Vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và ngày càng tác động mạnh mẽ đến nước ta, trong bối cảnh đó, vai trò của đội ngũ trí thức thể hiện ở nhiều lĩnh vực hoạt động. Cụ thể là: cung cấp luận cứ khoa học và tư vấn, phản biện để góp phần xây dựng đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trực tiếp nâng cao dân trí và giáo dục, đào tạo nhân lực cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam.
Những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn nhấn mạnh: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”1.
Đội ngũ trí thức góp phần xây dựng đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam
Thực tiễn đấu tranh cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua đã chứng minh rằng, muốn cách mạng thành công, muốn đất nước phát triển nhanh và bền vững cần có đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chỉ đạt được thành công khi có một hệ thống lý luận đúng đắn, khoa học và cách mạng soi sáng. Đây không phải là công việc dễ dàng, các nhà lãnh đạo, các nhà làm chính sách không thể tự mình làm được nếu chỉ dựa vào tri thức và kinh nghiệm của bản thân. Do đó, họ phải tham khảo ý kiến và sử dụng sự hiểu biết về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của đội ngũ trí thức Việt Nam trong quá trình xây dựng đường lối và chính sách. Tham gia vào quá xây dựng đường lối lãnh đạo của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam thể hiện rõ nét ở những nội dung sau:
Thứ nhất, đội ngũ trí thức Việt Nam giữ vai trò nòng cốt trong việc cung cấp luận cứ khoa học góp phần xây dựng đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có đúng đắn, phù hợp với đất nước hay không phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở khoa học của đường lối, chính sách, pháp luật đó. Là những người có hiểu biết sâu rộng, thông thạo nhất về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đội ngũ trí thức thông qua những nghiên cứu của mình, cung cấp những luận cứ khoa học cho quá trình xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Để cung cấp được những luận cứ khoa học góp phần xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đội ngũ trí thức Việt Nam cần tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, phát hiện những vấn đề có tính quy luật của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời phải đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết thực tiễn vận động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên thế giới, cũng như ở Việt Nam.
Thứ hai, đội ngũ trí thức Việt Nam tham gia công tác tư vấn, phản biện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, xuất phát từ đặc điểm nghề nghiệp của đội ngũ trí thức. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang là một hiện thực trên thế giới, là một quá trình phát triển không thể đảo ngược trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Cuộc cách mạng tác động trên nhiều lĩnh vực với nhiều công nghệ nền tảng mang tính chất bước ngoặt, cách mạng. Những công nghệ mới, kỹ thuật mới sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các nước đang tìm kiếm con đường phát triển của mình, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam đang tiếp cận và tiếp thu, vận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng để phát triển đất nước. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được những cơ hội, hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc vận dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phải đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới và phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam.
Để có được chính sách như vậy, rất cần vai trò tư vấn, phản biện chính sách của đội ngũ trí thức. Đội ngũ trí thức Việt Nam, với vốn hiểu biết sâu rộng, kinh nghiệm phong phú, tư duy độc lập và luôn có chính kiến trong việc luận giải mọi vấn đề của đời sống xã hội, sẽ là lực lượng quan trọng tham gia tư vấn, phản biện các chính sách, pháp luật cụ thể của Nhà nước về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nội dung phản biện mà đội ngũ trí thức thực hiện bao gồm việc xem xét, đánh giá, khuyến nghị đối với đường lối, chính sách mà Đảng và Nhà nước nêu ra về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời, bao gồm cả việc phản biện về các giải pháp, tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật liên quan đến Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phản biện đem lại những luận chứng đánh giá về tính đúng, sai, nên hay không nên, cần hay chưa cần, triển vọng kết quả có thể nhìn thấy hoặc những hệ lụy, hậu quả phát sinh cần phải chủ động phòng tránh hoặc khắc phục trong các quyết sách liên quan tới Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Vai trò tư vấn, phản biện của đội ngũ trí thức Việt Nam mang tính dân chủ, công khai, tự giác và có hàm lượng khoa học cao. Vì vậy, đây là cơ sở quan trọng giúp Đảng, Nhà nước xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật về cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, tư vấn, phản biện đường lối, chính sách cho Đảng và Nhà nước là công việc vô cùng phức tạp, khó khăn, đòi hỏi đội ngũ trí thức Việt Nam phải có đủ tri thức, bản lĩnh, trách nhiệm và dũng khí.
