Vai trò của gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ

Gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Trong bối cảnh nước ta đang trên đà hội nhập và phát triển, sự tác động của kinh tế thị trường, văn hóa thời công nghệ số, mạng xã hội… đã làm cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, truyền thống tốt đẹp trong gia đình bị phá vỡ, đạo đức, lối sống xuống cấp. Vì vậy, cần phải tăng cường vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay.

Gia đình là trường học đầu tiên hình thành, phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống của mỗi con người. Giáo dục gia đình gắn liền với quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ dành cho con cái.

Gia đình Việt Nam truyền thống chú trọng xây dựng nếp nhà với gia đạo, gia phong và gia lễ. Gia đạo là đạo đức của gia đình lấy chữ “hiếu” làm đầu. Gia lễ là phép ứng xử của các thành viên trong gia đình theo một nguyên tắc có tôn ti trật tự theo lễ tiết. Gia lễ, gia đạo được hình thành qua nhiều năm, nhiều đời tạo nên gia phong.

Ở những gia đình nền nếp, gia phong, con trẻ được học từ ông bà, cha mẹ cách cư xử có phép tắc, "kính trên nhường dưới", anh em đùm bọc, hòa thuận, biết lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu và vị tha, có lối sống lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội, coi trọng giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Tuy nhiên, tác động của quá trình CNH-HĐH và hội nhập quốc tế đã làm nảy sinh những thách thức đối với hạnh phúc và sự bền vững của gia đình, trong đó có vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Hiện nay, nhiều gia đình có ít con, điều kiện kinh tế khá giả khiến cha mẹ nuông chiều, sẵn sàng thỏa mãn những đòi hỏi vật chất từ con cái, buông lỏng quản lý, không chú trọng đến sự lễ phép, tính kỷ luật của con trẻ. Điều này vô tình hình thành trong trẻ tính ích kỷ, ít quan tâm đến người khác, không lễ phép, “kính trên nhường dưới”, không hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, yêu thương, đùm bọc anh chị em…

Một số phụ huynh tỏ ra quan tâm và lo lắng quá mức, không cho trẻ làm một số việc trong khả năng của mình như chăm sóc bản thân, phụ giúp công việc nhà, làm cho trẻ thiếu tính tự lập, tự chủ và những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Trên thực tế, nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ. Có những bậc ông, bà, cha, mẹ chưa là tấm gương tốt cho con cháu noi theo. Một bộ phận trong xã hội có lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao cuộc sống hưởng thụ, xem nhẹ giá trị đạo đức, có hành vi bạo lực với người thân, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với sự hình thành, phát triển tâm lý của trẻ.

Những năm qua, các cấp, các ngành đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình, đề án, chiến lược về lĩnh vực gia đình, góp phần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Đầu năm 2022, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong đó, tiêu chí ứng xử chung trong gia đình là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Bộ tiêu chí góp phần định hướng lối sống văn hóa, ứng xử chuẩn mực của các thành viên trong gia đình, giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống.

Chị Bùi Thị Hồng Nhung, ở xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường cho biết: “Dù là một công dân trẻ, song tôi luôn giáo dục, định hướng cho các con theo những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống. Bởi vậy, thay vì ra ở riêng như một số gia đình trẻ khác, vợ chồng tôi quyết định chung sống trong gia đình nhiều thế hệ.

Khi ở với ông bà, các con tôi được yêu thương, chăm sóc, được dạy "điều hay lẽ phải", biết hiếu kính với ông bà, cha mẹ, biết quan tâm tới mọi người xung quanh. Tôi không bao bọc con quá kỹ càng, mà luôn khuyến khích, hướng dẫn các con tự làm một số việc phù hợp với độ tuổi của mình như vệ sinh cá nhân, phụ giúp bố mẹ việc nhà, tự giác học bài…

Ngoài ra, tôi luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các con, cho các con tự quyết định một số công việc dưới sự hướng dẫn của cha mẹ để các con ý thức được những việc mình làm, có trách nhiệm trong từng lời nói, hành vi”.

Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để phát huy vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ, các bậc cha mẹ phải là tấm gương về đạo đức để con cái học tập và noi theo. Gia đình hạnh phúc là môi trường thuận lợi cho sự phát triển nhân cách của trẻ.

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/78955/vai-tro-cua-gia-dinh-trong-giao-duc-dao-duc-loi-song-cho-the-he-tre.html