Vai trò của công nghệ mô phỏng trong lĩnh vực quân sự

Theo Business Wire (Mỹ), quy mô thị trường mô phỏng huấn luyện quân sự được dự báo đạt 9,2 tỷ USD trong năm 2022 và dự kiến đến năm 2027 là 12,2 tỷ USD.

Còn theo Grand View Research, dự báo tốc độ tăng trưởng ngành mô phỏng lĩnh vực quân sự là 4,2%/năm. Trong đó, mô phỏng bay có thị phần cao nhất trong toàn ngành mô phỏng huấn luyện quân sự (45%). Qua đó có thể thấy, thị trường này ngày càng được đánh giá cao, giá trị lớn và vai trò quan trọng trong xây dựng quân đội.

Trong khoa học kỹ thuật công nghệ cao, đặc biệt là khoa học quân sự, quốc phòng, việc triển khai và ứng dụng các nghiên cứu mô phỏng có vai trò rất quan trọng. Công nghệ mô phỏng (CNMP) chính là thao trường, vật chất, vũ khí, trang bị ảo, giúp người chỉ huy các cấp thực hành trước những nội dung cần thiết, còn yếu, còn thiếu trước khi ra thực tế. CNMP cho phép huấn luyện dưới nhiều hình thức, từ đơn giản đến phức tạp, từ phân đoạn đến tổng hợp, từ cá nhân đến đơn vị, kể cả trong diễn tập. Do đó, huấn luyện bằng thiết bị mô phỏng bảo đảm sát thực tế chiến đấu hơn, mô tả đầy đủ hoạt động của con người, vũ khí, trang bị...

Cán bộ Quân đội nhân dân Lào thực hành các bài bắn súng bộ binh bằng công nghệ mô phỏng do Công ty Tecapro trao tặng.

Cán bộ Quân đội nhân dân Lào thực hành các bài bắn súng bộ binh bằng công nghệ mô phỏng do Công ty Tecapro trao tặng.

Đặc biệt, việc nghiên cứu, huấn luyện trên các hệ thống mô phỏng tiết kiệm chi phí. Ví dụ, trong huấn luyện kíp chiến đấu, kíp lái và trắc thủ trên các hệ thống mô phỏng khí tài (xe tăng, máy bay, tàu chiến, khí tài tác chiến điện tử, súng, pháo...) giúp cắt giảm chi phí về nhiên liệu, điện năng, đạn dược và hao mòn hệ số khí tài. Bên cạnh đó, quá trình đào tạo, tổ chức diễn tập, cơ động lực lượng của các đơn vị thường cần thời gian dài, nên việc sử dụng các hệ thống mô phỏng sẽ giúp rút ngắn thời gian đào tạo, huấn luyện và có thể chủ động huấn luyện ở mọi lúc, mọi nơi, bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, sử dụng các hệ thống mô phỏng giúp quá trình huấn luyện, nghiên cứu linh hoạt hơn; chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường, thời tiết (mây, mưa, sương mù, tốc độ gió...); chủ động thiết kế các tình huống, bài tập huấn luyện cho người học. Chẳng hạn, chủ động thay đổi các điều kiện địa hình (đồi núi, đồng bằng, đô thị) và thời tiết để kiểm tra khả năng, trình độ vận hành, điều khiển khí tài của bộ đội; chủ động bố trí hình thái chiến trường (vị trí, số lượng địch và ta) để kiểm tra khả năng tác chiến của các đơn vị chiến đấu, việc ra lệnh của người chỉ huy.

Sử dụng các hệ thống mô phỏng nâng cao độ an toàn cho người và thiết bị, bảo vệ môi trường trong quá trình huấn luyện, nghiên cứu. Đặc biệt, quá trình nghiên cứu, thử nghiệm sức công phá của bom đạn, tên lửa, các loại vũ khí hóa học, sinh học có thể gây nguy hiểm cho con người và môi trường nếu xảy ra sai sót. Việc nghiên cứu, thử nghiệm này khi tiến hành trên các hệ thống mô phỏng sẽ tránh được những ảnh hưởng xấu đến môi trường và các mối nguy hiểm đến tính mạng con người.

Có thể thấy, mô phỏng là giải pháp cho việc phân tích, nghiên cứu trên các hệ thống chưa có thực, hoặc khó thực hiện trên thực tế. Dù các trận đánh chưa diễn ra, nhưng hệ thống mô phỏng tác chiến cho phép người dùng có thể đánh giá, phân tích các phương án tác chiến khác nhau và ảnh hưởng của chúng đến kết quả của trận đánh, của chiến dịch... Ứng dụng CNMP trong hoạt động quân sự nói chung và đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là xu thế tất yếu. Nắm bắt sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những năm qua, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm CNMP có hàm lượng khoa học cao, được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, góp phần từng bước hiện đại hóa quân đội.

Bài và ảnh: MAI HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cong-nghiep-quoc-phong-4-0/vai-tro-cua-cong-nghe-mo-phong-trong-linh-vuc-quan-su-703558