Nâng cao dân trí và giáo dục, đào tạo nhân lực cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam
Cùng với việc cung cấp luận cứ, phản biện góp phần xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật phù hợp Việt Nam, đội ngũ trí thức Việt Nam còn có vai trò to lớn trong việc nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam.
Xã hội phát triển càng đòi hỏi mặt bằng dân trí cao để có thể tiếp cận được những dịch vụ mà xã hội cung cấp, đồng thời giúp cho người dân dễ dàng hơn trong việc thích ứng với những yêu cầu của thị trường lao động trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trí thức chính là lực lượng nòng cốt trong việc truyền bá tri thức, nâng cao trình độ dân trí, nâng cao nhận thức của xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Đây được xem là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài gắn với thiên chức của đội ngũ trí thức. Đội ngũ trí thức thông qua nhiều cách khác nhau để trao truyền tri thức đến các thành viên của xã hội. Quá trình truyền bá tri thức có sứ mệnh kép: một mặt, phổ biến tri thức nhằm nâng cao dân trí; mặt khác, cung cấp nguồn dữ liệu bồi dưỡng các phẩm chất của con người, tạo ra những thế hệ công dân thích ứng được với môi trường xã hội trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với những phẩm chất riêng có, trí thức Việt Nam là những người trực tiếp tiếp thu, sáng tạo ra tri thức, công nghệ và họ cũng là những người trực tiếp truyền bá, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ dần xóa bỏ lao động giản đơn, đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là những người lao động có trình độ chuyên môn nghề nghiệp cao, có hiểu biết sâu, rộng về lĩnh vực nghề nghiệp của mình, có khả năng tương tác không chỉ với con người mà còn phải có khả năng tương tác với các hệ thống máy móc và trí tuệ nhân tạo, kỹ năng sử dụng công nghệ thông minh trên nền tảng internet. Đội ngũ trí thức, với vai trò là lực lượng chính trong tiếp thu khoa học công nghệ trên thế giới, nghiên cứu, sáng tạo giá trị mới về khoa học và công nghệ; vừa là những người thầy thực hiện hoạt động đào tạo nguồn lực con người chất lượng cao, tạo ra lực lượng lao động đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Các tác giả cuốn Cách mạng công nghiệp 4.0: vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam đã lưu ý rằng: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở nhiều quốc gia, nhiều công việc vốn được thực hiện bởi người, nay có thể do máy móc đảm nhận. Con người có xu hướng chuyển sang những công việc mang tính sáng tạo và định hướng dịch vụ nhiều hơn”2. Yêu cầu về lao động, đặc biệt là lao động có năng lực thay đổi căn bản.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2015 đã nêu mười kỹ năng cần thiết mà người lao động cần phải có để thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư: kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp; kỹ năng tư duy phản biện; kỹ năng sáng tạo; kỹ năng quản lý con người; kỹ năng hợp tác với người khác; kỹ năng trí tuệ cảm xúc; kỹ năng phán đoán và ra quyết định; kỹ năng định hướng dịch vụ; kỹ năng đàm phán; kỹ năng linh hoạt trong nhận thức3. Như vậy, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra những yêu cầu mới cho nguồn nhân lực. Điều đó, đòi hỏi đội ngũ trí thức cũng phải tự nâng cao trình độ mọi mặt, vận dụng thành thạo những nền tảng, những hình thức đào tạo mới trên nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng những đòi hỏi trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một nhiệm vụ bức thiết. Trong Văn kiện Đại hội XI, Đảng ta đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”4. Không lực lượng nào ngoài đội ngũ trí thức có thể đảm nhận được nhiệm vụ trang bị tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp cho lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Sáng tạo khoa học - công nghệ phù hợp Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam
Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, hướng tới trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra nhiều cơ hội, cũng như đang tạo ra những thách thức cho quá trình phát triển của đất nước. Để tận dụng được cơ hội, vượt lên thách thức, chúng ta phải tiếp thu, làm chủ và sáng tạo khoa học - công nghệ. Đội ngũ trí thức Việt Nam là lực lượng chủ yếu tiếp thu, làm chủ khoa học - công nghệ, đồng thời sáng tạo khoa học - công nghệ phù hợp với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam
Việt Nam là nước đang phát triển, có nền khoa học - công nghệ đi sau thế giới, vì vậy, đội ngũ trí thức Việt Nam trước hết phải đóng vai trò nòng cốt trong tiếp thu, làm chủ khoa học và công nghệ trên thế giới, đặc biệt những công nghệ cốt lõi của Cách mạng công nghệ lần thứ tư được chuyển giao vào Việt Nam. Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, hoạt động hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ cũng diễn ra mạnh mẽ. Quá trình này là cơ hội để đội ngũ trí thức Việt Nam trưởng thành, phát triển và thể hiện vai trò của mình. Những công nghệ cốt lõi của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà đội ngũ trí thức Việt Nam cần tiếp thu, làm chủ, bao gồm: robot tự hành; dữ liệu lớn (big data) và các thuật toán để phân tích, sử dụng chúng; thực tế ảo; in 3D; điện toán đám mây; internet kết nối vạn vật (IoT); công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới.
