Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ và Đức tại Syria
Thổ Nhĩ Kỳ và Đức dường như đang giữ vai trò trung tâm trong việc tái tổ chức Syria sau khi chính quyền cũ sụp đổ.
![Quang cảnh đổ nát tại thành phố Daraa, Syria sau các cuộc xung đột. Ảnh: THX/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_294_51434334/7ebd2a02114cf812a15d.jpg)
Quang cảnh đổ nát tại thành phố Daraa, Syria sau các cuộc xung đột. Ảnh: THX/TTXVN
Khi ảnh hưởng của Nga và Iran suy giảm, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách ổn định khu vực nhưng cũng phải đối mặt với những căng thẳng tiềm tàng, đặc biệt là với Israel và các lực lượng người Kurd. Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp này, câu hỏi đặt ra là liệu một cán cân quyền lực mới có xuất hiện hay Syria sẽ tiếp tục chìm trong hỗn loạn.
Syria hiện đang phải đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức: tái thiết xã hội, kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, tình hình hiện tại vẫn hết sức bấp bênh. Nền kinh tế kiệt quệ, phần lớn lãnh thổ bị tàn phá sau hơn một thập kỷ xung đột. Hàng triệu người phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo để sinh tồn. Các lệnh trừng phạt từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục gây khó khăn cho quá trình phục hồi kinh tế.
Trong bối cảnh đó, hợp tác ngoại giao trở nên ngày càng quan trọng. Thổ Nhĩ Kỳ và Đức có chung lợi ích trong việc ổn định Syria, cả vì lý do địa chính trị lẫn nhân đạo.
Ngay sau khi lực lượng Hay’at Tahrir al-Sham (HTS) giành quyền kiểm soát, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã tới Ankara trước khi đến Damascus. Tại đây, bà kêu gọi giải giáp lực lượng người Kurd (YPG) và ủng hộ việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Đức cũng đưa ra kế hoạch hòa bình 8 điểm cho Syria. Những tuyên bố từ Berlin và Ankara cho thấy sự đồng điệu đáng chú ý trong cách tiếp cận đối với Syria.
![Ngoại trưởng Annalena Baerbock (bên trái) trong chuyến thăm Syria ngày 3/1/2025. Ảnh: DPA](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_294_51434334/545e3ae101afe8f1b1be.jpg)
Ngoại trưởng Annalena Baerbock (bên trái) trong chuyến thăm Syria ngày 3/1/2025. Ảnh: DPA
Cả Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đều muốn đảm bảo một quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình và có trật tự tại Syria, đồng thời tham gia vào quá trình tái thiết đất nước này.
Hai bên đang tìm cách hạn chế dòng người di cư và khuyến khích người tị nạn Syria trở về nước một cách an toàn. Một trong những lĩnh vực hợp tác ban đầu có thể là các dự án nhân đạo và tái thiết để hỗ trợ người hồi hương. Ngoài ra, Berlin và Ankara có thể hợp tác trong các vấn đề như: Hỗ trợ tái thiết quân đội Syria, giúp giải giáp các nhóm vũ trang; đảm bảo an toàn và tiêu hủy vũ khí hóa học còn sót lại sau cuộc chiến; nới lỏng lệnh trừng phạt của EU, khuyến khích chính phủ lâm thời Syria tiếp nhận người tị nạn trở về.
Trên mặt trận ngoại giao, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có lợi ích chung trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại Syria và duy trì một lập trường cân bằng với Trung Quốc, nước đã gia tăng can thiệp vào khu vực thông qua các nỗ lực hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia.
Một yếu tố quan trọng khác là giảm leo thang các cuộc tấn công quân sự của Israel. Ankara, Berlin và EU có thể gây sức ép ngoại giao để đạt được điều này. Dù vẫn tồn tại bất đồng, chẳng hạn trong cách tiếp cận đối với phong trào Hồi giáo Hamas, hai nước đều ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel - Palestine. Đức đã công khai yêu cầu Israel không thiết lập các khu định cư trên lãnh thổ Syria và tái khẳng định rằng Cao nguyên Golan thuộc về Syria theo luật pháp quốc tế.
Về phía Ankara, nước này đang theo đuổi hai mục tiêu song song tại Syria: Ổn định đất nước sau xung đột và ngăn chặn các nỗ lực giành quyền tự trị của người Kurd.
Mục tiêu thứ hai có thể dẫn đến bất đồng với Berlin. Tuy nhiên, Đức có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Dân chủ Syria (SDF), do YPG lãnh đạo. Hiện tại, Berlin đang đàm phán với YPG dưới sự phối hợp với Ankara.
Một bước tiến lớn đã diễn ra khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đề nghị hợp tác chặt chẽ hơn với Syria trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm người Kurd tại đông Bắc Syria. Nếu Ankara có thể đạt được thỏa thuận với YPG, điều này có thể mở đường cho một giải pháp hòa bình với đảng Công nhân người Kurd (PKK), nhóm vũ trang bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Nếu Syria được ổn định về mặt chính trị, nhiều cơ hội có thể mở ra: Thổ Nhĩ Kỳ có thể nối lại quan hệ kinh tế với Syria, thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế khu vực. Đức có thể triển khai chính sách hồi hương dựa trên phát triển, giúp người tị nạn Syria trở về nước trong điều kiện an toàn. Berlin có thể nâng cao vị thế trong thế giới Arab - Hồi giáo, khi đóng vai trò cầu nối trong tiến trình hòa giải.
Trong một khu vực đầy biến động, quan hệ hợp tác giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ có thể là chìa khóa để đưa Syria thoát khỏi khủng hoảng.