Vai trò của dòng họ trong gìn giữ, phát huy văn hóa làng

Truyền thống nước ta tự xa xưa tới nay luôn coi trọng vai trò của dòng họ. Đây được xem như 'cái nôi' sản sinh ra nhiều nhân tài, tuấn kiệt cho đất nước, là kho tàng văn hóa – lịch sử được tiếp nối, trao truyền qua nhiều thế hệ. Với những nét đặc trưng, độc đáo ấy, dòng họ đã trở thành hạt nhân hun đúc, đắp bồi, gìn giữ và phát huy nét đẹp của văn hóa làng nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung.

Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia Nhà thờ Nguyễn Quỳnh (xã Hoằng Lộc).

Bàn về vai trò của dòng họ trong đời sống văn hóa làng, học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã có những khái quát chân thực, gần gũi: “Cuộc sống trong làng xã là sự tổng hòa cuộc sống của các gia đình. Trong một ngôi làng, mọi người đều ít nhiều có quan hệ họ hàng. Do đó, sống trong một làng phải biết mối quan hệ giữa mình với từng gia đình, mối quan hệ giữa người này và người kia. Gần như 90% nội dung trong các cuộc nói chuyện riêng tư đều có phần hỏi và giới thiệu tên tuổi của các tứ thân phụ mẫu. Người ta có thể nói từ ngày này sang ngày khác, rồi lại từ tháng này sang tháng khác mà không mệt mỏi với chủ đề này. Sau khi đã nói về các thế hệ ông, bà, cha mẹ, họ hàng gần gũi, người ta lại có thể nói tới tổ tiên và các mối quan hệ họ hàng xa hơn” (Lời người man di hiện đại). Làng là đơn vị dân cư có tính cộng đồng bền vững nhất. Trong cộng đồng ấy, mỗi người dân ngoài trách nhiệm với đất nước còn chịu sự ràng buộc, khuôn phép của lệ làng, quy định của dòng họ, gia phong của gia đình.

Dẫn luận như thế để thấy rằng, dòng họ thực sự chiếm một vai trò, vị thế vô cùng quan trọng, là hạt nhân cấu thành văn hóa làng xã. Trong nhịp sống phát triển sôi động như hiện nay, khi nhiều giá trị truyền thống đứng trước nguy cơ bị “xâm lấn”, “lai căng” hoặc xóa xổ hoàn toàn thì vai trò, vị thế, tác động của dòng họ trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa làng xã càng được coi trọng hơn bao giờ hết. “Trong họ ngoài làng” chính là vì lẽ ấy. Tại sao dòng họ lại có sức mạnh to lớn đến vậy? Nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân, Lê Huy Trâm sâu sắc nhận định: “Các họ trong làng tụ hội lại để bảo vệ văn hóa làng, giữ gìn truyền thống của văn hóa cổ truyền một cách nghiêm ngặt, chặt chẽ thông qua hương ước, khoán ước của làng, không có lực lượng nào phá vỡ nổi” (Khảo sát văn hóa làng xứ Thanh).

Văn hóa làng thường chịu sự tác động, ảnh hưởng của các họ lớn, có truyền thống lâu đời, công trạng vang danh, cảm tưởng như văn hóa dòng họ mà như văn hóa làng. Ví như khi tìm hiểu miền đất học Hoằng Lộc, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò và những đóng góp quan trọng, nổi bật của dòng họ Nguyễn Quỳnh. Từ cụ tổ Lương Tâm, sống vào khoảng thế kỷ XV, dòng họ Nguyễn Quỳnh có nhiều đời nối tiếp nghề dạy học, nổi tiếng về truyền thống hiếu học. Trong đó, cụ Nguyễn Quỳnh (con trai cụ Nghiêm Giản, đời thứ tư của dòng họ), ngay khi 14 tuổi đã văn bài sắc sảo; đến năm 19 tuổi ứng thí, đỗ đầu kỳ thi hương; năm 41 tuổi đỗ á nguyên khóa thi sĩ vọng. Ông được xem là nguyên mẫu của Trạng Quỳnh – vị trạng gắn liền với những giai thoại dân gian nổi tiếng về tài văn chương, đối đáp sắc sảo, sâu cay mà không kém phần hài hước, dí dỏm, thông minh, là người có tấm lòng ngay thẳng, cương trực, luôn lên án cái xấu và luôn đứng về phía người dân lao động chống lại cường quyền, áp bức. Trải qua các triều đại phong kiến, dòng họ Nguyễn Quỳnh có 26 người thi đỗ cử nhân, hương cống cho đến tiến sĩ. Từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, dòng họ có hơn 200 con cháu thi đỗ từ đại học trở lên.

Nối tiếp truyền thống tốt đẹp của cha ông, các thế hệ cháu con dòng họ Nguyễn Quỳnh luôn khắc sâu trong tim niềm tự hào, từ đó không ngừng nỗ lực, phấn đấu nhằm góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Năm 2000, dòng họ Nguyễn Quỳnh đã thành lập ban khuyến học. Mục đích của việc thành lập ban khuyến học dòng họ là thúc đẩy hơn nữa công tác khuyến học, khuyến tài nhằm góp phần động viên, cổ vũ con cháu trong dòng họ thi đua rèn đức, luyện tài, chuẩn bị tốt hành trang bước vào đời với tương lai tươi sáng, rộng mở, đáp ứng được yêu cầu của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để công tác khuyến học, khuyến tài của dòng họ ngày càng phát triển, phát huy hiệu quả, dòng họ lựa chọn những người phụ trách ban khuyến học phải nằm trong ban thường trực dòng họ và là những gia đình có truyền thống hiếu học, gương mẫu. Các cuộc họp của gia tộc thường xuyên nhắc nhở các chi, các gia đình động viên con cháu coi trọng việc học tập, tu dưỡng đạo đức, noi gương các thế hệ đi trước và tích cực ủng hộ, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài của quê hương, dòng họ. Nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm và ý nghĩa tốt đẹp từ hoạt động này, các thế hệ cháu con luôn tin tưởng, nhiệt tình hưởng ứng, chung tay xây dựng quỹ.

