Vai trò tiên phong của khoa học, đổi mới sáng tạo và công nghệ xanh trong bảo vệ đại dương
Ngày 22/5, chia sẻ thông tin về Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Ngày Đại dương thế giới (8/6 hàng năm) là dịp để cộng đồng quốc tế nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò quan trọng của đại dương đối với cuộc sống con người.

Lực lượng chức năng của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo tiến hành dọn rác dưới rạn san hô định kỳ. Ảnh minh họa: TTXVN phát
Năm 2025, chủ đề được Liên hợp quốc lựa chọn là: "Đại dương kỳ diệu: Gìn giữ nguồn sống của nhân loại", thông điệp truyền cảm hứng mạnh mẽ, khơi dậy trách nhiệm chung tay gìn giữ đại dương, kêu gọi các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và các tổ chức hành động bảo vệ hệ sinh thái biển cho toàn nhân loại trong bối cảnh đại dương đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và các tác động của con người.
Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam diễn ra (từ ngày 1-8/6 hằng năm) là dịp quan trọng để nâng cao lan tỏa tinh thần yêu biển, thể hiện trách nhiệm gìn giữ môi trường và tài nguyên biển đảo, đồng thời khẳng định mạnh mẽ quyết tâm phát triển bền vững các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ quyền Quốc gia trên biển.
Thực hiện chỉ đạo tại các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 139/2024/QH15 về Quy hoạch không gian biển quốc gia và Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định chủ đề của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam là: "Công nghệ xanh để đại dương bền vững", thông điệp nhấn mạnh vai trò tiên phong của khoa học, đổi mới sáng tạo và các công nghệ xanh trong bảo vệ đại dương, phát triển kinh tế biển giàu mạnh, hung cường, gìn giữ chủ quyền quốc gia trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khơi dậy trách nhiệm cộng đồng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh vì đại dương bền vững.
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác quản lý môi trường biển, thể hiện qua hệ thống chính sách toàn diện và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Đảng, Nhà nước đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển kinh tế biển theo hướng xanh. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã siết chặt quy định về kiểm soát nguồn thải từ đất liền và trên biển, nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng đẩy mạnh việc thiết lập hệ thống quan trắc môi trường biển, giúp giám sát chất lượng nước theo thời gian thực và cảnh báo sớm nguy cơ ô nhiễm. Việt Nam còn mở rộng các khu bảo tồn biển, tăng cường hợp tác quốc tế thông qua việc tham gia các công ước quan trọng như UNCLOS 1982 và Marpol 73/78. Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm hướng tới một nền kinh tế biển bền vững, vừa bảo vệ môi trường vừa đảm bảo phát triển kinh tế lâu dài.
Tuy nhiên, thời gian qua, dưới áp lực phát triển kinh tế-xã hội và nhiều nguyên nhân khác nhau đã khiến cho môi trường biển Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như: Suy thoái cảnh quan, hệ sinh thái biển và ven biển; ô nhiễm môi trường biển ven bờ; sự cố môi trường biển. Chất thải rắn sinh hoạt ngày càng gia tăng từ các nguồn thải công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, du lịch, sinh hoạt, y tế… gây ô nhiễm trên diện rộng ở các vùng bờ biển.
Các hệ sinh thái vùng bờ bị suy giảm, nhất là các hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển. Trong 15 năm trở lại đây, khoảng từ 15% đến 20% diện tích các rạn san hô bị mất, tập trung chủ yếu ở các vùng có dân cư sinh sống như Vịnh Hạ Long đã làm suy giảm đa dạng sinh học và chất lượng môi trường biển; làm mất sinh kế của cộng đồng vùng ven biển, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành du lịch biển, thủy sản.
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, ngày Đại dương thế giới 2025 năm nay là cơ hội để khẳng định quyết tâm, thay đổi nhận thức, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm và suy thoái môi trường, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái.
Việc ứng dụng công nghệ xanh vào công tác bảo vệ môi trường biển được coi là giải pháp trọng tâm trong giải quyết ô nhiễm môi trường biển. đề "Công nghệ xanh để đại dương bền vững" của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025 đã nhấn mạnh vai trò tiên phong của khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế biển. Bảo vệ môi trường biển không còn là lựa chọn mà là trách nhiệm cấp bách để giữ gìn đại dương, tài sản vô giá của dân tộc và nhân loại.
Trong bối cảnh kinh tế biển được xác định là một trong những trụ cột phát triển quốc gia, việc ứng dụng công nghệ xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác quốc tế là hướng đi tất yếu để hiện thực hóa tầm nhìn đại dương bền vững. Mỗi hành động nhỏ hôm nay sẽ góp phần bảo vệ màu xanh của biển cả cho muôn đời sau...