Vai trò của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân

Trong mỗi giai đoạn phát triển, mô hình hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân (TDND) luôn khẳng định là kênh dẫn vốn hiệu quả, vừa trực tiếp huy động nguồn lực nhàn rỗi trong dân cư để từng bước tự chủ về vốn, vừa giải quyết cho vay phục vụ sản xuất, tiêu dùng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các quỹ TDND thực hiện tốt mục tiêu kép vừa đồng hành hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch.

(baophutho.vn) - Trong mỗi giai đoạn phát triển, mô hình hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân (TDND) luôn khẳng định là kênh dẫn vốn hiệu quả, vừa trực tiếp huy động nguồn lực nhàn rỗi trong dân cư để từng bước tự chủ về vốn, vừa giải quyết cho vay phục vụ sản xuất, tiêu dùng. Giá trị của mô hình mang lại không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội to lớn, phát huy được tinh thần nội lực của người dân trong quá trình phát triển kinh tế, đẩy lùi tín dụng đen, góp phần ổn định an ninh chính trị khu vực nông thôn.
Khẳng định chất lượng tín dụng

Thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, dưới sự chỉ đạo, điều hành cấp ủy, chính quyền và của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, các quỹ TDND trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng triển khai phương án cơ cấu lại để hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Hệ thống quỹ TDND đã từng bước tăng trưởng về quy mô và chất lượng tín dụng trên các chỉ tiêu cơ bản như: Vốn điều lệ, vốn huy động, dư nợ cho vay, số lượng thành viên, năng lực tài chính, tỉ lệ nợ xấu dưới mức cho phép, nhiều đơn vị có tỉ lệ nợ xấu 0%.
Năm 2007, Quỹ TDND thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn chính thức thành lập và đi vào hoạt động. Chỉ sau một thời gian hoạt động, Quỹ đã tạo được sự tin tưởng của các thành viên, cùng khởi nghiệp và phát triển bền vững. Bà Hà Thị Ngọc Vĩnh - Giám đốc Quỹ TDND thị trấn cho biết: Đơn vị rất chú trọng khâu khảo sát, thẩm định, kiểm tra dự án trước, trong và sau khi cho vay; thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về lãi suất, chế độ cho vay, đối tượng cho vay; xử lý tốt các vấn đề phát sinh, giảm thiểu rủi ro, kiểm soát nợ xấu. Hiện Quỹ tập trung cho vay vào các ngành, lĩnh vực thế mạnh, ưu tiên đầu tư cho vay sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm hàng hóa, thu hút lao động, tăng thu nhập như chế biến thịt chua, gia công cơ khí, đồ mộc dân dụng, các ngành nghề thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh đồ gia dụng, điện, điện tử, nội thất… Quy trình cho vay được tạo mọi điều kiện về thủ tục để quá trình vay vốn của người dân được thuận lợi, rút ngắn thời gian, giảm chi phí đi lại. Đến nay, Quỹ đã có 1.740 thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động 206 tỉ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt gần 180 tỉ đồng; nhìn chung các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, tỉ lệ nợ xấu chỉ có 0,028%. Được thành lập khá muộn so với các quỹ khác trên địa bàn tỉnh song với sự đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, Quỹ TDND Hưng Long đã dần khẳng định vai trò, vị trí của loại hình kinh tế hợp tác hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ở huyện miền núi Yên Lập. Ông Trần Tuấn Phương - Giám đốc Quỹ cho biết: Nhằm phù hợp với tiến trình phát triển, Quỹ xác định hướng đi phù hợp để thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Mục đích của Quỹ là hoạt động theo phương châm tương trợ, hỗ trợ, liên kết, tạo điều kiện cho các thành viên cùng phát triển. Để tăng vốn huy động cũng như giải ngân cho vay, Quỹ chủ động nắm bắt tình hình, đưa ra mức lãi suất phù hợp; tìm cách khai thác khách hàng mới, khách hàng ở xa, cử cán bộ tín dụng trực tiếp tư vấn, hỗ trợ các hộ có nhu cầu... Quỹ hiện có trên 1.000 thành viên, tổng dư nợ đạt 120 tỉ đồng. Đặc biệt, hoạt động cho vay địa bàn không phát sinh nợ xấu, tỉ lệ nợ xấu 0%. Sự quyết liệt trong việc triển khai đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng Quỹ TDND đã giúp phát huy sức mạnh của hệ thống Quỹ TDND, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình và sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương. Toàn tỉnh hiện có 39 Quỹ TDND hoạt động tại 77 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị, thành. Dưới sự chỉ đạo của NHNN Việt Nam, trực tiếp là NHNN Chi nhánh tỉnh, hoạt động của hệ thống Quỹ TDND trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc với sự tăng trưởng cả về quy mô, nâng cao về chất lượng và hiệu quả hoạt động. Mô hình tổ chức của các quỹ dần đi vào nền nếp, hoạt động đúng nguyên tắc, từng bước khẳng định vai trò của loại hình tổ chức tín dụng “gần dân, sát dân”, là cánh tay nối dài đắc lực để đưa nguồn vốn kịp thời tới người dân nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Bám nắm địa bàn, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn tại hộ luôn được các quỹ TDND thực hiện thường xuyên, liên tục, đảm bảo an toàn hệ thống.

