Vải thiều Thanh Hà bán tại siêu thị ở Úc giá gần 600 nghìn đồng/kg
Lô vải thiều gần 1 tấn được Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Rồng Đỏ thu mua ở một số vườn vải của người dân Thanh Hà (Hải Dương) đang được bán tại hệ thống Market Place (Australia), với giá gần 600.000 đồng/kg.
Cụ thể, bà Hoàng Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương) cho hay, vải thiều Thanh Hà được bày bán trên kệ siêu thị Market Place (Australia) được niêm yết với giá 34,99 AUD/kg (tương đương 594.000 đồng/kg).
Được biết, lô vải thiều chín sớm lần này được Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Rồng đỏ xuất khẩu tới thị trường Australia đều được trồng tại những vườn vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt vào trung tuần tháng 5. Những trái vải trên được xuất khẩu bằng đường hàng không và bảo quản với công nghệ hiện đại nên dù chờ nhiều thời gian thông quan, vải vẫn tươi, ngon khi bán tại các siêu thị ở Australia.
Năm ngoái, vải thiều Việt Nam nhập qua đường hàng không vào Australia được bán với giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng/kg. Trong khi, hàng chục tấn vải đi đường biển khi đưa ra thị trường tại nhiều bang của Australia với giá bán khoảng 260.000 đồng/kg. Đây là mức giá rất cao so với giá vải thiều trung bình 70.000 - 100.000 đồng/kg bán tại thị trường Việt.
Theo UBND huyện Thanh Hà, năm nay địa phương vẫn duy trì 48 vùng trồng với 167 mã số đủ điều kiện xuất khẩu đi Trung Quốc, Úc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan… Vải thiều sớm gồm nhiều giống (u hồng, u trứng trắng, u gai…) có đặc điểm quả to, cùi dày, lượng đường vừa phải, được các thị trường nước ngoài ưa chuộng.
Được biết, đầu tháng 5/2024, huyện Thanh Hà phối hợp Sở Công thương tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.
Thông qua một số điểm cầu trực tuyến, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc đã cung cấp nhiều thông tin về thị trường, xu hướng tiêu dùng, tiêu chuẩn về nhập khẩu tại các nước sở tại, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc lên kế hoạch chủ động nguồn hàng, số lượng hàng xuất khẩu.