Vai trò của vùng Viễn Đông (Nga) trong một thế giới thay đổi

Khu vực Viễn Đông của Nga nằm trong tầm bao phủ của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – nơi chứng kiến sự cạnh tranh ảnh hưởng của nhiều quốc gia.

Lực hấp dẫn đối với Diễn đàn Kinh tế phương Đông

Nga cũng đặc biệt coi trọng khu vực này, đó là lý do tại sao Nga rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế xã hội vùng Viễn Đông. Và việc tổ chức một diễn đàn kinh tế quốc tế lớn thường niên như Diễn đàn kinh tế phương Đông kể từ năm 2015 cho thấy vị trí và vai trò chiến lược của vùng cực Đông của Nga.

Vùng Viễn Đông của Nga. (Nguồn: Sputnik)

Vùng Viễn Đông của Nga. (Nguồn: Sputnik)

Trong nhiều năm qua, Chính phủ Nga cũng đã xây dựng một chương trình quốc gia nhằm phát triển kinh tế xã hội của khu vực này với tầm nhìn chiến lược, dài hạn.

Trong nhiều diễn đàn và trong hoạch định chính sách, khu vực này là ưu tiên trong chính sách hướng đông của Nga. Điều quan trọng nữa là khu vực Viễn Đông là cánh cửa rộng mở và thuận lợi nhất để hướng ra các đại dương, bởi nhìn tổng thể thì các khu vực giáp biển của Nga đều có điều kiện khá khó khăn, chẳng hạn như ở Biển Đen có những trở ngại trong vấn đề an ninh hằng hải, trong khi toàn bộ vùng Biển Bắc thì điều kiện khí hậu khắc nghiệt, băng giá phần lớn trong năm.

Đó là nhìn nhận từ phía Nga, song cũng cần phải nói thêm rằng trong chính sách của mình Nga rất muốn thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế xã hội của khu vực và Nga luôn chào đón điều này. Trong các lĩnh vực khác, có sự cạnh tranh nhất định, tuy nhiên để tạo ra một sự ảnh hưởng lớn hoặc gây áp lực về chính trị từ bên ngoài vào khu vực này nói riêng và nước Nga nói chung thì là điều Nga không chào đón và luôn phản ứng đáp trả mạnh mẽ.

Nói như vậy, không có nghĩa là khu vực này chỉ có ý nghĩa về địa chính trị, mà thực sự thì Viễn Đông có tiềm năng và hứa hẹn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Điều này được chỉ ra bởi số lượng người tham gia, cũng như nguồn vốn và các hợp đồng được ký tại Diễn đàn tăng lên theo từng năm. Gần đây nhất, năm 2019 có hơn 8.000 người tham dự, 270 thỏa thuận trị giá 3,4 nghìn tỷ rúp (tương đương 55 tỷ USD) đã được ký kết tại Diễn đàn.

“Thay đổi” và “Cơ hội”

Trước hết, nói về “sự thay đổi”, một điều dễ nhận thấy nhất trong bối cảnh hiện nay chính là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên đời sống chính trị, kinh tế xã hội toàn cầu nói chung và nước Nga nói riêng. Bên cạnh đó là một loạt những mối đe dọa khác như biến đổi khí hậu và thiên tai, lũ lụt, cháy rừng; nhiệt độ ấm lên đẩy nhanh quá trình tan băng vĩnh cửu tại Bắc Cực; hay sự lên ngôi của xu hướng chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Ngoài ra, những nỗ lực cô lập chính trị, làm suy yếu kinh tế và vị thế của Nga trên trường quốc tế; chủ nghĩa cực đoan gia tăng, tính khó dự báo trong chính sách đối ngoại của một số nước lớn. Rõ ràng, sự thay đổi này đặt ra những thách thức không chỉ với nước Nga.

Việc tổ chức một diễn đàn kinh tế quốc tế trong bối cảnh hiện nay chính là một cơ hội đối với vùng Viễn Đông. Việc tổ chức Diễn đàn khẳng định uy tín quốc tế quan trọng sự kiện, đồng thời góp phần xây dựng quan hệ hợp tác đa phương, tăng cường quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp Nga và các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mở ra cơ hội mới để thu hút đầu tư vào khu vực. Ngoài ra, đây còn mang tính biểu tượng, cho thấy Nga đã kiểm soát tốt đại dịch và thích ứng với cuộc sống bình thường mới.

Lợi thế của ASEAN tham gia phát triển khu vực Viễn Đông

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông năm 2021 có một loạt các cuộc đối thoại song phương như Nga - ASEAN, Nga - Hàn Quốc, Nga - Nhật Bản, Nga - Trung Quốc, Nga - Ấn Độ, Nga - châu Âu, Nga - Italy.

Qua các ý kiến tại phiên thảo luận Nga – ASEAN, có thể thấy Nga ASEAN có một số các lợi thế quan trọng đó là hai bên không có đối đầu trực tiếp về lợi ích, ASEAN cũng có lợi thế về nguồn lực lao động dồi dào có thể bổ sung cho thị trường Nga. Nga và ASEAN có lịch sử hợp tác lâu dài, quan hệ chính trị ngoại giao tốt đẹp. Nga là Đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, với vị thế địa lý cách xa, chi phí vận chuyển cao, cũng như các mặt hàng bổ trợ cho nhau còn chưa nhiều dẫn đến hợp tác kinh tế thương mại đầu tư chưa tương xứng với quan hệ chính trị ngoại giao. Năm 2020, thương mại hai chiều giữa ASEAN và Nga còn khiêm tốn đạt vào khoảng 15,69 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Nga sang ASEAN đạt 5,58 tỷ USD và nhập khẩu đạt vào khoảng 10,11 tỷ USD.

Ngoài ra, so với các đối tác khác tại châu Á, thì ASEAN hiện nay vẫn chưa phải là hướng ưu tiên Nga tại khu vực, thay vào đó Nga thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ở không gian hậu Xô Viết./.

Văn Thường/VOV-Moscow

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vai-tro-cua-vung-vien-dong-nga-trong-mot-the-gioi-thay-doi-887809.vov