Vai trò công tác dân vận của Đảng
Công tác dân vận có vị trí, vai trò rất quan trọng, là một bộ phận, một nội dung không thể thiếu của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: 'Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công'.
Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn khẳng định cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. V.I.Lênin lưu ý những người cộng sản: “Quần chúng lao động ủng hộ chúng ta, sức mạnh của chúng ta là ở đó. Nguồn gốc khiến chủ nghĩa cộng sản thế giới trở thành vô địch cũng là ở đó”.
Đảng Cộng sản Việt Nam coi công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước. Nếu dân vận là vận động nhân dân làm cách mạng để thực hiện mục tiêu giải phóng và phát triển, vì độc lập, tự do của Tổ quốc và dân tộc, vì hạnh phúc cuộc sống của con người, vì dân chủ và quyền làm chủ thực chất của nhân dân, thì công tác dân vận là công tác cách mạng do Đảng khởi xướng và lãnh đạo thực hiện để đạt tới mục tiêu vĩ đại nêu trên. Cũng có thể hình dung, công tác dân vận là một nhiệm vụ cách mạng, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, ở thời kỳ nào của cách mạng cũng có tầm quan trọng chiến lược. Đó cũng là thực hiện một phương thức, một điều kiện căn bản đảm bảo cho cách mạng thành công.
Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước muốn thành hiện thực phải được nhân dân đồng tình, tích cực tham gia thực hiện. Muốn vậy phải làm công tác vận động, tuyên truyền, giải thích cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc”, do đó: “... cách mệnh trước phải làm cho dân giác ngộ”. Trong cách làm công tác dân vận, Người nhấn mạnh: “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. Điều đó nói lên vai trò quan trọng của công tác dân vận.
Việc cách mạng nói chung, việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là rất to lớn, là việc của “dân chúng”. Để lãnh đạo cách mạng thắng lợi, Đảng phải làm tốt công tác dân vận nhằm huy động tập hợp nhân dân thành lực lượng to lớn để thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh trong định nghĩa về dân vận là dân vận để “góp thành lực lượng toàn dân” thực hiện những việc nên làm, cần làm.
Công tác dân vận là công tác của Đảng, do Đảng lãnh đạo, trực tiếp làm cho nhân dân hiểu và tham gia thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bởi vậy, làm tốt công tác dân vận vừa giúp Đảng, Nhà nước hiểu dân, vừa giúp dân hiểu Đảng, tin Đảng, theo Đảng và ủng hộ chính sách, pháp luật của Nhà nước; củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đảng ta dựa vào dân để xây dựng Đảng không chỉ về tổ chức mà cả xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, vì vậy luôn coi công tác dân vận là một bộ phận, một nội dung không thể thiếu của công tác xây dựng Đảng.
Trong công tác dân vận luôn có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tổ chức nhân dân tham gia đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia. Thực tế cho thấy, mỗi khi xảy ra “điểm nóng” thì công tác dân vận phải đi trước, đi cùng, đi đến kết thúc. Trong tình hình hiện nay, để góp phần làm thất bại các âm mưu phá hoại Đảng, Nhà nước, chế độ, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh của các thế lực thù địch thì phải coi trọng, làm tốt công tác dân vận.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đặt công tác dân vận là một trong 10 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của xây dựng Đảng và yêu cầu phải: “Đổi mới và đẩy mạnh công tác vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của công dân”.