Vai trò doanh nhân Cường Đô la ở QCG; đại gia Thanh Hóa bặt tăm vụ Trịnh Văn Quyết

Lộ diện vai trò của Cường 'Đô la' ở Quốc Cường Gia Lai; đại gia Thanh Hóa bặt tăm sau vụ Trịnh Văn Quyết; Ngân hàng Nhà nước lý giải việc tăng trưởng tín dụng bứt phá... là những thông tin kinh tế đáng chú ý tuần qua.

Bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt, lộ diện vai trò của Cường Đô la

Bà Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố và tạm giam liên quan tới việc mua bán đất vàng từ nhiều năm trước. Nhiều người quan tâm con trai bà Loan là ông Nguyễn Quốc Cường rút khỏi Quốc Cường Gia Lai (QCG) khi nào và có vai trò gì tại QCG khi các vụ thâu tóm diễn ra?

Ông Nguyễn Quốc Cường (thường được gọi với biệt danh Cường Đô la) sinh năm 1982. Ông Cường từng là thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc và là người công bố thông tin tại Quốc Cường Gia Lai. Tới tháng 11/2018, ông Cường bất ngờ rút khỏi tất cả vị trí tại QCG. (Xem chi tiết)

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Quốc Cường Gia Lai ngày 23/7, sau khi miễn nhiệm thành viên HĐQT với bà Nguyễn Thị Như Loan, doanh nghiệp này đã bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Cường làm tổng giám đốc. Hiện ông Cường sở hữu 0,2% cổ phần của Quốc Cường Gia Lai.

Đại gia Thanh Hóa - 'trợ thủ' của Trịnh Văn Quyết vẫn biệt tăm

Ngày 22/7, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử ông Trịnh Văn Quyết (SN 1975, cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC, Chủ tịch CTCP Hàng không Tre Việt) và 49 bị can trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.

Một nhân vật được xác định có vai trò quan trọng trợ giúp Trịnh Văn Quyết trong vụ lừa đảo chứng khoán là Doãn Văn Phương (SN 1977, Tổng Giám đốc FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty Faros) không có mặt và được tách xử lý sau.

Doãn Văn Phương nằm trong danh sách 22 bị can, trong các quyết định khởi tố bổ sung được Cơ quan Cảnh sát điều Bộ Công an ban hành cuối tháng 1/2024 trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại FLC, CTCP Chứng khoán BOS (ART), CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) và các công ty liên quan. Bị can đại gia gốc Thanh Hóa từng gây chú ý vì đám cưới với hoa hậu kém 19 tuổi, giờ vẫn biệt tăm. (Xem chi tiết)

Sai phạm tại DN đất hiếm khiến nguyên Thứ trưởng bị bắt

C03 - Bộ Công an mới quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc cùng 5 bị can khác với cáo buộc Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Đây là diễn biến mới nhất khi Bộ Công an điều tra vụ án: vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; buôn lậu; tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại CTCP Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị liên quan. (Xem chi tiết)

Loạt cổ phiếu của 'ông lớn' bị hủy niêm yết

Ngày 26/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo, cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) của tỷ phú Trần Bá Dương bị hủy niêm yết bắt buộc vì lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm trong 3 năm liên tiếp. (Xem chi tiết)

Chiều muộn 26/7, HOSE có văn bản gửi CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) do ông Lê Viết Hải làm chủ tịch, thông báo HBC rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vừa có báo cáo quý II với những con số nỗ lực để xoay chiều. (Xem chi tiết)

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HBC. Ảnh: HBC

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HBC. Ảnh: HBC

Ở miền Bắc, điện mặt trời mái nhà có thể được bán 20% công suất

Ngày 26/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Công Thương phải nghiên cứu phương án nâng tỷ lệ mua điện mặt trời mái nhà dư phát lên lưới điện quốc gia là 20% công suất lắp đặt ở miền Bắc, 10% đối với khu vực miền Trung và miền Nam. (Xem chi tiết)

Ngân hàng Nhà nước lý giải việc tăng trưởng tín dụng bứt phá

Tại buổi họp báo quý II do NHNN tổ chức hôm 23/7, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) thông tin, tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên đều ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn so với mặt bằng chung.

Từ mức âm trong hai tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã khởi sắc trở lại kể từ tháng 3 và đạt mức tăng trưởng 6% tính đến cuối tháng 6. (Xem chi tiết)

Phó Thống đốc: Bán vàng SJC cho dân qua ngân hàng chỉ là giải pháp trước mắt

Cũng tại họp báo trên, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thẳng thắn nhìn nhận việc NHNN tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng miếng đã không đạt được kết quả như mong đợi. Do đó cơ quan này đã chuyển đổi bằng việc bán vàng miếng trực tiếp cho người dân thông qua 4 NHTM nhà nước.

Theo Phó Thống đốc, giải pháp bán vàng miếng trực tiếp cho người dân thông qua các ngân hàng thương mại đã phát huy hiệu quả khi thu hẹp khoảng cách về giá trong nước và thế giới. Tuy nhiên, ông thừa nhận đây chỉ là giải pháp trước mắt. (Xem chi tiết)

Loạt thương nhân xăng dầu có dấu hiệu vi phạm

Chiều 23/7, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp với các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu về tình hình cung ứng xăng dầu cho thị trường 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra 4 thương nhân đầu mối, 20 thương nhân phân phối xăng dầu có dấu hiệu vi phạm để xem xét xử lý theo quy định. (Xem chi tiết)

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện nghị định về lệ phí trước bạ ô tô trong tháng 7

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 71 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III/ 2024.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu tác động, hoàn thiện, đề xuất Chính phủ nghị định về mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7. (Xem chi tiết)

Hạnh Nguyên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vai-tro-doanh-nhan-cuong-do-la-o-qcg-dai-gia-thanh-hoa-bat-tam-vu-trinh-van-quyet-2306271.html