Vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế xanh

Phát triển xanh và bền vững đang là xu thế chung của toàn cầu và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức và sự suy giảm nghiêm trọng của chất lượng môi trường, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

Ảnh: THÀNH ĐẠT

Ảnh: THÀNH ĐẠT

Trong bối cảnh đó, phát triển xanh được coi là giải pháp căn cơ để góp phần xử lý hài hòa để vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu nguy cơ thiên tai, dịch bệnh của mỗi quốc gia.

Có thể thấy, phụ nữ là đối tượng chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, nhưng đồng thời cũng là nhân tố tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đóng góp vào phát triển xanh, bao trùm và bền vững. Cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nữ là một lực lượng quan trọng trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, là một phần không thể tách rời trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp vào phát triển kinh tế xanh của đất nước như: Vận động hội viên, phụ nữ chủ động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng hành cùng nữ doanh nhân phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Nhiều sáng kiến, ý tưởng về sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch, mô hình phụ nữ sống xanh được phụ nữ cả nước hưởng ứng.

Ngày khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” năm 2019, “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” năm 2022, “Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023, “Phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 là những cuộc thi, sự kiện được phát động và tổ chức triển khai trong toàn hệ thống Hội. Sáng kiến Ngày khởi nghiệp đã khuyến khích phụ nữ cả nước tham gia, trong đó có các nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp xanh.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, hiện nay vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, nhất là kinh tế xanh vẫn chưa được ghi nhận và phát huy đầy đủ do những định kiến về giới. Các doanh nghiệp nữ làm chủ còn nhiều khó khăn trong tiếp cận tài chính, đất đai, công nghệ, các nguồn lực hỗ trợ. Các kiến thức và kỹ năng liên quan kinh tế xanh, thương mại đầu tư còn hạn chế bởi doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường chỉ hoạt động ở quy mô nhỏ và vừa.

Việc tạo sự vững mạnh cho phụ nữ về kinh tế gắn với môi trường, góp phần tăng thu nhập, nghề nghiệp ổn định cho phụ nữ, giảm thiểu kẽ hở về vai trò nam-nữ, sẽ góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ trong xây dựng một nền kinh tế xanh.

Do đó, cần xóa bỏ những rào cản, định kiến và khuyến khích phụ nữ tham gia vào nền kinh tế xanh nhằm bảo đảm điều kiện lao động tốt cho phụ nữ. Các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ cũng cần nâng cao nhận thức về yêu cầu xanh hóa nền kinh tế; đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động chị em tham gia các hoạt động phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; triển khai các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức tích cực đẩy mạnh hỗ trợ, liên kết các sản phẩm với thị trường, giúp đỡ phụ nữ đưa hàng hóa xanh đến với người tiêu dùng.

Các cấp hội phụ nữ cần tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, những yêu cầu của nền kinh tế xanh trong xu thế hội nhập hiện nay nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ đối với vấn đề khởi nghiệp; tăng cường hướng dẫn, đồng hành với hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp thời tiết, thổ nhưỡng địa phương; các mô hình tận dụng vật liệu tái chế; thực hiện các nguyên tắc giảm rác thải trong sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chị em phụ nữ cần phải tích cực học tập, trau dồi kỹ năng, tăng cường nghiên cứu để làm chủ tri thức, chủ động nâng cao nhận thức về yêu cầu xanh hóa nền kinh tế; đẩy mạnh áp dụng các quy trình sản xuất và công nghệ thân thiện với môi trường, bảo đảm sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn đối với người tiêu dùng; qua đó, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng và vai trò, sự đóng góp của phụ nữ trong mọi mặt đời sống.

MINH CHÂU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vai-tro-cua-phu-nu-trong-nen-kinh-te-xanh-post821691.html