Vai trò của doanh nghiệp và các địa phương trong việc thúc đẩy sử dụng Năng lượng tiết kiệm, hiệu quả từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Để hoạt động tiết kiệm năng lượng đi vào thực chất thì chính quyền địa phương và doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng.

Quyết sách của Đảng và Nhà nước làm thay đổi căn bản chất lượng sử dụng năng lượng

Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 02 tháng 10 năm 2020, Chính phủ đã có Nghị quyết số 140/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiên nghị quyết số 55 NQ/TW, trong đó chỉ rõ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một khâu then chốt nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nói chung, sự phát triển bền vững của ngành năng lượng nói riêng. Bên cạnh đó, ngày 13 tháng 3 năm 2019, tại Quyết định số 280/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 với hai mục tiêu quan trọng đặt trọng tâm vào việc cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng tại tất cả ngành/lĩnh vực của Việt Nam, tạo tiền đề đưa ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững, ổn định, phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Các cơ sở sử dụng năng lượng đạt danh hiệu năng lượng xanh 5 sao năm 2019

Các cơ sở sử dụng năng lượng đạt danh hiệu năng lượng xanh 5 sao năm 2019

Cụ thể, chúng ta phải tiết kiệm từ 8-10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường, tương đương với khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi, tương ứng với tổng lượng năng lượng sơ cấp cả nước đã tiêu thụ vào năm 2014. Đồng thời chúng ta làm nâng cao nhận thực, tiến tới thay đổi hành vi sử dụng năng lượng của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và trách nhiệm.

Như vậy, có thể thấy rằng, Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng khâu cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng trong chính sách phát triển bền vững ngành năng lượng nói riêng và an ninh năng lượng quốc gia nói chung. Để triển khai hiệu quả quyết sách này, bên cạnh nỗ lực tổ chức thực hiện của các cơ quan trung ương, hành động các địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp được coi là nhân tố chủ đạo, đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu đề ra.

Từ quyết tâm của Chính phủ đến hành động của địa phương

Để tổ chức thực hiện được mục tiêu tiết kiệm từ 8 – 10% tổng năng lượng tiêu thụ so với kịch bản phát triển bình thường đến năm 2030, sự vào cuộc của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (địa phương) có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định. Chính vì vậy, tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải: Xây dựng, phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình tại địa phương, trong đó nêu rõ lộ trình, mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo thẩm quyền; bố trí kinh phí thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, tiến độ, hiệu quả việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương; Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích và khen thưởng đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn; Huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các nội dung Chương trình thuộc nhiệm vụ do địa phương quản lý…

Hệ thống điện mặt trời áp mái được khuyến khích trong Chỉ thị

Hệ thống điện mặt trời áp mái được khuyến khích trong Chỉ thị

Như vậy có thể thấy, Chính phủ đã quyết liệt yêu cầu người đứng đầu các địa phương phải nghiêm túc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia trên địa bàn, trong đó, nêu rõ mục tiêu tiết kiệm năng lượng của địa phương, phương án tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu đó.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, từ mục tiêu quốc gia, Trung Quốc thực hiện việc phân bổ mục tiêu cho địa phương trên cơ sở tiềm năng tiết kiệm năng lượng và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn của mỗi địa phương. Việc thực hiện phân bổ dựa trên nguyên tắc khoa học và tự nguyện. Người đứng đầu chính quyền địa phương chịu trách nhiệm việc thực hiện mục tiêu này với chính quyền trung ương. Nhờ biện pháp này, Trung Quốc đã có những thành tựu vượt bậc về cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo công bố của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), sau 15 năm (2005 – 2020) thực hiện chính sách này, Trung Quốc dự kiến cải thiện chỉ số cường độ sử dụng năng lượng khoảng 44%. Về mặt năng lượng, chỉ tính riêng giai đoạn 2013 - 2015, tiêu thụ điện của Trung Quốc chỉ tăng khoảng 259 TWh so với nhu cầu tăng khoảng 800 TWh nếu không áp dụng chính sách và chế tài mạnh mẽ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là sự chịu trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Việc hoàn thành mục tiêu đã được phân bổ là chìa khóa dẫn mang đến sự thành công của Trung Quốc về nâng cao chất lượng sử dụng năng lượng.

