Vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên
Những năm qua, người có uy tín tại Điện Biên đã luôn nêu cao vai trò nòng cốt trên mọi lĩnh vực, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, góp phần xây dựng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng, bảo tồn và phát huy những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 1.251 người có uy tín trong đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó có 1.215 nam, 36 nữ). Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, người uy tín còn làm tốt công tác thông tin hai chiều giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để nắm tình hình trong nhân dân. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự. Nâng cao tinh thần cảnh giác, vận động nhân dân thực hiện tốt các cam kết không trồng, không tàng trữ, sử dụng, buôn bán các chất ma túy; không di cư tự do…
Theo ông Vũ Văn Công - Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết: Người có uy tín là những người am hiểu thực tiễn địa phương và phong tục tập quán, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền vận động đã mang lại hiệu quả rất thiết thực.
Trong những năm qua về phát triển kinh tế: Người có uy tín tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở.
Luôn gương mẫu, đi đầu chấp hành pháp luật, áp dụng các mô hình kinh tế có hiệu quả; hướng dẫn và giúp đỡ các hộ gia đình khác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đồng thời là người động viên con cháu, người thân trong dòng họ, đồng bào trong bản, xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất.
Đặc biệt, đối với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu trên địa bàn, vai trò của người có uy tín càng được biểu hiện rõ trên thực tế, cụ thể: Vận động nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, góp phần huy động hiệu quả các nguồn lực từ người dân để xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng như trường học, lớp học, nhà văn hóa, các công trình kênh mương, đập thủy lợi, sửa chữa nâng cấp các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã...
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bằng kiến thức và kinh nghiệm sống, Người có uy tín đã vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp; xóa bỏ những hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc đã được người có uy tín lưu giữ và phát huy .
Đồng thời, người uy tín luôn phát huy được vai trò tích cực trong việc vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của địa phương, cụ thể trong quy ước, hương ước thôn, bản, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc (tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, tín ngưỡng dân gian,..), loại bỏ các hủ tục lạc hậu, tích cực cùng người dân tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, tội phạm ma túy, hoạt động vượt biên trái phép…
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức tự giác chấp hành và tham gia các hoạt động chung của cộng đồng; có những ý kiến, đề xuất, đóng góp đối với chính quyền địa phương, nhân dân trong việc khuyến khích con em các gia đình, đặc biệt là dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có điều kiện được học tập, tiếp cận với công nghệ thông tin, vận động phụ huynh để cho con em được đến trường; kêu gọi thành lập quỹ khuyến học để khuyến khích các em học sinh có thành tích cao trong học tập và rèn luyện, đáp ứng tốt nhu cầu tinh thần của các em học sinh và gia đình.
Trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, dân số - kế hoạch hóa gia đình, người uy tín thực hiện việc tuyên truyền, vận động, khuyên bảo các gia đình khi có người ốm đau, bệnh tật thì đưa đến Trạm y tế, bệnh viện để khám chữa bệnh, không thực hiện cúng bái, mê tín, dị đoan; vận động con cháu không sinh con thứ ba và là tấm gương sáng để cho con cháu học tập noi theo.
Lĩnh vực an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ Tổ quốc người có uy tín đã trở thành cánh tay đắc lực giúp các ngành chức năng thông qua việc cung cấp các thông tin giá trị trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống buôn lậu, các hoạt động lợi dụng chính sách dân tộc - tôn giáo để lôi kéo nhân dân nghe theo luận điệu sai trái; đặc biệt là ở những tụ điểm nóng, quan trọng giáp biên giới; có sự hỗ trợ các ngành các cấp triển khai nhiều nhiệm vụ như: vận động quần chúng tham gia xây dựng phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, vận động hòa giải, tham gia trực tiếp để giải quyết một số vụ việc về an ninh tại địa bàn.
Có thể khẳng định, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Là cánh tay nối dài của chính quyền, là cầu nối giữa đồng bào các dân tộc thiểu số với các cấp ủy, chính quyền, tạo dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước. Qua đó, góp phần xây dựng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.