Trong quá trình tiếp thu những thành tựu, khoa học công nghệ mới của nước ngoài, đội ngũ trí thức Việt Nam phát phát huy trí tuệ của mình, chọn lọc và làm chủ những công nghệ mới nhất, phù hợp nhất với điều kiện phát triển của đất nước, nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Quá trình tiếp thu khoa học công nghệ thế giới, đội ngũ trí thức phải hướng đến mục tiêu nắm vững công nghệ, làm chủ công nghệ, tức là phải hiểu được bản chất của công nghệ, phương pháp, trình tự thực hiện công nghệ, bí quyết công nghệ. Trong quá trình này, đội ngũ trí thức trong nước cần phải biết kết hợp với đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài, tận dụng sự hiểu biết về khoa học và công nghệ của họ để rút ngắn thời gian tiếp cận khoa học - công nghệ mới của thế giới.
Cùng với tiếp thu, làm chủ những thành tựu khoa học - công nghệ mới của nước ngoài, đội ngũ trí thức Việt Nam còn đóng vai trò quyết định trong nghiên cứu, phát triển và sáng tạo khoa học - công nghệ, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của đội ngũ trí thức nhằm góp phần vào sự phát triển liên tục, bền vững của đất nước. Bởi vì, trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chỉ quốc gia nào vươn lên trong nghiên cứu, phát triển và sáng tạo khoa học - công nghệ mới nắm bắt được cơ hội phát triển. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra yêu cầu cho đội ngũ trí thức trong phát triển một số lĩnh vực khoa học - công nghệ như: công nghệ thông tin; phân tích, quản lý và xử lý dữ liệu lớn; trí tuệ nhân tạo; Internet kết nối vạn vật; robot tự hành; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; in 3D; thực tế ảo.
Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam phù hợp với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Xây dựng và phát triển văn hóa là một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bởi vì, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Không có một nền văn hóa phù hợp với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, con người dễ bị tha hóa, trở thành “máy móc” biết nói. Văn hóa giữ vai trò quan trọng bồi đắp con người Việt Nam về nhân cách, tâm hồn và trí tuệ, nhờ đó, con người dễ thích ứng với những tác động từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đội ngũ trí thức, với những phẩm chất vốn có của mình, là lực lượng quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Đội ngũ trí thức Việt Nam là lực lượng xung kích đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ra đời và phát triển trước hết ở những nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhất trên thế giới, phản ánh một giai đoạn phát triển mới của lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa. Lịch sử các cuộc cách mạng trên thế giới đã chứng minh sự ảnh hưởng về mặt chính trị của các cuộc cách mạng công nghiệp đối với đời sống chính trị thế giới và đời sống chính trị của từng quốc gia dân tộc. Thêm vào đó, các nước tư bản đế quốc cũng muốn lợi dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lợi dụng ưu thế của Internet, các mạng xã hội, thực hiện diễn biến hòa bình thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, đội ngũ trí thức Việt Nam là lực lượng xung kích trong việc nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cùng với việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, đội ngũ trí thức Việt Nam cũng là lực lượng quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Là lực lượng chủ chốt trong nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng.
