Vai trò của ông Lê Tùng Vân và đồng phạm trong vụ Tịnh thất Bồng Lai

Cáo trạng xác định ông Lê Tùng Vân có vai trò cầm đầu, tổ chức, quyết định, chỉ đạo điều hành mọi hoạt động, bị can Vân đã phân công nhiệm vụ cho các đồng phạm.

Theo dự kiến, ngày 30/6, TAND huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) xét xử sơ thẩm vụ án hình sự xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai.

Các bị can Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) và Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) và Cao Thị Cúc (62 tuổi, chủ căn hộ tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) bị truy tố về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

 Bị can Lê Tùng Vân.

Bị can Lê Tùng Vân.

Bị can Lê Tùng Vân có vai trò cầm đầu

Trong 6 bị can tại Tịnh thất Bồng Lai bị truy tố, ông Lê Tùng Vân được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Ông Vân, quê An Giang, sau năm 1975 lên TP.HCM ở tại quận 6. Năm 1990, ông lập Trại Dưỡng lão - cô nhi Thánh Đức ở huyện Bình Chánh. Nơi này được giới thiệu là cơ sở nuôi trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa… nhằm nhận từ thiện từ trong, ngoài nước.

Đến năm 2015, sau khi giải thể Trại Dưỡng lão - cô nhi Thánh Đức, ông Lê Tùng Vân xuất hiện với vai trò người đứng đầu Tịnh thất Bồng Lai, cùng danh xưng Đại Đức Thích Tâm Đức hay “thầy Ông nội”, dù từ nhỏ đến nay ông chưa tu hành ở bất kỳ ngôi chùa nào.

Cùng với bà Cao Thị Cúc và các bị can, ông Vân đã “biến” điểm tu tại gia ở số 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa, Long An) thành cơ sở tu tại gia theo Phật giáo nhưng không được các ngành chức năng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An công nhận nên sau đó đổi tên thành Thiền Am bên bờ vũ trụ để tiếp tục hoạt động.

Cáo trạng xác định ông Lê Tùng Vân có vai trò cầm đầu, tổ chức, quyết định, chỉ đạo điều hành mọi hoạt động, bị can Vân đã phân công vai trò, nhiệm vụ cho các bị can và những người có liên quan viết kịch bản, tập hát, tạo tài khoản trên mạng xã hội Facebook và YouTube như "5 Chú Tiễu - Thiền Am bên bờ vũ trụ", "Nhất Nguyên - Hoàn Nguyên Official", "Nhị Nguyên - Thiền Am bên bờ vũ trụ"... để đăng các video, bài viết về những hoạt động, sinh hoạt của nhóm này.

Cũng theo cáo trạng, quá trình tạo video đều thông qua ý kiến của Lê Tùng Vân từ việc lên ý tưởng, nội dung... Sau khi hoàn thiện video, ông Vân xem, thống nhất, đồng ý thì mới được đăng lên mạng xã hội để cộng đồng mạng bình luận, chia sẻ.

 Các bị can dự kiến được đưa ra xét xử ngày 30/6. Ảnh: N.A.

Các bị can dự kiến được đưa ra xét xử ngày 30/6. Ảnh: N.A.

Các bị can được phân công nhiệm vụ cụ thể

Trước khi bị khởi tố, các bị can ở Tịnh thất Bồng Lai được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Ông Lê Tùng Vân là người ra quyết định cuối cùng, bà Cao Thị Cúc với vai trò chủ hộ, là người cất giữ tiền bạc các tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ, lập sổ sách thu chi theo chỉ đạo của ông Vân.

Lê Thanh Hoàn Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên được giao chụp ảnh, quay video lồng ghép nội dung sai sự thật rồi đưa cho ông Vân kiểm duyệt trước khi đăng lên mạng xã hội. Một số video nhóm này tung lên mạng đã tạo cơ hội cho những kẻ phản động nói xấu, bôi nhọ và chống phá chính quyền.

Cụ thể, cáo trạng xác định, từ năm 2019 đến năm 2021, bị can Lê Tùng Vân và 5 đồng phạm đã lợi dụng hình thức tôn giáo, thông tin sai sự thật, bịa đặt để đăng tải 5 video, 1 bài viết trên mạng xã hội có nội dung xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Nhật Từ, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa (tỉnh Long An).

Theo đó, trong các ngày 9/9 và 5/10/2019, Công an xã Hòa Khánh Tây tiếp nhận “Đơn xin giải quyết” của vợ chồng ông Võ Văn Thắng, bà Đoàn Thị Tuyết Mai (trú tại quận Bình Tân, TP.HCM) về việc con gái bà là Võ Thị Diễm My bỏ nhà đi vào ngày 7/9/2019.

Mặc dù không được mời, ông Vân và các bị can vẫn đi cùng vào trụ sở công an huyện Đức Hòa. Khi làm việc xong, cơ quan công an lập biên bản, giao Diễm My cho gia đình đưa về nhà. Lúc này, các bị can không thấy Diễm My trở ra, nên đã la lối, yêu cầu trả Diễm My.

Trước sai phạm trên, công an huyện Đức Hòa yêu cầu nhóm này xóa video, không được quay phim, chụp hình trong cơ quan và mời họ ra ngoài. Sau khi ra ngoài, nhóm này tiếp tục la lối, tụ tập gây cản trở giao thông, nên công an phải điều lực lượng đến đảm bảo an ninh trật tự.

Ngày hôm sau (31/12/2019), Lê Thanh Nhất Nguyên đã đăng video, bài viết lên mạng xã hội với nội dung công an huyện Đức Hòa bắt cóc, làm mất tích Diễm My, đồng thời "Cầu cứu gấp, Tịnh thất Bồng Lai sắp đổ máu, Diễm My bị bắt cóc mất tích tại đồn công an".

Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An xác định Tịnh thất Bồng Lai sử dụng 2 tài khoản mạng xã hội đăng tải video có nội dung vi phạm pháp luật, liên quan đến tôn giáo.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Nhị Nguyên, Cao Thị Cúc thuộc trường hợp đồng phạm có tổ chức. Riêng bị can Lê Thu Vân đã trốn khỏi nơi cư trú, nên cơ quan điều tra sẽ tách vụ án, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Dương Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vai-tro-cua-ong-le-tung-van-va-dong-pham-trong-vu-tinh-that-bong-lai-post1330717.html