Vai trò không thể thiếu của hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện

Ngày 11/8, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh làm Trưởng đoàn đã kiểm tra hoạt động công tác xã hội và tình hình triển khai thực hiện Thông tư 43/2015/TT-BYT ngày 26/11/2015 của Bộ Y tế quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai.

Ông Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Ông Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Đây là hai bệnh viện lớn trực thuộc Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày tiếp đón từ 3.000 - 10.000 người bệnh và người nhà đi theo. Do đó, hoạt động công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chung, góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện và sự hài lòng của người bệnh.

Tiến sĩ Phí Thị Quỳnh Anh, Trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Phòng được thành lập từ năm 2011. Hiện nay, phòng có hai bộ phận là Công tác xã hội và Truyền thông - Chăm sóc khách hàng. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ trên 3.000 - 6.000 bệnh nhân ngoại trú và từ 1.800 - 2.200 bệnh nhân nội trú. Trong khi đó, phòng chỉ có hơn 20 nhân viên chuyên trách và trên 100 cộng tác viên công tác xã hội tại các khoa, phòng.

“Hoạt động công tác xã hội tại bệnh viện còn thiếu nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu. Các nhân viên Phòng Công tác xã hội là người tiếp xúc đầu tiên với người bệnh tại bệnh viện chưa được hưởng phụ cấp độc hại, hoặc chế độ làm thêm ngoài giờ vì rất nhiều hoạt động phát sinh tại bệnh viện mà các cán bộ làm công tác xã hội phải có mặt. Việc phối hợp với các đơn vị bên ngoài bệnh viện gặp không ít khó khăn. Có năm, bệnh viện phải giải quyết và tìm nơi lưu trú mới cho hơn 20 trẻ bị bỏ rơi, không người tiếp nhận... Bệnh viện phải đi xác minh, liên hệ với Công an, Trung tâm Bảo trợ xã hội… để đưa các trẻ về nuôi dưỡng”, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Tại Bệnh viện Bạch Mai - Bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế với số lượng 3.000 giường bệnh và 4.000 nhân viên y tế, Phòng Công tác xã hội có 61 cán bộ và 160 cộng tác viên công tác xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, Phòng Công tác xã hội đã làm tốt công tác thông tin truyền thông, đưa thông tin chính thống về các hoạt động chuyên môn của bệnh viện. Phòng làm tốt công tác truyền thông, nâng cao sức khỏe, hỗ trợ thông tin, phân luồng người bệnh, tiếp nhận tài trợ…

Bệnh viện đã đưa vào hoạt động Tổng đài đặt lịch và tư vấn sức khỏe. Từ tháng 6/2022 - tháng 6/2023, Tổng đài đã tiếp nhận hơn hơn 23.000 cuộc gọi. Các thành viên Phòng Công tác xã hội đã tích cực tham gia ê kíp điều trị, hỗ trợ liên ngành và tham gia giao ban tại các khoa, phòng ở một số khoa trọng điểm để nắm được tình hình bệnh nhân.

Bệnh viện mời chuyên gia của Viện Sức khỏe tâm thần tập huấn cho các cán bộ Phòng Công tác xã hội khai thác, tìm hiểu tâm lý, tình trạng stress với các trường hợp có nguy cơ. Phòng đã kêu gọi và hỗ trợ kinh phí cho trên 12.000 người bệnh, 131 chuyến xe từ thiện; trao tặng chân giả cho hai người bệnh…

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Phú Bằng, Phó trưởng Phòng Công tác xã hội, công tác xã hội trong y tế còn là lĩnh vực mới của Việt Nam và chưa được coi là một nghề chuyên nghiệp, chưa có phụ cấp nghề. Lãnh đạo của nhiều đơn vị chưa nhìn nhận đúng mức vai trò của công tác xã hội, vẫn coi công tác xã hội là hoạt động kêu gọi từ thiện. Đội ngũ nhân viên công tác xã hội bài bản được đào tạo chuyên nghiệp còn hạn chế, chưa đủ nhân lực để triển khai hoạt động chuyên nghiệp tại các đơn vị lâm sàng.

Bệnh viện Bạch Mai đề xuất sớm chỉnh sửa Thông tư 43 về hình thức, nhiệm vụ của nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện; kết nối công tác xã hội trong y tế với công tác xã hội trong lĩnh vực khác như Giáo dục, Lao động Thương binh và Xã hội, Tòa án, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân… và xây dựng chuẩn năng lực về nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện.

Tại buổi làm việc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết, mỗi đơn vị trong bệnh viện có chức năng và nhiệm vụ khác nhau góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện. Từ năm 2015, Thông tư 43/2015/TT-BYT ra đời đã định hình vai trò, nhiệm vụ và vị trí của hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện. Tuy nhiên qua 8 năm hoạt động, cần đánh giá lại thông tư này để có những điều chỉnh và sửa đổi phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023 và tình hình mới.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, bệnh viện là một xã hội thu nhỏ. Có những thời điểm, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận từ 10.000 - 20.000 người/ngày, từ người bệnh, người đi theo, cán bộ y tế, sinh viên thực tập. Do đó, nhu cầu về công tác xã hội tại bệnh viện rất lớn. Việc hỗ trợ các khoa, phòng sắp xếp, điều phối bệnh nhân của Phòng Công tác xã hội chính là kinh tế y tế, tiết kiệm cho bệnh viện.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đề nghị Ban Giám đốc các bệnh viện quan tâm và mở rộng Phòng Công tác xã hội cho phù hợp với quy mô của bệnh viện. Bên cạnh đó, Phòng Công tác xã hội tại hai bệnh viện cần nâng cao vị trí và vai trò của mình, đưa ra những mô hình hay và những cách làm sáng tạo để phát huy vai trò không thể thiếu trong bệnh viện.

Lê Hảo (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/vai-tro-khong-the-thieu-cua-hoat-dong-cong-tac-xa-hoi-trong-benh-vien-20230811211845458.htm