Vải thiều Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản: Cánh cửa đã mở

Sau 5 năm nỗ lực đàm phán, năm 2020 quả vải thiều của Việt Nam chính thức được phép xuất khẩu (XK) sang Nhật Bản; một thị trường khó tính nhưng giàu tiềm năng.

Chất lượng là thước đo

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, Bộ Nông lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản (MAFF) mới đây đã thông báo mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam XK trực tiếp sang Nhật Bản, đồng thời cũng kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật với vải thiều Việt Nam.

Đây là kết quả của hơn 5 năm nỗ lực đàm phán giữa hai bên cùng nhiều thí nghiệm nghiêm ngặt được thực hiện để đảm bảo diệt trừ triệt để các đối tượng phải kiểm dịch thực vật của Nhật Bản có khả năng đi theo quả vải thiều của Việt Nam.

Chất lượng quả vải của Việt Nam được đánh giá cao

Chất lượng quả vải của Việt Nam được đánh giá cao

Trong thông báo, MAFF yêu cầu quả vải thiều tươi XK vào Nhật Bản phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Lô quả vải XK phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide (một loại hóa chất khử trùng) tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong 2 giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật của hai quốc gia. Các lô quả vải thiều XK cũng phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về việc chuẩn bị các điều kiện cho XK lô vải đầu tiên sang Nhật Bản mới đây, Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, vải thiều Lục Ngạn hiện được XK đi 30 nước; trong đó, một số thị trường có những tiêu chuẩn chặt chẽ như: EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản...

Ông Trần Quang Tấn- Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang - cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện đã có 149 vùng trồng vải thiều được cấp mã số vùng trồng, phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc khi XK. Không chỉ trồng vải thiều theo cách truyền thống với các mô hình VietGAP, người nông dân còn liên kết với DN làm mô hình trồng vải thiều hữu cơ và đã thu được những thành công nhất định. "Nhờ đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng vải của Việt Nam được đánh giá thuộc loại tốt nhất thế giới. Đứng đầu là Bắc Giang với trên 28.000ha vải, sản lượng trên 90.000 tấn/năm" - ông Tấn khẳng định.

Linh hoạt trong xúc tiến thương mại

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, sẽ thông báo và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp XK, người trồng vải khẩn trương hoàn tất các công việc chuẩn bị, tìm kiếm đối tác nhập khẩu để sớm XK lô quả vải thiều tươi đầu tiên sang Nhật Bản trong vụ vải năm 2020.

Chủ động các phương án XK lô vải thiều đầu tiên sang Nhật Bản, ông Trần Quang Tấn khẳng định, Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường, đặc biệt đối với thị trường Nhật Bản. Để tập trung khai thông thị trường tiềm năng này, Sở Công Thương đã xây dựng phương án tham mưu với UBND tỉnh chương trình xúc tiến thương mại chi tiết cho từng thời điểm, từng thị trường, nhóm khách hàng cụ thể. Chủ động ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối mở rộng kênh tiêu thụ thông qua siêu thị, trung tâm thương mại...

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng đã và đang triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá vải Việt Nam tại Nhật Bản.

Việc quả vải Việt Nam được XK sang thị trường Nhật Bản có ý nghĩa rất lớn, khẳng định được uy tín của quả tươi Việt Nam, giúp nâng cao giá trị XK quả vải; tạo tiền đề thúc đẩy sản xuất chất lượng cao với loại trái cây này.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vai-thieu-viet-nam-duoc-xuat-khau-vao-thi-truong-nhat-ban-canh-cua-da-mo-130481.html