Đội ngũ trí thức Việt Nam tham gia giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc phù hợp với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Việt Nam sở hữu một nền văn hóa đa dạng, phong phú, phát triển với những giá trị bền vững. Các giá trị đó phản ánh đậm nét tinh thần nhân văn, nhân đạo vì con người của dân tộc Việt Nam. Đó là kết quả được hình thành, kết tinh trong lịch sử đấu tranh để bảo tồn, giữ gìn và sáng tạo của nhân dân ta trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có những tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nền văn hóa Việt Nam cũng chịu sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh cơ hội học hỏi, tiếp thu những giá trị văn hóa đa dạng trên thế giới, nền văn hóa Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức. Dựa trên nền tảng kết nối Internet và công nghệ thông tin, đã mở rộng sự kết nối, giao tiếp giữa các nền văn hóa trên thế giới, có xu hướng làm mờ đi ranh giới giữa các dân tộc về văn hóa. Quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa cũng được đẩy nhanh trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhờ đó, các nước lớn cũng gia tăng ảnh hưởng về chính trị và văn hóa lên mọi quốc gia, dân tộc nhỏ. Trong bối cảnh đó, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam là một nhiệm vụ sống còn, giúp đất nước tiếp tục phát triển, mà không bị hòa tan vào các nền văn hóa lớn của thế giới.
Trí thức Việt Nam với những phẩm chất và chức năng vốn có của mình sẽ là lực lượng quan trọng cùng với toàn thể nhân dân lao động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đội ngũ trí thức Việt Nam được thực hiện bằng nhiều hoạt động như: đấu tranh, ngăn chặn, loại bỏ những hiện tượng “văn hóa” ngoại lai không phù hợp, những hiện tượng “phản văn hóa”; phổ biến, giáo dục và bảo vệ những giá trị văn hóa của dân tộc; khôi phục các giá trị văn hóa đang bị mai một; …
Tiếp thu những giá trị văn hóa trên thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam
Tiếp thu những giá trị văn hóa trên thế giới, làm giàu thêm, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc là một tất yếu khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng vào thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đội ngũ trí thức Việt Nam, với những phẩm chất trí tuệ riêng có của mình, có khả năng nhận biết được “chân, thiện, mỹ”, thực hiện có hiệu quả nhất sự kiểm duyệt, phân biệt được những giá trị văn hóa đích thực phù hợp với nền văn hóa Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong tiếp thu những giá trị văn hóa từ bên ngoài. Quá trình tiếp thu những giá trị văn hóa thế giới, đội ngũ trí thức Việt Nam cũng thể hiện vai trò quan trọng trong đấu tranh, ngăn chặn, loại bỏ các hiện tượng “phản văn hóa”, những yếu tố không phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam. Việc tiếp nhận những giá trị văn hóa thế giới sẽ góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam, nâng tầm văn hóa Việt Nam theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đội ngũ trí thức tham gia phổ biến các giá trị văn hóa Việt Nam trên thế giới, khẳng định sức sống của nền văn hóa dân tộc trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa dân tộc, khẳng định hình ảnh và sức mạnh Việt Nam trên trường quốc tế, dẫn dắt thành công quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Đội ngũ trí thức Việt Nam với những thế mạnh riêng có của mình là lực lượng quan trọng tham gia tuyên truyền, phổ biến những giá trị văn hóa Việt Nam đến với các nền văn hóa khác trên thế giới, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa chung của nhân loại. Vai trò này của trí thức Việt Nam thể hiện ở nhiều lĩnh vực hoạt động: thông qua những công trình nghiên cứu, giới thiệu những nét đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam; hoạt động của cộng đồng trí thức Việt Nam ở nước ngoài; tham gia các hoạt động ngoại giao văn hóa với sự trợ giúp của Chính phủ; dịch thuật các tác phẩm văn học, nghệ thuật của Việt Nam.
Nguyễn Thị Tuyết* - Nguyễn Tiến Mạnh**
* - TS, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
** - ThS, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.80-81.
2. Trần Thị Vân Hoa (chủ biên): Cách mạng công nghiệp 4.0: Vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 126. 3. Dẫn theo Trần Thị Vân Hoa (chủ biên): Cách mạng công nghiệp 4.0: Vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 127.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 130.