Vai trò của Luật Xây dựng và Đề án Chiến lược phát triển VLXD trong công tác quản lý chất lượng VLXD theo hướng hiện đại
Luật Xây dựng 2014 và Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 với các nội dung quy định về quản lý chất lượng vật liệu xây dựng theo hướng hiện đại, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng áp dụng công nghệ mới, giảm tác động đến môi trường, bảo vệ tài nguyên.
Theo đó, Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 (sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2014) được Quốc hội thông qua ngày 17/06/2020 đã sửa đổi, bổ sung Điều 110 về vật liệu xây dựng như sau: Phát triển, sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phải bảo đảm an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Vật liệu, cấu kiện sử dụng cho công trình xây dựng phải theo đúng thiết kế xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) đã được phê duyệt, bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; vật liệu xây dựng được sử dụng để sản xuất, chế tạo, gia công bán thành phẩm phải phù hợp với quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; Ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ, vật liệu xây dựng và sản phẩm xây dựng được sản xuất, chế tạo trong nước, sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao.
Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020, trên tinh thần phát triển ngành Vật liệu xây dựng hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội; Tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; Hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; Phát huy, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng; Phân bổ mạng lưới cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên toàn quốc phù hợp với điều kiện về tự nhiên, xã hội của từng vùng miền.
Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; Loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường;...
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2030 như đối với lĩnh vực xi măng, chỉ đầu tư mới nhà máy sản xuất clanhke xi măng có công suất một dây chuyền không nhỏ hơn 5.000 tấn clanhke/ngày, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường; Đến năm 2025, các nhà máy xi măng hiện có công suất nhỏ hơn 2.500 tấn clanke/ngày, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu và năng lượng lớn, phải đầu tư đổi mới công nghệ; Tổng công suất thiết kế các nhà máy xi măng đến năm 2025 không vượt quá 125 triệu tấn/năm, đến năm 2030 không vượt quá 150 triệu tấn/năm.
Đối với gạch gốm ốp lát, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường; Hạn chế đầu tư mới các cơ sở sản xuất gạch ceramic; Từng bước chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch LPG, CNG; Tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất gốm ốp lát đến năm 2025 không vượt quá 850 triệu m2/năm, năm 2030 không vượt quá 950 triệu m2/năm.
Đối với sứ vệ sinh, đầu tư mới các dây chuyền sản xuất có công suất lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, có mức tự động hóa cao, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường.
Đến năm 2025, 100% các cơ sở sản xuất có công nghệ và thiết bị cũ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường phải đầu tư chiều sâu, đối mới công nghệ và thiết bị; Tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất sứ vệ sinh đến năm 2025 không vượt quá 30 triệu sản phẩm/năm, đến năm 2030 không vượt quá 40 triệu sản phẩm/năm…
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng, có hiệu lực từ 10/2/2020 với nhiều điểm mới, đặc biệt là việc khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng áp dụng công nghệ mới, giảm tác động đến môi trường, bảo vệ tài nguyên.
Với những quy định mới trong Luật Xây dựng sửa đổi, Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2030 cũng như nghị định mới về quản lý vật liệu xây dựng, bảo đảm công tác quản lý vật liệu xây dựng theo hướng hiện đại.