Vải thiều sang Nhật, giá nửa triệu đồng/kg

Bảy năm nay, quả vải thiều thoát cảnh nằm chờ đợi ở cửa khẩu. Tổng giá trị mà quả vải đem lại cho tỉnh Bắc Giang mỗi năm lên đến 6.000 tỉ đồng.

Những ngày này, người nông dân trồng vải thiều đang hồ hởi vì bán được giá sau khi những lô vải thiều đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường khó tính Nhật Bản.

Kỷ lục nửa triệu đồng/kg vải thiều

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, hiện các lô vải xuất sang quốc gia này được đóng hộp nhỏ 200 g và bày bán tại siêu thị với giá khuyến mãi là 489 yen (giá gốc là 537 yen), tương đương hơn 100.000 đồng. Như vậy, 1 kg vải thiều Việt Nam được bán tại Nhật Bản có giá lên tới 500.000 đồng.

Mở cửa được thị trường Nhật Bản và được người dân nước này đón nhận mua với giá cao được đánh giá là một bàn đạp rất tốt để xúc tiến sang các thị trường khó tính khác và nâng cao giá trị của quả vải Việt Nam.

Ông Hoàng Ngọc Thanh, một hộ dân trồng vải thiều theo tiêu chuẩn Global GAP của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), cho biết đã ký hợp đồng với công ty xuất khẩu được hơn 5 tạ vải thiều sang Nhật Bản. Dự kiến trong vài ngày tới, vải thiều chín rộ sẽ tiếp tục bán cho doanh nghiệp xuất khẩu thêm sang thị trường này.

Cùng với thị trường Nhật Bản, ông Thanh cũng ký hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị phân phối ở trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Tổng cộng số lượng vải đã tiêu thụ vào khoảng 5 tấn. “Quan trọng nhất là khi người dân làm ra được những sản phẩm chất lượng hơn thì giá trị quả vải sẽ còn cao hơn nữa” - ông Thanh chia sẻ.

Ngay sau khi có thông tin quả vải của Việt Nam xuất sang Nhật, giá quả vải trong nước đã tăng lên 5.000-8.000 đồng/kg.

Ông Trần Văn Lân, một hộ trồng vải tại xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cho biết đã bán được gần 20 tấn vải từ khi bước vào chính vụ đến nay. Trong đó, riêng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản đã bán được khoảng 3-4 tấn.

“Năm nay gia đình tôi chỉ bán cho các công ty xuất khẩu và bán vào các siêu thị. Giá bán bình quân vải chọn loại ngon là 30.000 đồng/kg. Vì trồng theo tiêu chuẩn Global GAP, không được phun thuốc trừ sâu nên vải không được đẹp nhưng lại sạch và ngon, đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khó tính nên các thương nhân tìm đến mua rất nhiều” - ông Lân phấn khởi.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lô vải thiều đầu tiên sang Nhật Bản đang nhận được phản hồi rất tốt. Tuy nhiên, hiện kim ngạch của trái vải so với các mặt hàng khác vẫn còn thấp, mỗi năm mới xuất khẩu được khoảng 40 triệu USD.

Tuy còn khiêm tốn nhưng ông Nguyên cho rằng quả vải là một trong những mặt hàng xuất khẩu thành công. Nhiều năm trở lại đây, quả vải thiều đã không còn trong tình trạng được mùa, rớt giá và ngược lại. Từ một cây có giá trị xóa đói giảm nghèo, nay nhiều hộ nông dân đã làm giàu được từ cây vải.

Công phu và bài bản

Ông Cao Văn Hoàn, Phó bí thư thường trực UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), “thủ phủ” cây vải thiều, cho biết vải thiều “quả ngọt” được như hôm nay là cả một quá trình dài chuẩn bị công phu và bài bản.

Theo ông Hoàn, phía huyện phải thuê Học viện Nông nghiệp làm quy hoạch toàn bộ diện tích cây ăn quả ở Lục Ngạn xem chỗ nào trồng cây gì cho phù hợp rồi hướng dẫn nông dân. Sau khi quy hoạch, họ hướng dẫn trồng rải vụ, hướng dẫn cách chọn giống tốt để duy trì, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, hình thành các hợp tác xã vải thiều để dần tiến tới sự chuyên nghiệp.

