Vai trò kế toán trách nhiệm trong hoạt động quản trị của doanh nghiệp
Kế toán quản trị giúp các nhà quản trị phát huy tối đa nguồn lực; kiểm soát tốt các hoạt động của từng bộ phận, phân chia trách nhiệm cụ thể của các cấp quản lý. Cho nên, để xây dựng mô hình kế toán phù hợp, các doanh nghiệp cần hiểu rõ vai trò của kế toán trách nhiệm, bài viết đề cập đến vai trò, nội dung của kế toán trách nhiệm nhằm giúp các nhà quản trị vận dụng hiệu quả kế toán trách nhiệm trong thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kế toán trách nhiệm là một nội dung cơ bản trong kế toán quản trị và là công cụ quản lý hữu ích để các nhà quản trị sử dụng đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Hệ thống kế toán trách nhiệm được thiết lập trong DN nhằm thúc đẩy tính hợp nhất mục tiêu giữa hội đồng quản trị với các bộ phận, giúp cho quá trình kiểm soát và đánh giá hiệu quả hoạt động của từng bộ phận được rõ ràng, minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Vì vậy, nhà quản trị cần hiểu rõ vai trò của kế toán trách nhiệm để xây dựng mô hình kế toán trách nhiệm phù hợp với công tác quản trị của từng DN.
Nội dung kế toán trách nhiệm
Kế toán trách nhiệm được học giả Higgins,J. đề cập lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1952. Theo Higgins,J., kế toán trách nhiệm là quá trình kiểm soát chi phí, đánh giá kết quả hoạt động của từng bộ phận trong tổ chức, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của người người chịu trách nhiệm kiểm soát bộ phận.
Trên cơ sở kế thừa và phát triển quan điểm của Higgins,J., năm 1962, Martin N.Kellogg đã phát hiện ra rằng, kế toán trách nhiệm chỉ tồn tại trong đơn vị có cơ cấu tổ chức chặt chẽ. N.J Gordon (1963) khẳng định, kế toán trách nhiệm chỉ thực sự phát triển trong tổ chức có sự phân quyền. Việc phân quyền trong tổ chức tạo nên sự phân cấp và đòi hỏi cấp trên phải theo dõi và đánh giá kết quả của các cấp dưới.
Kế toán trách nhiệm không chỉ được đề cập đến các trung tâm trách nhiệm về chi phí, thu nhập, hay tính kiểm soát mà kế toán trách nhiệm còn được xem là một hệ thống tạo ra những thông tin tài chính và phi tài chính về những hoạt động thực tế và lập kế hoạch của những trung tâm trách nhiệm trong một đơn vị.
Vì thế, James R.Martin định nghĩa: “Kế toán trách nhiệm là hệ thống kế toán cung cấp thông tin và kết quả, hiệu quả hoạt động của các bộ phận, các đơn vị trong tổ chức. Đó là công cụ đo lường, đánh giá hoạt động của những bộ phận liên quan đến đầu tư, lợi nhuận, doanh thu và chi phí mà mỗi bộ phận đều có quyền và trách nhiệm riêng biệt”. Theo đó, có thể phân chia, tổ chức thành những trung tâm trách nhiệm hoặc toàn bộ các công việc. Trung tâm trách nhiệm là một bộ phận do một người quản lý chịu trách nhiệm và kiểm soát từ chi phí, thu nhập đến kết quả của bộ phận đó.
Nhóm tác giả Antle& Smith (1986) cho rằng, kế toán trách nhiệm là một quá trình lập kế hoạch, kiểm soát và đánh giá của các cấp quản lý trong DN. Một hệ thống kế toán trách nhiệm bao gồm cả các chức năng hỗ trợ quyết định cho các nhà quản lý cấp thấp và các chức năng đánh giá hiệu năng cho cấp trên để cải thiện động cơ của người quản lý, bằng cách giảm sự không chắc chắn hoạt động và chỉ đạo các hành động thông qua hệ thống khen thưởng mục tiêu.
Theo nhóm tác giả Anthony A. Athinson, Rajiv.D.Banker, Roberts và S.mark Young (1997), kế toán trách nhiệm là một bộ phận của hệ thống kế toán có chức năng thu thập, tổng hợp và báo cáo các thông tin liên quan đến chi phí, thu nhập, kết quả hoạt động của từng bộ phận mà các nhà quản lý các cấp có trách nhiệm kiểm soát. Tính kiểm soát trong kế toán trách nhiệm còn được hai tác giả Prof.B. Venkat Ratham và Prof.K.Rại Reddy thể hiện qua khái niệm về kế toán trách nhiệm: “Kế toán trách nhiệm là một hệ thống kiểm soát của nhà quản lý được dựa trên những nguyên tắc về ủy quyền, phê chuẩn và xác định trách nhiệm. Sự ủy quyền được giao đến từng trung tâm trách nhiệm, nhà quản lý phải chịu trách nhiệm theo từng phân khu, các phân khu này có thể là các bộ phận, chi nhánh hay phòng ban… Mục đích chính của kế toán trách nhiệm là quá trình kiểm soát của các nhà quản lý đối với bộ phận của mình.
