Vai trò của đa chuyên ngành trong quản lý bệnh nhân cao tuổi
Tại Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi đang gia tăng nhanh chóng. Việc tiếp cận đa chuyên ngành trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân cao tuổi không chỉ trong y tế mà cả trong các lĩnh vực bảo trợ xã hội.
Tốc độ già hóa dân số tăng nhanh
Thế giới đang trải qua giai đoạn già hóa dân số với tốc độ chưa từng có. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, số người trên 60 tuổi sẽ chiếm khoảng 22% dân số toàn cầu. Tại Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi đang gia tăng nhanh chóng, đáng chú ý, những người 80 tuổi trở lên đang là nhóm tăng nhanh nhất. Hiện nay, người cao tuổi chiếm khoảng 12% dân số, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 25% vào năm 2050.

Nhiều người cao tuổi phải sống với bệnh tật, gây áp lực lớn lên gia đình và hệ thống y tế.
Tại Lễ khai mạc Hội nghị khoa học quốc tế Bệnh viện Hữu nghị năm 2025 chủ đề “Tiếp cận đa chuyên ngành trong quản lý bệnh nhân cao tuổi: Hiện tại và tương lai” mới đây, TS.BSCC Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị nhấn mạnh, già hóa dân số đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống y tế và xã hội. Mặc dù tuổi thọ trung bình ngày càng tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam không tỷ lệ thuận với điều này.
“Nhiều người cao tuổi phải sống với bệnh tật, giảm sút chất lượng sống, gây áp lực lớn lên gia đình và hệ thống y tế. Đây chính là lý do tại sao việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không chỉ đơn thuần là điều trị bệnh mà còn phải bao gồm các yếu tố như dự phòng, phục hồi chức năng, chăm sóc tinh thần và hỗ trợ xã hội”, ông Nguyễn Thế Anh chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, người cao tuổi Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép, vừa là hậu quả tích lũy của các bệnh lý mãn tính không lây như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, sa sút trí tuệ…; vừa có nguy cơ cao gặp phải các tình trạng suy giảm chức năng, biến chứng điều trị, lệ thuộc thuốc và giảm chất lượng sống. Trung bình, một người cao tuổi mắc từ 3 đến 4 bệnh mạn tính kèm theo.
“Chính vì vậy, tiếp cận đa chuyên ngành trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân cao tuổi là xu hướng tất yếu, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và cá thể hóa cho người cao tuổi. Mô hình này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như nội, tim mạch, ung bướu, thần kinh, tâm thần, phục hồi chức năng, dinh dưỡng, dược lâm sàng, điều dưỡng… từ khâu dự phòng, sàng lọc sớm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc tại bệnh viện, phục hồi chức năng và chăm sóc tại nhà, tại cộng đồng”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
“Tiếp cận đa chuyên ngành trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân cao tuổi đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như nội, tim mạch, ung bướu, thần kinh, tâm thần, phục hồi chức năng, dinh dưỡng, dược lâm sàng, điều dưỡng… từ khâu dự phòng, sàng lọc sớm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc tại bệnh viện, phục hồi chức năng và chăm sóc tại nhà, tại cộng đồng”- PGS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển mô hình chăm sóc tích hợp
Việt Nam chuyển sang cơ cấu dân số già cũng đặt ra nhiều thách thức trong chăm sóc y tế. TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện nay hệ thống y tế của nước ta còn yếu chưa đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc điều trị người cao tuổi, cần đẩy mạnh các biện pháp chăm sóc và điều trị bệnh nhân cao tuổi tại bệnh viện và cả tại nhà. Do vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý bệnh tật và chăm sóc dài hạn, bao gồm trí tuệ nhân tạo, y tế từ xa, hồ sơ sức khỏe điện tử và các thiết bị hỗ trợ thông minh là điều cần thiết.
TS.BS Hà Anh Đức cho biết, hiện nay hệ thống y tế lão khoa ở nước ta rất ít. Trên cả nước chỉ có một bệnh viện lão khoa, hơn 30 bệnh viện có khoa lão. Chính sách về lão khoa từ hướng dẫn kỹ thuật, đến quy trình chuyên môn còn rất yếu. Đáng lưu ý, nhiều BN cao tuổi ốm nặng, phải ngồi xe lăn hoặc đẩy cáng, trong khi một số bệnh viện chưa đáp ứng được vấn đề di chuyển cho những đối tượng này. “Người cao tuổi thường sẽ phải đi xe lăn, nhưng hiện tại ở Thủ đô, có bao nhiêu con đường để người cao tuổi đi xe lăn? Ngay cả ở một số bệnh viện, các hành lang, khu vệ sinh cũng chưa thể tối ưu cho những đối tượng người bệnh này di chuyển ", TS.BS Hà Anh Đức nêu ví dụ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh trong những năm qua, Bộ Y tế đã và đang xây dựng nhiều chính sách, chiến lược nhằm thích ứng với già hóa dân số, trong đó có Chiến lược quốc gia về người cao tuổi đến năm 2025; Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, các chương trình chăm sóc dài hạn và phục hồi chức năng; Định hướng phát triển y học gia đình, y học cộng đồng và hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y tế có năng lực chăm sóc người cao tuổi.
“Để đạt được kết quả bền vững, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển mô hình chăm sóc tích hợp, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt là sự phối hợp liên ngành không chỉ trong y tế mà cả trong các lĩnh vực bảo trợ xã hội, chính sách an sinh, đào tạo và cộng đồng”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.