Vai trò của mạng xã hội trong cuộc chiến chống lại sự kỳ thị với HIV

Phương tiện truyền thông có thể không phải là con đường truyền thống để phòng ngừa HIV, nhưng nó đã trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất chống lại sự kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

1. Truyền thông, công cụ đặc biệt trong cuộc chiến chống lại sự kỳ thị với HIV

Hơn bốn thập kỷ đã trôi qua kể từ khi những người nhiễm HIV đầu tiên được chẩn đoán là những người tiêm chích ma túy và những người đồng tính nam... Ngay từ đầu, HIV/AIDS đã gắn liền với sự "kỳ thị". Thời gian đó, những người sống chung với HIV/AIDS, thậm chí những người chỉ bị nghi ngờ nhiễm bệnh cũng đã bị đuổi ra khỏi nhà, bị đuổi việc và bị xa lánh.

Kỳ thị HIV có thể tác động tiêu cực đến các biện pháp phòng ngừa HIV.

Kỳ thị HIV có thể tác động tiêu cực đến các biện pháp phòng ngừa HIV.

Ngày nay, nhờ tiến bộ y tế và thay đổi nhận thức, việc người nhiễm HIV bị xa lánh, hắt hủi đã giảm đi nhiều, nhưng kỳ thị vẫn trở thành rào cản lớn trong việc tìm kiếm giải pháp ứng phó hiệu quả với đại dịch.

Chương trình Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) định nghĩa, kỳ thị HIV là một quá trình trong đó những cá nhân sống chung hoặc có liên quan đến HIV/AIDS bị hạ thấp giá trị. Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, chuyên gia nghiên cứu về giới tính, tình dục, sức khỏe tình dục và HIV/AIDS, kỳ thị có thể tác động tiêu cực đến các biện pháp phòng ngừa, làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và hỗ trợ xã hội. Sự kỳ thị không chỉ ảnh hưởng đến người nhiễm HIV mà nó còn có thể tác động đến bạn bè và gia đình của họ.

Sự kỳ thị xuất phát từ nỗi sợ hãi kết hợp với sự thiếu hiểu biết. Do tầm quan trọng của thông tin, kiến thức và thái độ của công chúng đối với sự kỳ thị HIV nên các phương tiện truyền thông đại chúng có tiềm năng cao trong cuộc chiến chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

2. Các thông điệp tích cực được chia sẻ trên mạng xã hội có thể giúp thay đổi quan điểm và giảm kỳ thị liên quan đến HIV

Phương tiện truyền thông đại chúng có thể tiếp cận được một lượng lớn khán giả là đài phát thanh, TV, phim, internet và các phương tiện in ấn như báo, tạp chí, tài liệu quảng cáo, phương tiện truyền thông trực quan như biển quảng cáo, bến xe buýt, đặc biệt là các nền tảng công nghệ như mạng xã hội facebook…

Mạng xã hội cung cấp một nền tảng mạnh mẽ để giáo dục, tạo nhận thức và thay đổi quan điểm của cộng đồng về HIV.

Mạng xã hội cung cấp một nền tảng mạnh mẽ để giáo dục, tạo nhận thức và thay đổi quan điểm của cộng đồng về HIV.

Mạng xã hội là nền tảng kết nối mọi người trực tuyến. Sức mạnh của mạng xã hội là không thể phủ nhận và không thể bỏ qua. Phương tiện truyền thông xã hội có tiềm năng giúp giới trẻ kết nối, thể hiện, học hỏi, tương tác và hành động chỉ bằng một nút nhấn đơn giản. Với sức mạnh to lớn này mạng xã hội có thể được sử dụng như một công cụ đặc biệt trong cuộc chiến chống lại sự kỳ thị, tiến tới loại bỏ đại dịch này.

Mạng xã hội cung cấp một nền tảng mạnh mẽ để giáo dục, tạo nhận thức và thay đổi quan điểm của cộng đồng. Mạng xã hội cho phép người dùng chia sẻ thông tin, các biện pháp phòng ngừa và điều trị thông qua bài viết, video và hình ảnh. Nhờ đó, nhiều người có thể tiếp cận kiến thức quan trọng về HIV. Nhờ mạng xã hội, những cuộc thảo luận và chiến dịch tạo nhận thức có thể lan rộng.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cũng cho rằng, các câu chuyện cá nhân và thông điệp tích cực được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội có thể giúp thay đổi quan điểm và giảm kỳ thị. Khảo sát cho thấy, những hình ảnh tích cực trên phương tiện truyền thông về những người nhiễm HIV có thể có vai trò mạnh mẽ trong việc chống lại sự kỳ thị và thành kiến.

Thành kiến có thể giảm bớt nếu các phương tiện truyền thông đưa tin nhiều hơn về những người sống khỏe mạnh với HIV, sự công nhận rộng rãi hơn đối với những tiến bộ y tế, nghĩa là những người áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp sẽ không có nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có thể tạo ra những thách thức, như việc lan truyền thông tin sai lệch hoặc tạo ra môi trường cho sự phân biệt và kỳ thị. Do đó, quản lý thông tin và tạo ra nội dung chính xác và tích cực rất quan trọng trong việc sử dụng mạng xã hội để giảm kỳ thị với HIV.

Thu An

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vai-tro-cua-mang-xa-hoi-trong-cuoc-chien-chong-lai-su-ky-thi-voi-hiv-169231027103748585.htm