Đối với Việt Nam, một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương về khả năng phân bổ mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng cho các địa phương của Việt Nam cho thấy, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể chia thành 07 nhóm địa phương với mục tiêu tiết kiệm năng lượng khác nhau căn cứ vào đặc điểm tương đồng về tiềm năng tiết kiệm năng lượng, cơ cấu kinh tế, đặc điểm dân cư v.v. Như vậy, về mặt khoa học, chúng ta có thể phân bổ mục tiêu tiết kiệm 8 – 10% của cả nước cho từng địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cùng với các địa phương xác định mục tiêu hàng năm và giai đoạn cho từng tỉnh, thành phố và gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đối với việc đảm bảo thực hiện mục tiêu đã được thống nhất xác định.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với vai trò quản lý nhà nước tại địa phương cần có những biện pháp cụ thể để đảm bảo mục tiêu tiết kiệm năng lượng của địa phương mình. Tùy thuộc vào đặc điểm tình hình cụ thể của địa phương, những biện pháp sau có thể lồng ghép vào kế hoạch thực hiện tại địa phương.

Trước hết là hướng giải pháp về cải thiện hành vi sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức theo hướng đối tượng về cải thiện hành vi sử dụng điện/năng lượng ; Xây dựng và tổ chức triển khai các quy tắc xã hội/cộng đồng, nội quy, quy định về hành vi sử dụng điện/năng lượng: Quy tắc về sử dụng điện tại công sở, văn phòng, trường học, bệnh viện v.v; Xây dựng và tuyên truyền lối sống tiết kiệm điện/năng lượng đến hộ gia đình Phát động phong trào gia đình tiết kiệm điện tại khu dân cư. Đồng thời xây dựng và tổ chức công bố rộng rãi định kỳ kết quả thực hiện tiết kiệm điện/năng lượng của các tổ chức, đơn vị trực thuộc

Bên cạnh đó là hướng giải pháp về công nghệ-kỹ thuật phục vụ tiết kiệm điện/năng lượng như: Xây dựng và lồng ghép triển khai chương trình tài trợ cho các nghiên cứu, triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ về tiết kiệm điện/năng lượng vào chương trình; Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lựa chọn, ứng dụng các công nghệ, giải pháp kỹ thuật… Thúc đẩy việc chuyển đổi công nghệ, thiết bị, máy móc…theo hướng tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, năng lượng nội bộ, giảm nhu cầu điện của đơn vị từ nguồn điện lưới quốc gia; Mua sắm xanh…

Doanh nghiệp đóng vai trò then chốt

Chi phí năng lượng đối với nhiều ngành/lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm. Vì vậy, việc triển khai hiệu quả sử trong sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp không những làm gia tăng năng lực cạnh tranh của bản thân doanh nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường mà còn trực tiếp tác động đến việc hoàn thành mục tiêu tiết kiệm năng lượng của địa phương.

Ở góc độ quản lý nhà nước, chúng ta đã ban hành nhiều thông tư quy định định mức sử dụng năng lượng đối với sản phẩm của nhiều ngành/phân ngành sản xuất công nghiệp bên cạnh các quy định khác liên quan đến việc lựa chọn, trang thiết bị, công nghệ phù hợp, hiệu quả về sử dụng năng lượng cũng như chế tài đảm bảo việc thực thi hiệu quả quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhưng mức độ hiệu quả của việc triển khai các quy định này còn chưa cao. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn lực tài chính để có thể đầu tư đổi mới công nghệ.

Để cải thiện việc sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp thì một số các giải pháp sau được xem là sẽ có tác động trực tiếp đến công tác tiết kiệm năng lượng tại các cơ sở sản xuất như: xây dựng và vận hành quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Quỹ sẽ là nơi cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi, thủ tục thông thoáng nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thay thế máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất theo hướng hiệu quả về mặt sử dụng năng lượng, bảo vệ môi trường; Mở rộng quy định pháp luật liên quan đến việc quy định định mức sử dụng năng lượng trong sản xuất, kinh doanh; Đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng./.

TS. Phương Hoàng Kim - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vai-tro-cua-doanh-nghiep-va-cac-dia-phuong-trong-viec-thuc-day-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-hieu-qua-tu-goc-nhin-cua-co-quan-quan-ly-nha-nuoc-148112.html