Vai trò của kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp
Đứng trước yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn và hội nhập kinh tế, kinh tế tập thể (KTTT) ngày càng có vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Thông qua các mô hình KTTT đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa người dân với doanh nghiệp, thị trường nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
HTX nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc) hỗ trợ người dân phát triển sản xuất.
Những năm qua, KTTT với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là các HTX đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Đến nay, toàn tỉnh có 630 HTX nông nghiệp, 717 tổ hợp tác nông nghiệp. Hoạt động của các HTX có chuyển biến tích cực, số khâu dịch vụ đã tăng bình quân từ 4 lên 6 khâu, chất lượng ngày càng nâng cao đáp ứng nhu cầu của các thành viên và người dân. Nhiều HTX đã quan tâm phát triển thêm thành viên, huy động vốn; đầu tư máy móc để làm tốt các khâu dịch vụ, như: mạ khay, máy cấy; cải tạo, nâng cấp, sửa chữa trạm bơm nước; tu sửa và làm mới kênh mương nội đồng... Bên cạnh đó, tích cực chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào trong quá trình sản xuất, như tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, kết hợp bón phân qua nước theo công nghệ NETTAFIM; hỗ trợ người dân lựa chọn các giống mới năng suất, hiệu quả cao, sức chống chịu sâu bệnh tốt để đưa vào sản xuất; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP cho cây rau... Đồng thời, chủ động tìm kiếm, hợp tác với các doanh nghiệp, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Một số HTX có khả năng mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa tập trung gắn với các vùng sản xuất chuyên canh như cây mía, cây ăn quả có múi, con nuôi đặc sản, như: HTX sản xuất nông nghiệp Thành Công (Thạch Thành), HTX nông nghiệp Nga Yên (Nga Sơn), HTX nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc)...
Để tìm hiểu rõ hơn về vai trò của KTTT trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi tìm đến HTX nông nghiệp Phú Lộc, xã Phú Lộc. Những năm qua, trong bối cảnh nhiều loại nông sản chưa tìm được đầu ra ổn định thì người dân xã Phú Lộc đã phần nào yên tâm vì HTX đã đảm nhận khá tốt vai trò là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Theo đó, HTX đã ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, như: Công ty CP Nông nghiệp quốc tế An Việt, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, HTX Toàn Năng... để cung ứng giống, vật tư phục vụ sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật thâm canh và bao tiêu sản phẩm các loại cây rau màu. Việc liên kết sản xuất đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ 3 đến 5 lần trên cùng 1 diện tích canh tác. Mỗi năm, trên địa bàn xã, việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đạt trung bình 1.200 tấn/năm và đang có xu hướng tăng dần. Bên cạnh đó, HTX còn cung ứng vật tư, sản phẩm cho thành viên; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, gồm: nhà kho, cửa hàng, sân kho, hệ thống thủy lợi nội đồng, máy cày, máy gặt đập liên hoàn. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, phương thức sản xuất mới đang làm thay đổi tư duy sản xuất của thành viên HTX và người nông dân, các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường được người dân chú trọng hơn; đồng thời, giúp doanh nghiệp chủ động nguồn hàng, kiểm soát được chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng.
Từ những kết quả đã đạt được, ông Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, khẳng định: KTTT có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát triển KTTT với nòng cốt là HTX, phấn đấu thành lập mới khoảng 125 HTX và 2 liên hiệp HTX với 100% cán bộ quản lý HTX đều qua đào tạo. Theo đó, khuyến khích phát triển KTTT, HTX với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, lồng ghép việc thực hiện các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ phát triển KTTT, mở rộng liên kết hợp tác, nhất là HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho thành viên và người lao động. Bên cạnh đó, phát triển các HTX gắn với chuỗi giá trị trong nông nghiệp, bảo đảm lợi ích của chủ thể tham gia; các HTX nông nghiệp chuyên sâu gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; các HTX ứng dụng khoa học công nghệ cao gắn với sản phẩm OCOP của tỉnh; bảo đảm mỗi xã nông thôn mới phải có ít nhất 1 HTX.