Vai trò, vị trí của kinh tế biển ngày càng quan trọng (*)
Sáng 12/6, tại TP Tuy Hòa, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có bài phát biểu chào mừng tại diễn đàn. Phú Yên Online xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Phạm Đại Dương:
Kính thưa đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương,
Kính thưa đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng TN-MT,
Kính thưa đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo của các bộ, ban, ngành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố,
Kính thưa quý vị đại biểu,
Hôm nay, Tỉnh Phú Yên rất vinh dự được phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ TN-MT tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam 2022 tại tỉnh Phú Yên. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Phú Yên, tôi xin chào mừng và xin kính chúc đồng chí Trần Tuấn Anh, cùng toàn thể các đồng chí, các quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Chúc diễn đàn của chúng ta hôm nay thành công tốt đẹp, đóng góp vào phát triển kinh tế biển của Việt Nam bền vững.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Với chiều dài bờ biển hơn 3.200km, 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cùng hơn 2.500 đảo lớn nhỏ, biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc phát triển kinh tế biển, đặc biệt là trong bối cảnh gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, luôn được Đảng ta quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt, ngày càng mở rộng về số lượng và chất lượng. Gần đây nhất, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đến nay, kinh tế biển và ven biển đóng góp tỉ lệ lớn vào tổng sản phẩm quốc nội, là nguồn thu ngoại tệ mạnh phục vụ phát triển đất nước. Đồng thời, việc phát triển kinh tế biển có vai trò quan trọng trong tăng cường sức mạnh tổng hợp, thế và lực của quốc gia cũng như nâng cao “thế trận lòng dân” trên các vùng biển, đảo. Có thể nói, kinh tế biển có vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước đang nỗ lực đẩy nhanh phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, thì vai trò, vị trí của kinh tế biển ngày càng quan trọng.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Các nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (Organisation for Economic Cooperation and Development – OECD) cho thấy rằng thế giới đang đối mặt với không ít các vấn đề về phát triển.
Đó là vấn đề về gia tăng dân số thế giới, được dự báo gần 10 tỉ người vào năm 2050. Việc gia tăng dân số sẽ kéo theo nhiều vấn đề về xã hội, mà một trong những vấn đề đó là đảm bảo lương thực cho toàn bộ dân số. Đó là vấn đề chiến tranh thương mại, các vấn đề về xung đột giữa các quốc gia ảnh hướng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là vấn đề về gia tăng nhu cầu năng lượng. Đó là vấn đề về biến đổi khí hậu. Đó là các vấn đề hậu COVID-19…
Việt Nam chúng ta, nằm trong bối cảnh chung của toàn thế giới, cũng đang phải đối mặt với những thách thức trên. Đồng thời, là một nước đang phát triển nhanh, chúng ta còn phải đối mặt với các nguy cơ của bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ bỏ lỡ cơ hội vàng để phát triển vươn lên, các vấn đề về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường …
Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế biển nổi lên như là một động lực tăng trưởng mới, bù đắp vào sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế nội địa, đồng thời, cũng là giải pháp để các quốc gia gia tăng ảnh hưởng tại các vùng biển, hải đảo, đặc biệt là các khu vực có nguồn lợi hải sản, trữ lượng tài nguyên, dầu mỏ lớn, các khu vực có tranh chấp và các khu vực có các tuyến thương mại quan trọng của thế giới.
(Thực tiễn cho thấy, kinh tế biển đã và đang đem lại cho các quốc gia có chiến lược bài bản với tầm nhìn dài hạn lợi ích lớn. Theo báo cáo The EU Blue Economy Report 2020, kinh tế biển đem lại cho Liên minh châu Âu 218 tỉ Euro tăng trưởng giá trị gia tăng (GVA) với lợi nhuận là 94 tỉ Euro (số liệu 2018). Còn đối với Mỹ, báo cáo năm 2020 (số liệu 2017) của Tổ chức quản trị đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA), kinh tế biển đem lại cho Mỹ 318 tỉ USD trong GDP. Đối với Trung Quốc, từ năm 2010, kinh tế biển đã đóng góp cho GDP quốc gia này 240 tỉ USD. Bên cạnh phát triển các ngành kinh tế biển chính để phục vụ phát triển kinh tế đất nước, các quốc gia lớn đều đang có những chiến lược biển để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình (như “Chiến lược Ấn độ Dương – Thái bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ)
Có thể nói rằng, kinh tế biển chính là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong thế kỷ của “Biển và Đại Dương”. Đồng thời, đây cũng chính là khu vực sẽ chứng kiến nhiều sự cạnh tranh, đòi hỏi mỗi quốc gia phải có sự tiếp cận phù hợp, kịp thời để có thể khai thác lợi thế này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế biển, để đến năm 2045 “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương” .
Nghị quyết là cơ sở quan trọng để các địa phương ven biển như tỉnh Phú Yên lãnh đạo, chỉ đạo phát triển bền vững kinh tế biển hiệu quả hơn, đồng bộ hơn. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, kinh tế biển cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng đã có được những sự phát triển quan trọng, tạo ra được những động lực phát triển cho từng địa phương, cho cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế biển ở các địa phương vẫn còn những hạn chế. Tiềm năng du lịch biển chưa được phát huy hiệu quả; việc bảo vệ môi trường biển, bảo vệ đa dạng sinh học còn có những hạn chế; biến đổi khí hậu tiếp tục là nguy cơ lớn đối với các vùng ven biển; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào quản trị môi trường biển, vào nuôi trồng, đánh bắt hải sản chưa nhiều … Tất cả những vấn đề này đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững của từng địa phương, của cả nước, và trực tiếp ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của các khu vực ven biển.
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển hôm nay là cơ hội quan trọng để các địa phương ven biển được ngồi lại với các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp trong lĩnh vực để chia sẻ những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn vướng mắc để cùng thảo luận, tìm ra các giải pháp phát triển trong thời gian tới.
Tỉnh Phú Yên (và tôi tin các địa phương khác cũng vậy) rất mong nhận được những hiến kế, những ý kiến đóng góp, giải pháp hữu ích của các đại biểu dự họp, và đặc biệt là những chỉ đạo sát sao của đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương để kinh tế biển của chúng ta trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, thúc đẩy 28 địa phương ven biển nói riêng, cả nước nói chung vươn lên mạnh mẽ.
Một lần nữa, xin kính chúc đồng chí Trần Tuấn Anh cùng toàn thể các đồng chí, quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Chúc Diễn đàn phát triển kinh tế biển của chúng ta hôm nay thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn.
------------------------