Vai trò hướng tiến công Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Sau 3 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ở hướng Đông Nam đã đánh sập hệ thống phòng ngự của quân đội ngụy Sài Gòn trên địa bàn Đồng Nai, tạo điều kiện Quân đoàn 2 nhanh chóng đánh chiếm dinh Độc Lập.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Ngày 28/4, nhân dịp kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại Đồng Nai, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Hướng Đông Nam trên địa bàn Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.”

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo, cho biết cách đây 46 năm, thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta đã mở đòn tiến công hướng Đông Nam trên địa bàn Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và giành được thắng lợi quan trọng, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng Sài Gòn-Gia Định, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cùng với thời gian, giá trị của thắng lợi trên hướng Đông Nam Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày càng được khẳng định, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, hướng Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là hướng được Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn tổ chức lực lượng phòng ngự mạnh, gồm các đơn vị: Lữ đoàn 468 lính thủy đánh bộ; Lữ đoàn 1 và 4, Liên đoàn 33 biệt động quân; 18 tiểu đoàn bảo an, 4 thiết đoàn xe tăng và xe bọc thép, 62 khẩu pháo lớn các loại.

Toàn bộ lực lượng được bố trí thành 3 tuyến phòng thủ: Tuyến vòng ngoài (tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch) được xây dựng thành từng cụm dựa vào các căn cứ lớn, có công sự vững chắc từ đông Biên Hòa theo trục đường số 1 đến Trảng Bom và từ căn cứ Long Bình theo trục đường số 15 qua Long Thành tới Vũng Tàu.

Tuyến trung gian, kéo dài từ Thủ Đức đến bến phà Cát Lái do lực lượng địa phương đảm nhiệm. Tuyến trong cùng do lực lượng địa phương và các lực lượng của “biệt khu Thủ đô” đảm nhiệm.

Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Để phá vỡ tuyến phòng ngự Đông Nam Sài Gòn của địch, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 xác định quyết tâm, tập trung lực lượng chủ yếu gồm: Sư đoàn 304, Sư đoàn 325, Lữ đoàn xe tăng 203, Sư đoàn phòng không 673, Lữ đoàn pháo binh 164, thực hành đột phá trên hướng chủ yếu từ điểm cao 43 đến ngã ba Phước Lộc (Nam thị trấn Long Thành) theo hướng đường 15, ngã ba Long Bình, cầu Xa Lộ vào Sài Gòn.

Mũi đột kích chủ yếu đánh vào căn cứ Nước Trong, Long Bình, cầu Xa Lộ do Sư đoàn 304 đảm nhiệm.

Mũi quan trọng đột kích Chi khu Long Thành, Chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, Cát Lái do Sư đoàn 325 đảm nhiệm. Hướng thứ hai do Sư đoàn 3 đảm nhiệm, đột phá Chi khu Đức Thạnh, các thị xã Bà Rịa, Vũng Tàu.

17 giờ ngày 26/4/1975, cuộc tiến công của quân và dân ta trên hướng Đông Nam mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sau 3 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ở hướng Đông Nam đã đánh sập hệ thống phòng ngự của quân đội ngụy Sài Gòn trên địa bàn Đồng Nai, chiếm giữ các cầu Xa Lộ, Đồng Nai, Sài Gòn, sông Buông, tạo điều kiện cho hướng mũi tiến công, đặc biệt là lực lượng của Quân đoàn 2 nhanh chóng đánh chiếm dinh Độc Lập, bắt giữ nội các chính quyền ngụy Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện trên đài phát thanh vào trưa 30/4/1975.

Tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cho biết vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai là địa phương giàu truyền thống đấu tranh cách mạng.

Trong kháng chiến, địa bàn Đồng Nai đã ghi nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng: Là nơi ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản Phú Riềng - tổ chức cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam bộ (10/1929); nơi thành lập Trung ương Cục miền Nam ở Chiến khu Đ (tháng 10/1961); nơi diễn ra trận đánh Mỹ đầu tiên ở miền Nam (ngày 7/7/1959), cùng nhiều chiến thắng vang dội khác đã trở thành giá trị truyền thống cách mạng tốt đẹp, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân Đồng Nai vượt khó vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội thảo đã nhận được hơn 80 báo cáo, tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; các cơ quan Trung ương, địa phương; các tướng lĩnh, sỹ quan, nhân chứng lịch sử, nhà khoa học trong và ngoài Quân đội. Hầu hết các tham luận đều có nội dung phong phú, chất lượng khoa học tốt, góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề và nội dung quan trọng, trong đó có một số khía cạnh mới về “Hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.”

Tổng hợp các tham luận tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo khẳng định: Kết quả của hội thảo góp phần phát huy hơn nữa kinh nghiệm và bài học lịch sử, thiết thực vận dụng trong xây dựng, củng cố lực lượng, thế trận quốc phòng- an ninh trên địa bàn phòng thủ tỉnh, thành phố.

Đồng thời, tăng cường công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng do quân đội làm nòng cốt, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Nguyễn Văn Việt (TTXVN/ Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/vai-tro-huong-tien-cong-dong-nam-trong-chien-dich-ho-chi-minh-lich-su/709317.vnp