Khi khâu sản xuất đã đi vào ổn định, chính quyền địa phương tiếp tục công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra thị trường. “Chúng tôi phải tìm hiểu rất kỹ xem các thị trường yêu cầu chất lượng thế nào, kể cả về trọng lượng quả. Có những thị trường yêu cầu quả to, thị trường yêu cầu quả nhỏ. Như thị trường Trung Quốc phải loại 1-2, hoặc sang Mỹ hay châu Âu thì bắt buộc loại 1, cả 10 quả chất lượng đều phải như nhau” - ông Hoàn chia sẻ.

Hàng trăm triệu phú vải thiều

Theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tổng giá trị mà quả vải đem lại cho tỉnh này trong năm ngoái là hơn 6.000 tỉ đồng và dự báo năm nay cao hơn.

Còn theo báo cáo của Hội Nông dân huyện Lục Ngạn, năm 2019, địa phương này có khoảng 375 hộ có thu nhập 300-400 triệu đồng, 101 hộ đạt thu nhập 400-500 triệu đồng từ cây vải. Đặc biệt, có 81 hộ đạt thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở lên. Số hộ có thu nhập 100-300 triệu đồng/năm lên đến hơn 5.000 hộ.

Bảy năm nay, vải thiều Lục Ngạn lên đến cửa khẩu không phải chờ vì vải thiều có lối đi riêng. Ông Hoàn cho biết cứ đầu giờ sáng, cửa khẩu mở là ưu tiên cho xe chở vải thiều. Để có được điều đó là do quá trình ngoại giao, là thành công của quá trình đàm phán giữa cơ quan quản lý hai nước. “Hằng năm vải thiều Lục Ngạn được Nhà nước quan tâm, từ trung ương đến các bộ, ngành, địa phương, các lãnh đạo khi ra nước ngoài đều mang theo trái vải để giới thiệu theo đường ngoại giao” - ông Hoàn nói.

Bên cạnh đó, thời gian qua là do Bắc Giang liên tục đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ của Israel, Nhật Bản, châu Âu… vào sản xuất, chế biến và bảo quản vải thiều. Tỉnh đã bắt tay chặt với các nhà kinh doanh xây dựng thương hiệu vải thiều, chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới. Bắc Giang đã từng cất công mời đại sứ quán của 10 nước tại Hà Nội đến tận các vùng trồng vải tham quan, thưởng thức nhằm quảng bá vải thiều. Các công ty tham gia xuất khẩu được địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết hồ sơ, thủ tục, giấy tờ.

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đánh giá bài học thành công của vải thiều Bắc Giang đang là niềm mơ ước của những người sản xuất các mặt hàng nông sản khác như chôm chôm, xoài, sầu riêng, bơ… “Nếu các địa phương, bộ ngành chủ động vào cuộc làm một cách bài bản, chuyên nghiệp, không để nông dân một mình tự bơi… thì nhiều loại nông sản khác sẽ thoát kiếp được mùa mất giá và thênh thang ra thế giới” - TS Võ Mai nói.

15.000 tấn vải thiều đã xuất ngoại

Tính đến ngày 18-6, tổng sản lượng vải thiều của Bắc Giang xuất khẩu khoảng 15.000 tấn sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Úc, Canada, Singapore và Nhật Bản.

Đặc biệt, để người Nhật chấp nhận quả vải của Việt Nam phải mất đến hơn năm năm đàm phán giữa hai nước. Vải thiều Việt Nam xuất khẩu được sang Nhật Bản cho thấy người nông dân đang thay đổi tư duy trồng trọt, đi theo hướng an toàn, chú trọng chất lượng để xuất khẩu được vào các thị trường khó tính. Nếu chúng ta cứ đi theo hướng sản xuất chất lượng như thế này thì chắc chắn tình trạng được mùa rớt giá sẽ không xảy ra.

Ông ĐẶNG PHÚC NGUYÊN, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/quan-ly/vai-thieu-sang-nhat-gia-nua-trieu-dong-kg-920865.html