Theo phương châm “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, dòng họ Nguyễn Quỳnh khuyến khích nhưng không ồ ạt, “lấy lệ” trong việc xét thưởng mà có quy định cụ thể, đảm bảo công bằng, chặt chẽ. Hình thức vinh danh cũng rất trang trọng: Hằng năm, ban khuyến học tổ chức trao thưởng cho các cháu tại đại từ đường của dòng họ, có đại diện ban thường trực hội khuyến học xã và hội đồng gia tộc đến dự, dâng lễ và báo công với tiên tổ. Ông Nguyễn Danh Khiển, Trưởng Ban Khuyến học dòng họ Nguyễn Quỳnh chia sẻ: “Việc xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài ở dòng họ đã khó, để duy trì và phát triển được nó lại càng khó hơn. Nếu không có sự quan tâm, đoàn kết của cả hội đồng gia tộc, sự tâm huyết, quyết tâm, trách nhiệm của người thực hiện thì nó sẽ rất dễ “chết yểu””.

Nhờ sự quan tâm, nỗ lực, cố gắng ấy, phong trào khuyến học, khuyến tài của dòng họ Nguyễn Quỳnh ngày càng phát triển, gặt hái kết quả tốt. Trong 5 năm trở lại đây, dòng họ Nguyễn Quỳnh đã tổ chức trao thưởng cho 425 lượt con, cháu; trong đó có 35 người thi đỗ đại học từ 18 điểm trở lên. Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoằng Lộc, cho biết: “Nguyễn Quỳnh là một trong những dòng họ lớn của xã, có bề dày văn hóa – lịch sử, nhất là truyền thống hiếu học. Ngày nay, các thế hệ con cháu của dòng họ đã và đang phát huy tốt truyền thống đó. Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, dòng họ đã làm sáng lên truyền thống hiếu học và khuyến học – khuyến tài của quê hương, góp phần cùng địa phương xây dựng phong trào học tập suốt đời, là cái nôi sản sinh ra những người con ưu tú cống hiến tài năng, trí tuệ của mình phụng sự cho sự phát triển quê hương, đất nước”.

Không chỉ có cá nhân anh hùng, di tích, di chỉ tiêu biểu, một phần văn hóa – lịch sử của làng luôn có bóng dáng của những dòng họ lớn. Ví như dòng họ Nguyễn Văn ở làng Quảng Xá (TP Thanh Hóa), tự bao đời vẫn sản sinh ra người tài cống hiến hết sức mình xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp. Kế thừa, phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ; nhằm cảm tạ công đức của tổ tiên đã luôn che chở, độ trì cho con cháu; hằng năm, vào các dịp lễ, tết, giỗ tổ, con cháu dòng họ Nguyễn Văn ở khắp mọi nơi lại cùng nhau trở về ngôi nhà cổ hơn trăm năm tuổi tại ngôi làng Quảng Xá thắp nén tâm nhang, thành kính bái tạ. Cũng trong không gian trầm mặc, cổ kính ấy thường xuyên diễn ra các hoạt động khuyến học của dòng họ, được Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học và Hội Khuyến học tỉnh, TP Thanh Hóa trao tặng nhiều bằng khen, phần thưởng vì đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài.

Không chỉ có truyền thống hiếu học gắn với công tác khuyến học, khuyến tài, những sinh hoạt văn hóa, tinh thần, lao động sản xuất truyền thống của dòng họ cũng góp phần không nhỏ tạo nên nét chấm phá, độc đáo cho bức tranh làng xã. Minh chứng sinh động và hấp dẫn nhất chính là hoạt động lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng của dòng họ. Đối với các dòng họ lớn, nơi vinh dự có các văn thần, võ tướng, người đỗ đạt, chức tước, có nhiều công trạng với đất nước, với Nhân dân gắn liền với các di tích của làng xã thì những dịp kỷ niệm ngày sinh hay tưởng niệm ngày mất của các vị ấy đều là công việc quan trọng của làng xã. Chính quyền địa phương cùng với con cháu trong gia tộc đứng ra tổ chức. Trong những ngày lễ đó, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian diễn ra sôi nổi, trở thành nét đẹp truyền thống.

Trong nét đẹp của bức tranh làng xã Việt nói chung, làng xã xứ Thanh nói riêng, văn hóa dòng họ tựa như những nét vẽ mộc mạc, gần gũi mà không kém phần tinh tế, đặc sắc. Mỗi một dòng họ, dù lớn hay nhỏ đều trải qua sự sàng lọc, hun đúc của dòng chảy lịch sử, lắng đọng văn hóa và nỗ lực vun đắp, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chính cái bề dày lịch sử, cái chiều sâu hun hút của văn hóa dòng họ đã kết dựng nên bức tường thành kiên cố chống lại sự xâm lấn mạnh mẽ, ồ ạt, tác động tiêu cực của đời sống hiện đại, nền kinh tế thị trường vào nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của làng xã, từ đó góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Bài và ảnh: Thảo Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/vai-tro-cua-dong-ho-trong-gin-giu-phat-huy-van-hoa-lang/134926.htm