Vai trò của dinh dưỡng trong quá trình điều trị bệnh
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh cũng như phát triển tầm vóc con người.
ThS-BS Đoàn Quyết Thắng, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cho biết chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp giảm tình trạng suy dinh dưỡng của bệnh nhân.
Một bệnh nhân có thể trạng suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến các chức năng nhận thức, chức năng cơ, chức năng hô hấp, tim mạch, tuần hoàn, giảm đáp ứng sinh nhiệt, chậm lành vết thương. Vì vậy, nếu bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp giảm chi phí điều trị, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm các biến chứng và tỷ lệ tử vong.
Chẳng hạn, với những bệnh nhân bị bệnh tăng huyết áp, sau khi đánh giá tình trạng huyết áp, bác sĩ sẽ khám và đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân tăng huyết áp không suy dinh dưỡng thì phải chú ý đến lượng muối của bệnh nhân đang ăn. Bệnh tăng huyết áp có nhiều yếu tố nguy cơ, trong đó có vấn đề ăn mặn, sử dụng lượng muối cao gấp đôi so với nhu cầu của người bệnh. Bệnh nhân tăng huyết áp cần giảm lượng muối, dưới 4g/ngày hoặc dưới 2g/ngày tùy tình hình bệnh.
Bệnh nhân đái tháo đường sẽ có những rối loạn chuyển hóa về đường huyết và rối loạn chuyển hóa về chất béo. Để kiểm soát được đường huyết, cần có chế độ ăn giảm tinh bột nhưng phải đảm bảo đủ năng lượng bằng cách tăng lượng đạm và chất béo, đặc biệt là những chất béo tốt.
Bệnh nhân đái tháo đường nếu ăn ít quá so với nhu cầu cần phải bổ sung thêm một số sản phẩm như sữa dành cho bệnh nhân tiểu đường, những loại sữa này có chỉ số đường huyết thấp.
Đối với người bình thường, chế độ ăn uống lành mạnh cần đảm bảo đủ năng lượng, vitamin, khoáng chất. Khẩu phần ăn cần cân đối giữa lượng đường, đạm, chất béo. Ngoài ra, cần bổ sung chất xơ, vitamin, khoáng chất, hạn chế muối dưới 6g/ngày.