Giải pháp hoạt động an toàn, hiệu quả

NHNN Chi nhánh tỉnh tập trung chỉ đạo các quỹ tăng cường xây dựng phương án phòng, chống rủi ro trong hoạt động tiền tệ và kho quỹ, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro; phòng chống cháy nổ; phòng, chống cướp, khủng bố; công tác bảo mật thông tin, quản lý ấn chỉ quan trọng... Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, NHNN đã chỉ đạo các quỹ thực hiện tốt mục tiêu kép vừa đồng hành hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu để bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh; đồng thời tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng. Hiện tỉ lệ nợ xấu của cả hệ thống chỉ chiếm 0,52% tổng dư nợ cho vay.

Với những giải pháp đồng bộ, đến nay, hệ thống quỹ đã thu hút được số lượng lớn thành viên tham gia góp vốn với trên 49.300 thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động đạt gần 6.400 tỉ đồng, trong đó có hai quỹ nguồn vốn hoạt động cao trên 300 tỉ đồng, bảy quỹ nguồn vốn hoạt động trên 200 tỉ đồng; không có quỹ nguồn vốn hoạt động dưới 50 tỉ đồng. Tổng dư nợ cho vay hiện nay của các quỹ đạt gần 5.500 tỉ đồng; trong đó cho vay lĩnh vực nông- lâm- nghiệp trên 717 tỉ đồng, cho vay công nghiệp- xây dựng gần 2.300 tỉ đồng, cho vay dịch vụ, đời sống trên 2.440 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo hài hòa giữa ba lợi ích: Nộp thuế cho Nhà nước, bổ sung nguồn quỹ dự phòng và chia cổ tức cho thành viên góp vốn. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chuyển mạnh từ thanh tra định kỳ sang thanh tra đột xuất trên cơ sở đánh giá và kiểm soát các rủi ro; hoạt động thanh tra tại chỗ được dựa trên nền tảng kết quả giám sát phân tích hoạt động của các quỹ qua phần mềm quản lý kết nối thông tin; từ đó, đưa ra được nhiều cảnh báo, khuyến nghị góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng. Tổ chức và triển khai có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là cải tiến về quy trình, thủ tục, hồ sơ có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch. Vì vậy, các quỹ đã khai thác tốt nguồn vốn nhỏ, lẻ trong dân; hàng ngàn thành viên thuộc diện yếu thế được tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hạn chế tình trạng phải vay nặng lãi, tiếp cận tín dụng đen trong thời gian qua.Ông Phạm Trường Giang - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh khẳng định: Hoạt động Quỹ TDND liên quan đến tiền tệ nên yếu tố an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. NHNN đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, đơn vị chức năng trong việc xử lý, củng cố, chấn chỉnh hoạt động các quỹ có tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống và an ninh trật tự tại cơ sở; phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo hoạt động tín dụng. NHNN cũng đã chủ động trong việc rà soát, bổ sung, thay thế và ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách để cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực này, đảm bảo cho hệ thống Quỹ TDND hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, khẳng định vai trò, vị trí trong công cuộc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202201/vai-tro-cua-he-thong-quy-tin-dung-nhan-dan-182387