Vai trò của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi trong triển khai tài chính toàn diện
Có thể nói, tổ chức Bảo hiểm tiền gửi có vai trò quan trọng trong quá trình tham gia thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia, đó là bảo vệ người gửi tiền.
Có thể nói, tổ chức Bảo hiểm tiền gửi có vai trò quan trọng trong quá trình tham gia thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia, đó là bảo vệ người gửi tiền, nhất là người gửi tiền nhỏ lẻ và ổn định, lành mạnh hóa thị trường tài chính tiền tệ thông qua một số hoạt động nghiệp vụ Bảo hiểm tiền gửi và tăng cường phổ biến kiến thức tài chính, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc giáo dục tài chính cho cộng đồng.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, các tổ chức quốc tế đã không ngừng nhấn mạnh tầm quan trọng của tài chính toàn diện. Nhóm các nước phát triển G20 đã coi tài chính toàn diện là một trong những trụ cột chính trong định hướng phát triển từ năm 2009. Liên Hợp quốc xác định, tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt 7 trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 (SDG). Các nước ASEAN cũng coi tài chính toàn diện là một trong ba trụ cột cho “Tầm nhìn ASEAN 2025” và đã thành lập Ủy ban công tác về tài chính toàn diện từ năm 2016 với mục tiêu hợp tác thúc đẩy tài chính toàn diện ở các nước thành viên và trong khu vực.
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã chỉ rõ, tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Bảo hiểm tiền gửi có thể gia tăng niềm tin của công chúng vào hệ thống các tổ chức tín dụng và từ đó khơi nguồn thúc đẩy tiền gửi tiết kiệm với đối tượng người nghèo, ít thông tin về tài chính ngân hàng. Triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi là một biện pháp để bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ, giúp họ nắm được thông tin về an toàn tiền gửi. Trên thực tế, đa số các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới đặt mục tiêu chính sách công là bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ, thông qua các hoạt động như giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức công chúng nhằm đảm bảo người gửi tiền nhỏ lẻ nhận thức được về các biện pháp gửi tiền an toàn và thúc đẩy họ sử dụng các dịch vụ của hệ thống ngân hàng.
Theo khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế, mục tiêu chính sách công của các tổ chức Bảo hiểm tiền gửi cần song hành với thúc đẩy tài chính toàn diện. Các cơ quan quản lý về tài chính ngân hàng và bảo hiểm tiền gửi cần đảm bảo có được khung thể chế và chức năng giám sát sao cho vừa ổn định hệ thống tài chính ngân hàng vừa phát triển các sáng kiến về tài chính toàn diện, cân bằng hợp lý giữa việc kiểm soát rủi ro và việc mở rộng các dịch vụ tài chính. Vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ hiệu quả nhất khi được quy định cụ thể trong các văn bản pháp lý về an toàn ngân hàng, giám sát và bảo hiểm tiền gửi. Hơn thế nữa, cần có sự phối hợp giữa các thành viên trong Mạng an toàn tài chính và các cơ quan có thẩm quyền giám sát với nhau.
Bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng tài chính
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra nhóm giải pháp về bảo vệ người tiêu dùng tài chính là: Giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Qua đó, Chiến lược hướng đến thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến những đối tượng chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác.
Dù mới chỉ trải qua 24 năm hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực trong việc triển khai nhiệm vụ và chính sách phù hợp với định hướng của hoạt động tài chính toàn diện.
Hiện Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.179 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. Đặc biệt, người gửi tiền tại quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô là những đối tượng mục tiêu chính của hoạt động tài chính toàn diện.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ Bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tín dụng này trên khắp cả nước. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thường xuyên giám sát hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân – gồm cả giám sát chung và giám sát chuyên sâu theo định kỳ tháng, quý để tập trung theo dõi xử lý đối với các quỹ có vấn đề, hoàn thành kiểm tra tại chỗ, kịp thời chấn chỉnh các sai sót của các quỹ trong việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm tiền gửi. Để bảo vệ quyền lợi và nâng cao nhận thức của người gửi tiền, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi tới các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tại nhiều địa phương trên cả nước như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La, Bến Tre, Bạc Liêu…, góp phần giúp người dân yên tâm, tin tưởng hơn nữa vào chính sách bảo hiểm tiền gửi và hoạt động tài chính - ngân hàng.
Giải pháp để tổ chức Bảo hiểm tiền gửi góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện
Để hiện thực hóa những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cần lưu ý triển khai chính sách Bảo hiểm tiền gửi nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam theo một số định hướng như sau:
Trước hết, cần đánh giá việc thực hiện hoạt động tài chính toàn diện trên cơ sở các khuyến nghị quốc tế như Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển bảo hiểm tiền gửi hiệu quả do Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế ban hành. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tiếp tục triển khai việc bảo hiểm cho các hình thức dịch vụ và sản phẩm tài chính đổi mới như tiền gửi trực tuyến trong phạm vi cho phép của Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm đáp ứng sự đổi mới ngày một sâu sắc của hoạt động tài chính, ngân hàng hiện đại, nhất là tiền gửi của đối tượng người gửi tiền nhỏ lẻ, cá nhân. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chi tiết các quy định đối với hình thức gửi tiền trực tuyến, gửi tiền trên điện thoại di động... như quy định về hồ sơ, thủ tục chi trả tiền gửi được bảo hiểm.
Tập trung nâng cao vai trò tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi xét đến mục tiêu của tài chính toàn diện. Thời gian tới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tích cực phối hợp với các tổ chức nhận tiền gửi quy mô nhỏ như quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô để tổ chức thêm nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người dân địa phương. Xem xét triển khai đánh giá hiệu quả của hoạt động tuyên truyền một cách định kỳ thông qua các cuộc điều tra, khảo sát.
Chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và các thông lệ tốt nhất để xây dựng, thực hiện các chiến lược về tài chính toàn diện và bảo hiểm tiền gửi của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới, từ việc hạn chế rủi ro do các yếu tố như sản phẩm tài chính hiện đại và yêu cầu tăng hạn mức bảo hiểm so với hình thức tiền gửi truyền thống.
Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính ngân hàng, bảo hiểm tiền gửi nhằm triển khai hiệu quả tài chính toàn diện trong mối tương quan với các chính sách về tài chính – ngân hàng và bảo hiểm tiền gửi.