Ngoài tính kiểm soát các trung tâm chi phí của kế toán trách nhiệm, một số nhóm các tác giả còn có quan điểm khác như nhóm tác giả David F.Hawkins, Jacob Cohen, Michele Jurgens, V.G Nayahan cho rằng, kế toán trách nhiệm không chỉ được đề cập đến các trung tâm trách nhiệm về chi phí, thu nhập, hay tính kiểm soát mà kế toán trách nhiệm còn được xem là một hệ thống tạo ra những thông tin tài chính và phi tài chính về những hoạt động thực tế và lập kế hoạch của những trung tâm trách nhiệm trong một đơn vị.
Với mỗi quan điểm của các nhà khoa học, kế toán trách nhiệm được xem xét, nghiên cứu ở các khía cạnh khác nhau, nhưng tựu chung có thể khái quát kế toán trách nhiệm như sau: Kế toán trách nhiệm là công cụ đo lường, kiểm soát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các bộ phận liên quan đến đầu tư, chi phí, lợi nhuận, doanh thu mà bộ phận đó có quyền kiểm soát và chịu trách nhiệm trong phạm vi của mình.
Trong kế toán trách nhiệm mọi bộ phận có quyền kiểm soát đối với chi phí, doanh thu, lợi nhuận, vốn đầu tư được gọi là các trung tâm trách nhiệm. Dựa trên các đặc điểm cơ cấu tổ chức quản lý và mục tiêu của nhà quản trị, mỗi trung tâm sẽ được hình thành và xác định quyền, trách nhiệm đối với từng đối tượng cụ thể của từng cấp. Thông thường, có 4 trung tâm trách nhiệm, cụ thể như: Trung tâm chi phí, trung tâm doanh thu, trung tâm lợi nhuận, trung tâm đầu tư.
- Trung tâm chi phí là trung tâm trách nhiệm mà nhà quản lý chỉ chịu trách nhiệm, hoặc chỉ có quyền kiểm soát về chi phí không có quyền kiểm soát về doanh thu, lợi nhuận hay đầu tư. Trung tâm chi phí thường gắn liền với các bộ phận mang tính chất tác nghiệp của đơn vị.
- Trung tâm doanh thu là trung tâm trách nhiệm mà người quản lý chịu trách nhiệm về doanh thu không chịu trách nhiệm về lợi nhuận, hoặc vốn đầu tư. Trung tâm doanh thu thường gắn với cấp quản lý cơ sở như bộ phận kinh doanh, chi nhánh hay cửa hàng tiêu thụ sản phẩm.
- Trung tâm lợi nhuận là một phân khúc trong tổ chức mà người quản lý chịu trách nhiệm toàn bộ từ doanh thu, chi phí đến kết quả hoạt động. Trung tâm lợi nhuận thường gắn với các bậc quản lý cấp trung, tuy nhiên nhà quản trị trung tâm này có thể quyết định toàn bộ các vấn đề từ chiến lược đến thực hành tác nghiệp của tổ chức.
- Trung tâm đầu tư được gắn với cấp cao nhất là trung tâm trách nhiệm mà nhà quản trị phải hoạch định, kiểm soát về toàn bộ hoạt động của tổ chức trên 3 vấn đề: chi phí, lợi nhuận và đầu tư.
Mỗi trung tâm sẽ chịu trách nhiệm khác nhau theo đúng trách nhiệm được giao. Việc phân chia thành các trung tâm như trên, sẽ giúp nhà quản trị dễ dàng đưa ra phương pháp và cách thức hoạt động của trung tâm; các nhà quản trị cấp cao cũng có thể đánh giá và kiểm soát, tìm ra những tồn tại để khắc phục và phát huy những ưu điểm của từng trung tâm. Từ đó, có thể quy trách nhiệm cụ thể cho từng đối tượng từng bộ phận. Điều này sẽ thúc đẩy tất cả các bộ phận sẽ thực hiện đúng những yêu cầu được giao.
Vai trò kế toán trách nhiệm trong hoạt động quản trị của các doanh nghiệp
Kể từ khi đề cập tới lần đầu tiên ở Mỹ, sau đó lan rộng ra ở Anh, Úc, Canada… đến nay, kế toán trách nhiệm đã được nhiều học giả nghiên cứu và phát triển; được các nhà quản trị ứng dụng vào trong thực tiễn hoạt động của DN.
Về cơ bản, kế toán trách nhiệm được xem là hệ thống thu thập, xử lý và truyền đạt các thông tin tài chính có thể kiểm soát theo phạm vị trách nhiệm của từng nhà quản trị nhằm đạt được mục tiêu chung.
