Vai trò chợ truyền thống trong xu thế mới

Từ bao đời nay, chợ truyền thống là nơi hội tụ giao thương, trao đổi hàng hóa, vật dụng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày của mọi người. Hiện nay, nhiều hình thức kinh doanh hiện đại nở rộ như: Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích song chợ truyền thống được đánh giá vẫn là hình thức thương mại phổ biến. Để chợ truyền thống phát huy và khẳng định vai trò, vị trí trong sự phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành, tiểu thương kinh doanh tại chợ đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển ổn định, hiệu quả, phù hợp với xu thế của thị trường.

Chợ Dầu (Việt Trì) nơi có nhiều mặt hàng, vật dụng sinh hoạt thiết yếu được bày bán.

Đổi thay để thích ứng

Hiện nay, kênh bán lẻ truyền thống chiếm khoảng 70% thị phần thị trường bán lẻ, trong đó chợ truyền thống chiếm khoảng 40%. Điều này cho thấy, chợ truyền thống có vai trò quan trọng trong việc phục vụ tiêu dùng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi. Theo thống kê, toàn tỉnh có 197 chợ, trong đó có ba chợ hạng I; 13 chợ hạng II và 181 chợ hạng III, tạo hoạt động thường xuyên cho trên 22.000 hộ. Đối tượng kinh doanh chủ yếu là các tiểu thương, người dân sản xuất và bán trực tiếp sản phẩm. Các mặt hàng kinh doanh tại chợ phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như: Thực phẩm tươi sống, hàng may mặc, đồ gia dụng..., trong đó, hàng thực phẩm tươi sống chiếm tới 70%.

Trên địa bàn huyện Thanh Ba hiện có 14 chợ truyền thống đang hoạt động ổn định ở các xã, thị trấn. Mỗi chợ trung bình phục vụ 8.000 người trong bán kính 5km. Nhận thức rõ vai trò của chợ truyền thống trong việc phân phối, bán lẻ hàng hóa, những năm qua, huyện Thanh Ba tăng cường huy động nguồn lực đầu để nâng cấp, cải tạo bốn chợ gồm: Chợ nông thôn mới xã Mạn Lạn, chợ Khải Xuân, chợ Lạnh xã Đông Thành và chợ mô hình an toàn thực phẩm xã Ninh Dân với tổng kinh phí trên 10,2 tỉ đồng. Nhờ đó, các chợ đã được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố. Các quầy bán hàng trong chợ được đầu tư khang trang, sạch sẽ, đảm bảo diện tích, giao thông nội bộ trong chợ được bê tông hóa. Các chợ đều thành lập ban quản lý, tổ quản lý thực hiện giám sát hoạt động mua bán, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, an ninh công cộng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh- Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thanh Ba cho biết: Với đặc thù người dân sống chủ yếu ở vùng nông thôn và có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, chợ nông thôn vẫn là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa của đại bộ phận dân cư. Từ đó, huyện tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp các chợ hiện có theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các tiểu thương và người dân dễ dàng mua sắm. Ngoài ra, huyện cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác quản lý trật tự kinh doanh; thường xuyên kiểm tra giá cả, hàng giả, hàng kém chất lượng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo quyền, lợi ích cho người tiêu dùng.

Không chỉ ở khu vực nông thôn, thành phố Việt Trì là nơi có hoạt động thương mại hiện đại phát triển song 18 chợ truyền thống vẫn phát huy hiệu quả và có sức hút trong mua sắm. Được đưa vào sử dụng từ năm 2018, chợ thành phố Việt Trì có quy mô hiện đại, khang trang. Các gian hàng được xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích, hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu bán và trưng bày sản phẩm cho hơn 400 hộ kinh doanh. Chợ hoạt động vào khung giờ cố định từ 2 giờ đến 12 giờ tất cả các ngày trong tuần.

