Vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng
Có thể nói, không chỉ trong đấu tranh PCTN, tiêu cực mà trong bất kỳ lĩnh vực nào vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng và có tính tiên quyết.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực giai đoạn 2012-2022 do Bộ Chính trị tổ chức cuối tháng 6.2022, một trong những nguyên nhân đi đến thắng lợi được hội nghị nhất trí cao, đó là: trước hết phải xây dựng cơ chế; hai là, phải có được đội ngũ cán bộ liêm chính để phụng sự cho công tác; ba là, phải tuyên truyền lan tỏa rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân; bốn là, cần có cơ quan lãnh đạo và người đứng đầu, như giai đoạn vừa qua; cuối cùng là, phải được sự đồng lòng của toàn dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Có thể nói, không chỉ trong đấu tranh PCTN, tiêu cực mà trong bất kỳ lĩnh vực nào vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng và có tính tiên quyết. Ở địa phương (hay cơ quan, đơn vị) nào, nếu người đứng đầu có tâm, có tầm, hết lòng vì nhân dân, vì sự ổn định và phát triển của địa phương hay cơ quan, đơn vị mình thì ở đó luôn có sự phát triển ổn định và ngược lại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực là một trong những biểu tượng, tấm gương sáng trong lãnh đạo công tác PCTN, tiêu cực. Theo ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương thì "sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của Tổng Bí thư và các lãnh đạo chủ chốt chính là chỗ dựa vững chắc, bảo đảm về mặt chính trị và tạo động lực to lớn. Do đó, đây là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian vừa qua".
Chính sự gương mẫu, quyết liệt của Tổng Bí thư "nói đi đôi với làm" và "làm đi đôi với nói" đã được đồng bào và chiến sĩ cả nước đồng tình, ủng hộ cao. Sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân chính là thước đo niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PCTN, tiêu cực. Chúng ta cần biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành "những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, làm cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu không có chỗ ẩn nấp” như Bác Hồ từng dạy.
Để công tác PCTN, tiêu cực được tiếp tục đẩy mạnh, theo Quy định số 67-QĐ/TW, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực do Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy đứng đầu. Đây chính là “cánh tay nối dài” của Trung ương trong công tác PCTN, tiêu cực. Những "cánh tay nối dài" ấy đang rất cần sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu địa phương.
Nhằm phát huy vai trò, hay nói cách khác là phát huy sự gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu trong đấu tranh PCTN, tiêu cực, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền, khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác kiểm tra, tự kiểm tra tại địa phương, lĩnh vực, ngành, cơ quan, đơn vị mình quản lý. Phát huy và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền đối với công tác kiểm tra, tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thực hiện tốt chế độ nêu gương với phương châm: “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”. Người đứng đầu cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đối với người đứng đầu cấp ủy các cấp, phải thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18.2.2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực theo Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6 và Trung ương 7 (khóa XII), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII). Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.