Vai trò của các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp

Việt Nam đang tiếp cận xu hướng 'đại học thế hệ thứ 3' - đại học khởi nghiệp, trực tiếp khai phá tri thức, biến giá trị nằm trên giấy thành của cải vật chất và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Trong xu hướng này, càng làm rõ lên vai trò của các trường đại học trong việc dẫn dắt, kết nối với các thành phần khác cùng nằm trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia.

“Mắt xích” thiết yếu trong hệ sinh thái ĐMST

Vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp thể hiện qua ba nhiệm vụ chính: Đào tạo nhân tài, cung cấp kiến thức nền tảng khoa học và kỹ thuật, giúp sinh viên phát triển kỹ năng và kiến thức mới để trở thành những doanh nhân thành đạt (Harvard, Cambridge, MIT… đã làm rất thành công); Cung cấp cơ sở hạ tầng, vật chất để doanh nghiệp (DN) thử nghiệm và phát triển sản phẩm mẫu trước khi thương mại hóa, với chi phí hợp lý và trình độ chuyên môn cao; Cung cấp công nghệ hỗ trợ DN tăng trưởng nhanh, tạo ra các nghiên cứu khoa học và sáng chế hiệu quả, bền vững.

Đại học Ben-Gurion nằm ngay trong khu đô thị đổi mới sáng tạo Be'er Sheva

Đại học Ben-Gurion nằm ngay trong khu đô thị đổi mới sáng tạo Be'er Sheva

Khi thiết kế, triển khai một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, ngoài các quỹ đầu tư, các công ty khởi nghiệp, các vườn ươm… không thể thiếu được vai trò của trường đại học, “cái nôi” sản sinh ra những startup công nghệ tỷ đô. Khu đô thị ĐMST Be’er Sheva (Israel) là mô hình tiêu biểu cho hệ sinh thái ĐMST tập trung các công ty công nghệ hàng đầu và không thể thiếu những trường đại học danh tiếng. Ngoài Viện ứng dụng nghiên cứu Mor; Vườn ươm công nghệ Incubit; Những gã khổng lồ công nghệ Dell, Wix, Synergy7; Quỹ Merage… thì Đại học Ben-Gurion là “tâm điểm” ngay trong khu đô thị.

Kết nối chặt chẽ với DN

Các trường đại học cung cấp nền tảng kiến thức khoa học cơ bản, công nghệ và quy trình kỹ thuật, giúp các DN có thể tiếp cận những công nghệ tiên tiến, ứng dụng vào quá trình sản xuất và kinh doanh. Các trường đại học còn tạo ra những tài sản trí tuệ mới thông qua quá trình nghiên cứu và phát triển, khi được DN áp dụng sẽ trở thành những giải pháp sáng tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, các trường đại học hỗ trợ thương mại hóa các tài sản trí tuệ. Quá trình này không chỉ tạo điều kiện cho các DN trẻ phát triển mà còn giúp các trường đại học tạo ra nguồn thu tài chính từ phí bản quyền, trở thành nguồn lực quan trọng để tiếp tục đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển. Đây là một chu kỳ đổi mới và tạo giá trị kinh tế, nơi mỗi bước đi đều đóng góp vào sự phát triển bền vững của cả hai bên. Mối quan hệ hợp tác này còn giúp các trường đại học và DN gần gũi hơn với nhu cầu thực tiễn của thị trường, từ đó, tạo ra những nghiên cứu ứng dụng, có khả năng thực thi cao.

Scale AI Canada là một ví dụ điển hình cho sự kết hợp hiệu quả khi Đại học McGill và Đại học Montreál cung cấp nền tảng kiến thức chuyên sâu, tài năng trẻ, DN mang đến nguồn lực tài chính, công nghệ tiên tiến, và hiểu biết về thị trường thực tiễn. Dự án được triển khai hồi tháng 12/2021 tập trung vào việc phát triển các thuật toán AI tiên tiến để dự báo nhu cầu và tối ưu hóa quản lý chuỗi cung ứng. Kết quả là một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để đưa ra các dự đoán chính xác về nhu cầu sản phẩm, giúp DN tối ưu hóa hàng tồn kho và giảm chi phí vận hành.

90% Đơn vị có trung tâm ĐMST đã tham gia các mạng lưới
khởi nghiệp, hợp tác với các cơ sở giáo dục khác.

Phát huy thế mạnh về kiến thức ngành

Thực tế chứng minh, khi các trường đại học hiểu rõ và đóng góp vào các lĩnh vực cụ thể, họ sẽ trở thành những nguồn tài nguyên quý giá, cùng DN đối mặt với những vấn đề và thách thức thực tế.

Một ví dụ điển hình tại bang Massachusetts (Mỹ), kể từ khi có cuộc “cách mạng” sáng kiến nhằm thúc đẩy ngành khoa học sự sống phát triển, các trường đại học lớn như Harvard, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Trường Y tế MGH... phát huy vai trò trung tâm trong việc tạo ra những tiến bộ và ĐMST trong lĩnh vực khoa học y tế. Họ sở hữu và dần phát triển những nguồn lực hiện đại hỗ trợ riêng cho mục đích này. Sau khi tạo ra tài sản trí tuệ liên quan, các DN khởi nghiệp thành lập từ trường sẽ đưa tài sản trí tuệ trong lĩnh vực đó áp dụng vào cuộc sống. Kết quả số vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực khoa học sự sống sau khi có sự kết nối của hệ sinh thái này đã tăng gấp 8 lần từ năm 2010; tính đến năm 2023, nơi đây cũng sản sinh 13/14 công ty dược phẩm hàng đầu thế giới.

Nơi thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp

Trường đại học là nơi tốt nhất để đào tạo văn hóa khởi nghiệp ĐMST, là môi trường để sinh viên “đắm mình” với hoạt động khởi nghiệp, với ý tưởng sáng tạo thông qua các “đề án khởi nghiệp”, tham gia vào DN phù hợp, thậm chí có thể thành lập các doanh nghiệp startup. Việc các trường phát huy tốt vai trò đào tạo văn hóa khởi nghiệp hứa hẹn góp phần tăng tốc triển khai mô hình đại học khởi nghiệp tại mỗi quốc gia.

Đặc biệt, văn hóa khởi nghiệp ở trường đại học giúp sinh viên khi ra trường nhanh chóng trở thành các nhân tố trẻ của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Có thể trở thành các doanh nghiệp lớn từ khi còn rất trẻ, điều mà các nước đã làm được như: Mark Zuckerberg sáng lập Facebook (Meta) khi mới 16 tuổi, Michael Dell sáng lập Dell khi mới 21 tuổi, Elon - người sáng lập Zip2, Tesla và SpaceX khi mới 24 tuổi. Dự án có thể thất bại, nhưng cá nhân được đào tạo văn hóa khởi nghiệp ĐMST thì sẽ không bỏ cuộc cho đến khi đạt được mục tiêu.

(*) Chuyên gia xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp từ tổ chức
J.E.Austin Hoa Kỳ

Khánh Hưng (ghi)

100% Cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST.

Martin Webber (*)

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/vai-tro-cua-cac-truong-dai-hoc-trong-he-sinh-thai-khoi-nghiep-312386.html