Bà Nguyễn Thị Hường - Tiểu thương kinh doanh ở chợ thành phố Việt Trì cho biết: Hiện nay, cơ sở kinh doanh tại chợ được xây dựng khang trang, đảm bảo được các yếu tố trong kinh doanh song để cạnh tranh được với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chúng tôi đã nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nâng cao sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại trên thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mở rộng kênh bán hàng, ngoài việc bán trực tiếp tại cửa hàng trong chợ, tôi cũng đã tiếp cận với kênh bán hàng trực tuyến thông qua điện thoại di động, mạng internet để bắt kịp xu thế.

Với sự đổi thay về diện mạo, hạ tầng kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và sự năng động, nhạy bén của người kinh doanh, chợ truyền thống đã và đang phát huy hiệu quả, thích ứng được với xu hướng mới, sẵn sàng cạnh tranh với các loại hình thương mại hiện đại, tạo được uy tín trong hoạt động kinh doanh, mua bán để giữ niềm tin đối với khách hàng

Hiện nay, chợ thành phố Việt Trì đã được đầu tư xây dựng khang trang, các khu vực bán hàng được phân khu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tháo gỡ khó khăn

Tuy nhiên, với đặc thù được hình thành từ lâu đời nên mạng lưới chợ truyền thống còn nhiều hạn chế, việc kinh doanh của tiểu thương đang gặp không ít khó khăn.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện mới có 45 chợ được xây dựng kiên cố, chiếm 22,6%, còn lại là chợ bán kiên cố, chợ lán tạm, trong đó có nhiều chợ được xây dựng từ lâu đời nên hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, cơ sở vật chất nghèo nàn. Diện tích hoạt động của một số chợ chật hẹp, chủ yếu là dưới 3.000m2. Diện tích bình quân của một hộ kinh doanh trên chợ phổ biến là dưới 5m2/hộ nên khó khăn trong việc mở rộng quy mô; hàng hóa bày bán thiếu khoa học, chưa phân khu bán hàng, thực phẩm sống, chín bày bán lẫn lộn; tình trạng trà trộn hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc vẫn còn xảy ra.

Để tháo gỡ khó khăn, phát triển chợ truyền thống, đảm bảo quy hoạch tới năm 2030 mỗi xã, phường, thị trấn có một chợ hạng III, tại trung tâm huyện có một chợ hạng II hoặc chợ đầu mối, hạ tầng chợ được đầu tư cơ bản theo hướng văn minh, sạch sẽ. Sở Công thương đã thực hiện rà soát quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Phú Thọ, trong đó có quy hoạch các chợ trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các huyện, thành thị, tăng cường công tác quản lý các chợ trên địa bàn, giải tỏa các chợ tự phát, chợ cóc, chợ tạm không đảm bảo điều kiện hoạt động.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tăng cường xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp có đủ điều kiện, có năng lực tham gia xã hội hóa đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mô hình quản lý chợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư quản lý, khai thác, vận hành. Tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh thương mại, hàng hóa lưu thông trên thị trường và tại các chợ nhằm phát hiện, xử lý các đối tượng kinh doanh các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thêm vào đó, các tiểu thương kinh doanh nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ, kỹ năng bán hàng văn minh, lịch sự, tạo môi trường kinh doanh thân thiện, hàng hóa được bán đúng giá, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đồng thời chú trọng đến cách bài trí hàng hóa đẹp mắt, tiện lợi để đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm đến khách hàng.

Ông Đặng Việt Phương- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Việc phát triển đồng bộ mạng lưới chợ truyền thống là đòn bẩy thúc đẩy quá trình lưu thông, tiêu thụ hàng hóa cho người sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút xây dựng mới trên 20 chợ, cải tạo 14 chợ từ nguồn vốn xã hội hóa ở các huyện, thành thị, xây dựng được 10 chợ mô hình thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm bằng nguồn vốn của tỉnh và Trung ương. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và sự đồng lòng của người dân, hy vọng chợ truyền thống sẽ bắt kịp theo xu thế hiện đại, đảm bảo những tiêu chuẩn cơ bản của chợ văn minh, hiện đại song vẫn vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của các địa phương.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-de-hom-nay/vai-tro-cho-truyen-thong-trong-xu-the-moi/187971.htm