Trung tâm trách nhiệm được hình thành từ đặc điểm tổ chức bộ máy hoạt động của từng DN và nó phụ thuộc vào đặc điểm của hoạt động kinh doanh theo từng ngành nghề cụ thể. Trung tâm trách nhiệm phát huy tác dụng khi cơ chế quản lý tài chính được phân cấp cụ thể cho từng người, từng bộ phận gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong từng hoạt động cụ thể. Vì thế, kế toán trách nhiệm giúp các nhà quản trị xác định sự đóng góp của từng bộ phận vào lợi ích của toàn tổ chức, cung cấp cơ sở cho việc đánh giá chất lượng về kết quả hoạt động của nhà quản lý bộ phận, ảnh hưởng đến phương pháp quản trị của nhà quản lý, thúc đẩy các bộ phận điều hành hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Việc quy trách nhiệm sẽ giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm cho từng đối tượng và nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng bộ phận, từng nhà quản lý của từng trung tâm.
Việc lựa chọn, phân chia các trung tâm trách nhiệm cho phù hợp với từng bộ phận của tổ chức không phải là điều dễ dàng. Các nhà quản trị cần cân nhắc kỹ lưỡng để xây dựng mô hình, cơ cấu tốt nhất cho DN giúp phân chia trách nhiệm trong hoạt động quản lý nhằm phát huy tối đa nguồn lực và thuận tiện cho công tác quản trị DN. Thông thường có 4 trung tâm trách nhiệm, bao gồm: trung tâm chi phí, trung tâm doanh thu, trung tâm lợi nhuận, trung tâm đầu tư.
Vận dụng kế toán trách nhiệm trong các doanh nghiệp Việt Nam
Ở Việt Nam, hiện nay, việc vận dụng kế toán trách nhiệm vào công tác quản lý tại DN còn nhiều hạn chế và bất cập. Cụ thể như: Công tác đánh giá hiệu quả hoạt động thông qua vận dụng kế toán trách nhiệm trong các DN nhìn chung chưa có sự phân cấp, phân quyền quản lý rõ ràng, chưa xây dựng được các chỉ tiêu đánh giá theo các cấp quản lý. Hệ thống dự toán còn chung chung, chưa được xây dựng cụ thể cho từng bộ phận. Ngoài ra, các DN chưa hình thành các chỉ tiêu đánh giá hiệu suất quản lý của các trung tâm trách nhiệm, việc đánh giá chỉ dừng lại ở mức đánh giá chung, xoay quanh các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, chi phí, chưa vận dụng các chỉ tiêu phi tài chính để đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức.
Để đảm bảo cho hoạt động quản trị tại các đơn vị được tốt hơn, các nhà quản trị cần chú trọng một số vấn đề trong quá trình ứng dụng kế toán trách nhiệm vào công tác quản lý như:
- Các DN cần nhận dạng, phân loại, lựa chọn các trung tâm trách nhiệm phù hợp với bộ máy tổ chức của DN. Để xác định một bộ phận trong tổ chức là trung tâm loại gì, thì cần căn cứ trên nguồn lực hoặc trách nhiệm mà nhà quản lý trung tâm trách nhiệm đó được giao. Trên thực tế việc phân biệt rõ ràng loại trung tâm trách nhiệm cho các bộ phận chỉ mang tính tương đối và phụ thuộc vào quan điểm của nhà quản trị cấp cao.
- Việc xây dựng hệ thống kế toán trách nhiệm ở mỗi DN phụ thuộc vào quy mô, yêu cầu quản lý và năng lực quản lý của các cấp lãnh đạo. Mô hình kế toán trách nhiệm thường phù hợp với các tập đoàn có quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, sự phân cấp, phân quyền rõ ràng, hệ thống kiểm soát và quản lý hoạt động hiệu quả.
- Xác định các chỉ tiêu đánh giá kết quả quản lý tại các trung tâm trách nhiệm. Để đánh giá kết quả các trung tâm trách nhiệm nên đánh giá theo chỉ tiêu tài chính và phi tài chính.
Nhìn chung, việc vận dụng kế toán trách nhiệm vào công tác quản lý là cần thiết đối với mỗi DN Việt Nam hiện nay. Hệ thống kế toán trách nhiệm được thiết lập nhằm đưa ra các công cụ, chỉ tiêu đánh giá và hướng các nhà quản lý ở các bộ phận đến thực hiện các mục tiêu chung. Các DN nếu có sự phân cấp rõ ràng và biết cách vận dụng tốt kế toán trách nhiệm vào thực tế chắc chắn sẽ giúp DN kiểm soát, quản lý hiệu quả hoạt động của các bộ phận.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Văn Dược, Trần Văn Tùng (2011), Giáo trình kế toán quản trị, Chương 7: Đánh giá trách nhiệm quản lý, NXB Kinh tế - Chính trị;
2. Thái Anh Tuấn (2014), Vận dụng kế toán trách nhiệm trong trường đại học, Tạp chí Tài chính, số 03(593);
3. Higgins,J (1952), Responsibility accounting, in: The Arthur Anderse, chronicle, Vol.12, Arthur Anderse, Chicago;
4. B.Venkatrathnam, Raji Reddy, Responsibility-Accounting-Conceptual Framewok;
5. James r.Martin, Management Accounting: Concepts, Technique & Controversial Issues, Chapter 14: Investment Center, Return on Investment, Residual Income and Tranfer pricing;
6. Anthony A.Athinson, Raiiv D.Banker, S.Mark young, Robert S.Kaplan (1997), Management Accounting and Cases, Prentice Hall