải nguyên cây" bán cho gần 30 khách hàng
Ông Vũ Văn Mến, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất vải hữu cơ của thôn Đồng Giao chia sẻ, mấy ngày gần đây được rất nhiều người hỏi về cây vải thiều đặc biệt được Bộ trưởng NN&PTNT đặt mua.
Cụ thể, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đặt biển sở hữu một cây vải theo mô hình “Cây vải vườn nhà” tại vườn nhà ông Nguyễn Văn Sơn nằm trong mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU do ông Mến làm tổ trưởng.
“Cây vải thiều trên rất đặc biệt vì đều tán, khỏe cây, quả có vỏ đẹp, cùi trong, không chảy nước, chín đỏ”, ông Mến bật mí đây là một trong những cây tuyển thuộc mô hình "Cây vải vườn nhà" theo tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản.
Trong cuộc trò chuyện với VnBusiness, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất vải hữu cơ thôn Đồng Giao tiết lộ, ngoài Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt mua, Tổ hợp tác cũng đã "bán vải thiều nguyên cây” cho gần 30 cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện của Bắc Giang và Tổng giám đốc Công ty CP New AG Technologies Việt Nam... với mức giá trung bình 4 –5 triệu đồng/cây. Nếu đặt mua cả cây của nhà vườn, khi được thu hoạch, người mua cây có thể tự lên vườn hái quả.
Điều đặc biệt về vải thiều của Tổ hợp tác là tất cả các cây đều được bón bằng phân hữu cơ, nói không với thuốc trừ sâu. Được biết, Tổ hợp tác do ông Mến đứng đầu hiện có 9 thành viên tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU…
Ông Mến cho biết, dự kiến tuần sau, Tổ hợp tác sẽ chính thức mở cửa vườn vải, bước vào vụ thu hoạch năm 2023. Và một tin rất vui là đến nay, Tổ hợp tác đã chốt đơn, ký hợp đồng bao tiêu hết sản lượng của vụ vải năm nay.
“Giá bán tại vườn trung bình là 30.000 đồng/kg. Đến nay, HTX đã chốt đơn với rất nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu”, ông Mến chia sẻ.
Lợi nhuận đạt 100 -130 triệu đồng/ha, không đủ hàng để bán
Theo Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất vải hữu cơ của thôn Đồng Giao, với mức giá trên, trung bình 1 ha vải thiều đem về doanh thu từ 150 - 200 triệu đồng, lợi nhuận 100 - 130 triệu đồng/ha, tùy mức độ cây thưa hay dày.
Kể lại hành trình từ những ngày đầu, ông Mến cho biết, Tổ hợp tác được thành lập vào năm 2020, có thể là muộn nhất huyện Lục Ngạn. “Ra đời sau nhưng chúng tôi đã đi rất nhanh, Tổ hợp tác gần như là đơn vị đầu tiên của huyện đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật”, ông Mến chia sẻ.
Trước đó, sau một quá trình trồng vải chỉ xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc, được sự hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật địa phương, ông Mến và thành viên đã thành lập Tổ hợp tác, tuân thủ các quy trình canh tác nghiêm ngặt nhất để vải thiều đạt tiêu chuẩn từ GlobalGAP tới hữu cơ.
Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất vải hữu cơ thôn Đồng Giao vui vẻ nói: “Ba năm qua, chúng tôi chưa bao giờ phải lo “được mùa, mất giá”; mà chỉ lo thời tiết không thuận lợi khiến sản lượng vải giảm so với mọi năm, chứ thị trường luôn rộng mở với sản phẩm vải thiều của Tổ hợp tác".
Điều này giúp các thành viên trong Tổ hợp tác có đời sống kinh tế khấm khá. “Có thành viên nhờ trồng vải thiều mà đến nay đã tậu được gần 10 đầu xe ô tô, nhà cửa khang trang”, ông Mến kể.
Được biết, 2023 là năm đầu tiên, Tổ hợp tác triển khai môi hình “bán vải thiều nguyên cây” với mục đích tạo trải nghiệm cho du khách, cũng như quảng bá thương hiệu vải thiều Lục Ngạn đến với người tiêu dùng. “Chất lượng, uy tín là thứ giúp khách hàng luôn lựa chọn vải thiều của Tổ hợp tác, thậm chí chúng tôi không đủ sản lượng để cung ứng theo nhu cầu của các doanh nghiệp”, ông Mến nói.
Từ thành công của Tổ hợp tác sản xuất vải hữu cơ thôn Đồng Giao cũng như nhiều HTX vải thiều của tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, nhắc đến nông nghiệp là nhắc đến sức ép mùa vụ. Đối với sản phẩm trái cây, sức ép mùa vụ càng lớn hơn do thời gian thu hoạch cũng như bảo quản ngắn. Ông cho rằng, để có thể hướng tới việc giảm thiểu rủi ro mùa vụ cần phải đa dạng hóa các kênh tiêu thụ nông sản.
Mô hình vườn vải du lịch sinh thái chính là một kênh tiêu thụ nông sản tại chỗ rất hiệu quả. Đây cũng là một kênh tiêu thụ rất đặc biệt khi du khách đến có thể trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận được chất lượng trong từng trái vải, cảm nhận được trách nhiệm cao của người nông dân.
"Những mô hình độc đáo như vườn vải du lịch sinh thái sẽ giải quyết sự mù mờ cho các nhà phân phối nội địa, qua đó kết nối chuỗi tiêu thụ nông sản từ vườn tới hệ thống các siêu thị và trung tâm thương mại", Bộ trưởng nhấn mạnh.