Vai trò của hội đồng trường còn mờ nhạt

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34 có hiệu lực từ 1-7-2019) đã thiết lập hành lang pháp lý cho tự chủ đại học (ĐH), trong đó thiết chế hội đồng trường (HĐT) được luật định là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên liên quan. Tuy nhiên, hoạt động của HĐT, sự phối hợp của thực thể này còn nhiều bất cập, chưa thật sự phát huy hiệu quả.

Sinh viên ngành Kỹ thuật ô tô Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trong giờ học thực hành

Sinh viên ngành Kỹ thuật ô tô Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trong giờ học thực hành

Mơ hồ

Tự chủ ĐH, trách nhiệm giải trình và thiết chế HĐT được chính phủ quan tâm từ năm 2005 (Nghị quyết số 14), nhưng phải gần 15 năm sau, chủ trương này mới được thể chế hóa, sau khi được Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết nghị trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017, Luật số 34 và Nghị định 99 (có hiệu lực từ 15-2-2020) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật số 34 được ban hành. Điều này cho thấy, tự chủ ĐH là nền tảng để cơ sở giáo dục ĐH, là một đơn vị pháp lý, có quyền tự chủ, có quyền, nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm giải trình với Nhà nước và các bên liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản, huy động và sử dụng các nguồn lực, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, thực tế thiết chế HĐT vẫn còn quá mờ nhạt.

Bà Mai Thu Phương, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), thực hiện khảo sát ở 9 trường (khối ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) với 120 người (2 lãnh đạo trường, 66 giảng viên, 52 lãnh đạo phòng và bộ môn). Khảo sát cho thấy: tại các trường chưa từng tham gia thí điểm chỉ số bình quân là 2,95 (mức lựa chọn từ 1 đến 5), trong khi tại các trường đã từng thí điểm tự chủ thì chỉ số bình quân đến 3,93. Việc lệch nhau tới hơn 1 điểm thể hiện sự nhìn nhận của cán bộ giảng viên đối với vai trò của HĐT. Với các trường chưa thí điểm, vai trò của HĐT rất mơ hồ, cán bộ giảng viên chưa hình dung được HĐT - cả khối nhà nước và doanh nghiệp - sẽ ảnh hưởng thế nào đến các quyết định chính sách của nhà trường. Ngược lại, với các trường đã tham gia tự chủ, họ đã nhìn thấy được vai trò này.

Nghiên cứu về thiết chế HĐT gắn với tự chủ ĐH, tác giả Lê Anh Tuấn và Lê Minh Thắng (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng: HĐT là thiết chế không thể thiếu được trong quản trị giáo dục ĐH ở các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới. Mô hình hoạt động của HĐT khá đa dạng tại các quốc gia, nhưng dù tổ chức theo mô hình nào thì HĐT vẫn có vai trò quyết định với các trường ĐH tự chủ. Sự có mặt của HĐT đảm bảo sự dân chủ trong hoạt động, khả năng tự chịu trách nhiệm và giải trình của nhà trường; mọi thành phần trong trường được tham gia vào các quyết định của trường thông qua đại diện của họ trong HĐT. Tuy nhiên trong thực tiễn, vai trò thật sự của HĐT khó thực hiện.

Phải đồng bộ về pháp lý

Theo ông Lê Trung Thành, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, kết quả khảo sát tại 23 cơ sở giáo dục ĐH công lập thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77, có 20/23 trường đã có HĐT (chiếm 86,9%). Trong đó, 4 HĐT được thành lập theo Luật số 34, 16 HĐT được thành lập theo Luật Giáo dục 97/2015/QH13 và Điều lệ trường đại học theo Quyết định số 70. Tuy nhiên, vẫn còn 3/23 trường tự chủ (không thuộc Bộ GD-ĐT) chưa thành lập được HĐT. Việc chậm thành lập HĐT ở các trường này có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là chế tài chưa đủ mạnh.

GS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khẳng định, tự chủ ĐH có thực sự đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất nhiều vào luật và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành. Thực tế là, Luật số 34 không “đủ mạnh” để điều chỉnh được các hoạt động của trường ĐH, có nhiều bộ luật khác và các chỉ thị khác chi phối hoạt động của nhà trường. Sự không đồng bộ về luật đã tạo nên khung pháp lý khập khễnh, khiến các cơ sở giáo dục ĐH đối mặt với không ít vướng mắc, bất cập.

Chẳng hạn, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức sẽ gây cản trở cho các trường trong thực hiện tự chủ theo quy định tự chủ về nhân sự của Luật số 34. Ngoài ra, các điều khoản khác về tự chủ của trường ĐH công lập cũng “xung đột” nhất định với Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai... Nếu những vướng mắc này không được các bộ, ngành liên quan phối hợp tháo gỡ, thì tự chủ ĐH sẽ chỉ là hình thức.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có sự đồng bộ và minh bạch hóa hệ thống pháp lý về tự chủ ĐH. Tự chủ ĐH là tự chủ tất cả, nhưng phải trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Muốn vậy, hệ thống pháp luật phải đồng bộ, luật này hỗ trợ luật kia, làm thành một chỉnh thể thống nhất và biện chứng; vừa đồng bộ, rõ ràng, vừa mở, tạo niềm tin pháp lý cho cơ sở giáo dục tự chủ và xã hội. Do đó, sự không đồng bộ, nhập nhằng pháp lý sẽ khiến việc áp dụng luật, các văn bản dưới luật trở nên khó khăn, các quy phạm pháp luật khó đi vào cuộc sống.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vai-tro-cua-hoi-dong-truong-con-mo-nhat-701189.html