Vai trò và cống hiến của đồng chí Trường Chinh trong lãnh đạo giữ vững thành quả của cách mạng Tháng Tám (1945-1946) (kỳ 1)
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đánh đổ chế độ phong kiến và thuộc địa, giành độc lập cho dân tộc và giành chính quyền về tay nhân dân, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đánh đổ chế độ phong kiến và thuộc địa, giành độc lập cho dân tộc và giành chính quyền về tay nhân dân, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong cuộc cách mạng vĩ đại đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng và những cộng sự hàng đầu như Tổng Bí thư Trường Chinh, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng đưa ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo và kịp thời, bảo đảm cho cuộc tổng khởi nghĩa thắng lợi trọn vẹn trên cả nước.
Ngày 13-8-1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập ủy ban khởi nghĩa toàn quốc gồm năm đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn do Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách.
Thực hiện Nghị quyết của Toàn quốc hội nghị Đảng Cộng sản Đông Dương họp ngày 14 đến 15-8-1945, Đại hội Quốc dân Tân Trào họp ngày 16,17-8-1945 đã thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam. Ủy ban này với vai trò như chính phủ lâm thời của nước Việt Nam trước khi thành lập một chính phủ chính thức, ủy ban giải phóng dân tộc gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Tổng Bí thư Trường Chinh là thành viên. Sau thắng lợi của Tổng khởi nghĩa, ngày 28-8-1945, tại Hà Nội đã công bố danh sách Chính phủ lâm thời. Tổng Bí thư Trường Chinh và một số đồng chí lãnh đạo của Đảng đã rút khỏi danh sách Chính phủ lâm thời, tạo điều kiện để các nhân sĩ, trí thức tham gia Chính phủ.
Về sự kiện đáng ghi nhớ này gắn với cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá:
"Khi tổ chức Chính phủ lâm thời, có những đồng chí trong ủy ban Trung ương do Quốc dân đại hội bầu ra, đáng lẽ tham dự Chính phủ, song các đồng chí ấy đã tự động rút lui, để nhường chỗ cho những nhân sĩ yêu nước nhưng còn ở ngoài Việt Minh. Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học".
Trải qua 15 năm đấu tranh với những gian khổ, hy sinh to lớn, Đảng và dân tộc Việt Nam mới giành được độc lập, giành được chính quyền. Giành chính quyền đã khó, giữ vững chính quyền và thành quả cách mạng còn khó khăn hơn.
Sau Cách mạng Tháng Tám, sự nghiệp cách mạng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ phải đối phó với những thử thách nặng nề. Thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, mở đầu bằng việc đánh chiếm Nam Bộ (23-9-1945). Các thế lực đế quốc, phản động bên ngoài bao vây, phá hoại hòng thủ tiêu thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam. Các thế lực phản động trong nước câu kết với nước ngoài mưu toan lật đổ nhà nước cách mạng. Hậu quả về kinh tế, xã hội mà chế độ cũ để lại, nhất là nạn đói, nạn dốt, sự kiệt quệ về kinh tế, tài chính cũng là một thử thách to lớn. Cách mạng Việt Nam ở trong thế "ngàn cân treo sợi tóc".
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân tộc, quyết tâm giữ vững thành quả cách mạng, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh để đi đến bến bờ thắng lợi. Lịch sử mãi ghi nhận vai trò lãnh đạo và công lao to lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh trong giữ vững thành quả của Cách mạng Tháng Tám.
Một là, đồng chí Trường Chinh cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương bàn định đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được Ban Thường vụ Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi, góp ý và thông qua. Phân tích hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương về kháng chiến kiến quốc ngày 25-11-1945 nêu rõ về chiến lược, cuộc cách mạng của ta lúc này "vẫn là cách mạng dân tộc giải phóng. Cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, nó chưa hoàn thành, vì nước chưa được hoàn toàn độc lập", "kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược. Phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng".
Năm 1945-1946, cùng với quân xâm lược Pháp, cách mạng Việt Nam còn phải đối phó với quân đội Anh vào tước vũ khí quân Nhật phía Nam vĩ tuyến 16 (Đà Nẵng trở vào Nam) và 20 vạn quân đội Trung Hoa dân quốc - Tưởng Giới Thạch ở phía Bắc vĩ tuyến 16. Với danh nghĩa quân Đồng minh giải giáp quân Nhật, song quân Anh đã tiếp tay cho quân Pháp xâm chiếm Nam Bộ. Quân Tưởng ở phía Bắc cũng thực hiện mưu đồ xâm lược, lật đổ chính quyền cách mạng Việt Nam để lập chính phủ tay sai (Việt Quốc, Việt Cách).
(Còn nữa)