Vai trò của báo chí trong việc truyền thông về bình đẳng giới

Ngày 18/10/2023, Tọa đàm 'Giới và Báo chí' được tổ chức tại Tòa nhà Liên Hợp Quốc, Ba Đình, Hà Nội.

Tọa đàm do nhóm G4 (Đại sứ quán các nước Canada, Na Uy, New Zealand và Thụy Sĩ tại Việt Nam) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Câu lạc bộ Nhà báo nữ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Tham dự tọa đàm có Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken; Đại sứ New Zealand Tredenen Dobson; Đại sứ Canada Shawn Style; Phó Đại sứ Thụy Sĩ Aldo De Luca; ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; Tiến sĩ Phạm Thị Mỵ, Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam, cùng các phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí.

Phát biểu chào mừng, bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy nhấn mạnh bình đẳng giới là một trong những mục tiêu quan trọng được đưa vào chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển của Liên Hợp quốc.

Và báo chí có sức mạnh đặc biệt trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng.

Bà Đại sứ Na Uy bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến của các nhà báo về các trải nghiệm khi đưa tin bài liên quan đến bình đẳng giới, bạo lực giới, những kinh nghiệm giúp tránh việc củng cố khuôn mẫu giới, cách thức nâng cao nhận thức cho những nhà báo trẻ…

Bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Toàn

Bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Toàn

Ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, cho biết: “Các phương tiện báo chí, truyền thông giữ một vị trí đặc biệt trong việc định hình nhận thức và quan điểm của công chúng. Truyền thông có thể truyền cảm hứng và thúc đẩy sự thay đổi, nhưng cũng có thể duy trì những định kiến và thành kiến. Năng lực kép này nhấn mạnh trách nhiệm to lớn của các nhà báo khi đưa tin về các chủ đề liên quan đến giới.”

Tại tọa đàm, đại diện các nhà báo trong và ngoài nước đã chia sẻ một số thuận lợi và khó khăn trong việc đưa tin, truyền thông về bình đẳng giới.

Nhà báo Trần Hoàng Lan (Trưởng ban Gia đình, Báo Phụ nữ Thủ đô) cho biết: "Với đặc thù là báo phụ nữ, phóng viên của báo đã gặp một số định kiến về giới, gây khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Độc giả của báo cũng đa phần là phụ nữ, dù hiện nay lượng độc giả là người chồng, người cha có đang tăng lên nhưng vẫn không đáng kể. Vì thế, công tác truyền thông về bình đẳng giới chưa lan tỏa nhiều được đến đối tượng là nam giới."

Đại diện UNDP và các đại sứ nhóm G4 tại Việt Nam tham dự tọa đàm. Ảnh: Hoàng Toàn

Đại diện UNDP và các đại sứ nhóm G4 tại Việt Nam tham dự tọa đàm. Ảnh: Hoàng Toàn

Chia sẻ về công tác truyền thông bình đẳng giới, tại buổi tọa đàm, bà Vũ Hương Thủy - Phó trưởng Ban biên tập Tin trong nước - Thông tấn xã Việt Nam cho biết: "Về tổng quan, chúng tôi đã triển khai những tuyến tin bài nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho người dân, nhất là các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số. Chúng tôi cũng triển khai sâu rộng và phong phú các hoạt động hỗ trợ công tác bình đẳng giới".

"Để công tác tuyên truyền về bình đẳng giới được hiệu quả trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cơ quan, tổ chức tại địa phương cần tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tham gia vào quá trình xây dựng chính sách. Đặc biệt, cơ quan báo chí sẽ được tiếp cận nhanh nhất với các nguồn tin chính thức liên quan đến vấn đề bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới", bà Thủy kiến nghị.

Nhà báo Vũ Hương Thủy cũng đề xuất các cơ quan chủ động cung cấp các số liệu để tạo nên sức mạnh tổng hợp để phê phán, đấu tranh đối với các hành động gây bất bình đẳng giới và cùng với đó tăng cường tập huấn kiến thức, kĩ năng cho các phóng viên về bình đẳng giới.

Tham dự tọa đàm bằng hình thức trực tuyến, Tiến sĩ Minelle Mahtani, Viện Công bằng xã hội, Đại học British Columbia (Canada) đưa ra vấn đề về việc đưa tin cẩn trọng về vấn đề giới.

Đúc rút kinh nghiệm trong hoạt động báo chí và giảng dạy, bà Minelle Mahtani cho rằng, nhà báo cần có kiến thức về giới, có sự cẩn trọng việc lựa chọn hình ảnh và từ ngữ cũng như có cách tiếp cận phù hợp với từng văn hóa cụ thể.

Tiến sĩ Minelle Mahtani cho rằng “nhạy cảm giới” là vô cùng quan trọng. "Chúng ta cần tiếp cận những câu chuyện về giới để đảm bảo tính toàn vẹn, sự rộng lượng và độ cẩn trọng", nữ tiến sĩ nhấn mạnh.

Ngoài phần chia sẻ của các chuyên gia, dưới sự điều phối của bà Trần Lệ Thủy, giảng viên truyền thông, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển MDI, các nhà báo tham dự Tọa đàm cũng đã tham gia thực hành, phân tích tình huống nhằm rút ra được những điều nên và không nên khi đưa tin về giới.

Vương Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vai-tro-cua-bao-chi-trong-viec-truyen-thong-ve-binh-dang-gioi-post238690.gd