Vai trò người đứng đầu trong chương trình 'Sóng và máy tính cho em'

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, Đà Nẵng đang cân nhắc các phương án và chưa chốt thời gian học sinh được đến trường trở lại.

HS khó khăn H.Hòa Vang được hỗ trợ thiết bị phục vụ học trực tuyến trong thời gian chưa trở lại trường học.

HS khó khăn H.Hòa Vang được hỗ trợ thiết bị phục vụ học trực tuyến trong thời gian chưa trở lại trường học.

Hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động, dưới sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP, ngành GD-ĐT các quận, huyện, các trường học trên địa bàn TP đã có nhiều nỗ lực trong kêu gọi, vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp hỗ trợ thiết bị, tạo điều kiện cho học sinh khó khăn được tiếp cận với việc học trực tuyến.

Đơn cử trường hợp của Trường THCS Lương Thế Vinh (Q.Liên Chiểu). Ngay từ đầu năm học mới, qua khảo sát, nhà trường được biết có 17 HS khó khăn chưa có điều kiện để tiếp cận học trực tuyến. Trên cơ sở đó, thông qua các mối quan hệ, lãnh đạo nhà trường đã kêu gọi, vận động mạnh thường quân là doanh nghiệp, PHHS giúp đỡ, hỗ trợ cho 17 HS này có điều kiện thiết bị để dạy học trực tuyến. Đến nay,100% HS của trường đều có đủ điều kiện để tham gia học trực tuyến.

“Ban đầu, Ban giám hiệu giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp có trường hợp HS chưa có trang thiết bị phục vụ học trực tuyến kêu gọi, vận động PHHS trong lớp để hỗ trợ. Tuy nhiên sự hỗ trợ này rất ít. Vì vậy, nhà trường quyết định kêu gọi toàn trường. Trên cơ sở kêu gọi, vận động này, đã có 1 doanh nghiệp và 7 cá nhân PHHS hỗ trợ được 15 ĐTDĐ thông minh với tổng giá trị khoảng 25 triệu đồng. Sau khi TP nới lỏng giãn cách, một số PHHS đi làm trở lại mang theo ĐTDĐ để quét mã QR code, nên có 3 HS trong trường thiếu thiết bị để học trực tuyến. Nhà trường tiếp tục kêu gọi để hỗ trợ thiết bị cho 3 em HS này”, ông Bùi Duy Quốc-Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh cho hay. Lý giải về việc tại sao nhà trường chỉ hỗ trợ ĐTDĐ thông minh cho HS, ông Quốc cho biết, hầu hết các trường hợp này gia đình rất khó khăn nên không có nhà nào bắt internet, không có đường truyền. Đa số đều nhờ wifi từ hàng xóm.

Cũng với tinh thần chủ động đó, trường TH Nguyễn Du (Q.Hải Châu) kêu gọi mạnh thường quân, doanh nghiệp hỗ trợ được 14 bộ máy tính mới, 2 máy laptop cũ và 1 máy tính bảng cũ đã qua sử dụng, 5 đầu thu để hỗ trợ cho HS khó khăn có điều kiện học trực tuyến. Ngoài ra, HS của trường còn được Mobifone hỗ trợ 13 sim điện thoại, Viettel hỗ trợ gói cước 4G cho 52 em. “Tính đến thời điểm này, 100% HS của trường đều tham gia học trực tuyến”, bà Trần Thị Lệ- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Là địa bàn có số lượng HS không có ĐTDĐ thông minh, máy tính hoặc mạng internet chiếm tỉ lệ cao nhất TP, thông qua sự nỗ lực trong kêu gọi, vận động doanh nghiệp, mạnh thường quân, các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ, đến nay đã có 628 HS của các trường TH, THCS trên địa bàn huyện Hòa Vang được hỗ trợ thiết bị phục vụ học trực tuyến, với tổng kinh phí lên đến 834.524.000 đồng. “Hiện tại, toàn huyện vẫn còn 408 HS bậc tiểu học và THCS chưa có thiết bị học trực tuyến! Các trường vẫn đang tiếp tục kêu gọi để giúp các em HS có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện được tiếp cận học trực tuyến”, bà Phạm Hồ Quỳnh Trang- Trưởng Phòng GD-ĐT H.Hòa Vang cho biết.

Đơn cử trong số đó là Trường TH Hòa Phú. Sau khi Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tâm viết thư kêu gọi, đến thời điểm này đã có 11 HS được hỗ trợ điện thoại từ sự đóng góp, giúp đỡ của các mạnh thường quân với tổng số tiền là 23.050.000 đồng. “Hiện tại trường còn 20 HS chưa có thiết bị phục vụ học tập. Nhà trường vẫn đang tiếp tục kêu gọi các tấm lòng hảo tâm để hỗ trợ cho các em trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Tâm chia sẻ thêm.

Theo bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu, trong cuộc vận động thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động, cần ghi nhận sự vai trò, chủ động, nỗ lực của Hiệu trưởng các trường học. Chính nhờ sự nỗ lực của các trường mà đến nay, số lượng HS có hoàn cảnh khó khăn chưa có thiết bị để phục vụ học trực tuyến trên địa bàn Q.Hải Châu là rất ít. Nhiều Hiệu trưởng tâm sự, trong thời điểm hầu như ai cũng gặp khó khăn này, họ rất trăn trở, rất ngại khi kêu gọi, vận động. Nhưng nghĩ thương học trò khó khăn quá thiệt thòi, họ quyết tâm, mạnh dạn thực hiện. Và cũng bởi họ luôn tin tưởng, trong gian khó, truyền thống quý báu “tương thân, tương ái” của người dân Việt Nam lại càng tỏa sáng.

Khánh Yên

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_251121_vai-tro-nguoi-dung-dau-trong-chuong-trinh-song-va.aspx