Vải trứng Hưng Yên được mùa, được giá
Sau vụ vải lai chín sớm bội thu, người trồng vải Hưng Yên lại tiếp tục đón nhận vụ vải trứng được mùa, được giá. Đặc biệt, lần đầu tiên quả vải trứng Hưng Yên được xuất khẩu sang châu Âu đang khiến người trồng vải phấn khởi.
Cung không đủ cầu
Từ đầu tháng 6, các vườn vải trứng tại các huyện Phù Cừ, Ân Thi bắt đầu cho thu hoạch. Đến nay, về cơ bản vải trứng đã cơ bản thu tiêu thụ hết với giá cao.
Theo các nhà vườn trồng vải ở xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, giá vải trứng năm nay trung bình từ 100.000-150.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 180.000 đồng/kg.
Theo lý giải của ông Mai Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, giá vải cao như vậy là do số lượng vải không đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì thế có thời điểm giá vải đã lên tới 180.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với đầu vụ.
Ông Mai Văn Quyết cũng cho biết thêm, vải trứng ngày càng được nâng cao chất lượng với quy trình canh tác an toàn hướng tới hữu cơ. Đặc biệt, vải trứng Hưng Yên quả to, vỏ đỏ, ngọt thơm và thanh mát đặc trưng luôn được những người sành thưởng thức tìm mua. Do đó, dù quả vải trứng giá cao gấp nhiều lần so với loại vải thông thường nhưng vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng, mua làm quà biếu.
Ông Đoàn Văn Hiểu, Giám đốc Hợp tác xã vải trứng Hưng Yên ở thôn Bình Nguyên, xã Đa Lộc, huyện Ân Thi cũng cho hay, năm nay, thời tiết thuận lợi nên vải trứng Hưng Yên được mùa, được giá. Từ trước khi thu hoạch, đã có nhiều thương lái đến tận vườn đặt mua. Vải thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thậm chí có thời điểm không đủ để bán. Chính vì thế, giá vải càng về cuối vụ càng tăng cao.
Gia đình ông Đoàn Văn Hiểu có hơn 2ha vải trứng; trong đó, có 3,5 sào đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 4 tấn, tăng 20% so với vụ trước. Dự kiến vụ vải năm sau vườn vải của gia đình sẽ cho thu hoạch trên toàn bộ diện tích.
Lần đầu tiên xuất khẩu sang châu Âu
Tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng 230 ha trồng vải trứng. Loại quả đặc sản này được trồng chủ yếu tại huyện Phù Cừ và một phần diện tích ở huyện Ân Thi. Năm nay, sản lượng vải trứng ở hai địa phương này đạt gần 100 tấn và lần đầu tiên quả vải trứng được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Số lượng xuất đi chưa nhiều nhưng đây là nguồn động viên lớn đối với người trồng vải ở Hưng Yên.
Ông Mai Văn Quyết cho biết, năm nay hợp tác xã thí điểm xuất khẩu sang châu Âu khoảng 5 tạ vải. Đây là thị trường khó tính, đòi hỏi các tiêu chuẩn rất khắt khe. Để xuất được sang châu Âu, quả vải trứng phải trải qua quy trình kiểm tra ngặt nghèo về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Điều đó đòi hỏi bà con phải tiếp tục chăm sóc cây vải theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo đúng kỹ thuật để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hợp tác xã vải trứng Hưng Yên ở xã Đa Lộc, huyện Ân Thi cũng có 3 tạ vải lần đầu tiên được xuất sang châu Âu. Bà con trồng vải rất phấn khởi vì quả vải đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính.
Ông Đoàn Văn Hiểu, Giám đốc hợp tác xã cho biết, với lần đầu thí điểm xuất khẩu sang châu Âu, các nhà vườn trồng vải rất mong quả vải trứng được quảng bá rộng rãi, được nhiều người tiêu dùng trên thế giới biết đến. Người trồng vải cũng cố gắng chăm sóc đảm bảo đúng kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Như thế, thương hiệu quả vải trứng Hưng Yên sẽ bay xa.
Tiếp tục mở rộng diện tích
Thấy được giá trị của quả vải trứng, các địa phương trồng vải ở Hưng Yên đều có kế hoạch mở rộng diện tích.
Ông Vũ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, quả vải trứng bắt đầu được nhiều người tiêu dùng biết đến, hiệu quả kinh tế cao và cung không đủ cầu. Chính vì thế huyện Phù Cừ đã chỉ đạo mở rộng diện tích, không chỉ tập trung ở xã Phan Sào Nam mà còn mở rộng ra các xã Minh Tân, Đoàn Đào, thị trấn Trần Cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ cũng khẳng định: huyện đã có chủ trương từ rất sớm đối với cây vải, luôn coi trọng nâng cao chất lượng quả vải. Theo đó, huyện đã chú trọng mở rộng diện tích các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, từ khâu chăm bón cho đến thu hái đều được khuyến cáo và giám sát nghiêm ngặt.
Quy trình bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo về liều lượng và thời gian để quả vải đạt chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, huyện Phù Cừ cũng hỗ trợ giống, vốn cho người dân trồng vải, làm cơ sở hạ tầng như đường ra đồng để ô tô có thể vận chuyển thuận lợi mỗi khi vào vụ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ cho biết thêm, hiện nay ngành nông nghiệp huyện đang thí điểm ghép mầm vải trứng trên gốc vải lai chín sớm đối với những diện tích trồng mới; đồng thời tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thâm canh vải, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với nhà vườn, hợp tác xã để tiêu thụ quả vải.
Huyện Phù Cừ hiện có khoảng 220 ha trồng vải trứng; trong đó có khoảng gần 100 ha đang cho khai thác quả. Nếu trồng theo phương pháp truyền thống, cây vải trứng sẽ khó đậu quả, năm được mùa năm mất mùa. Chính vì thế, nhiều hộ nông dân chăm sóc cây vải trứng theo phương pháp kỹ thuật mới với quy trình VietGAP, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Các nhà vườn trồng vải cũng cho biết, vụ vải năm sau diện tích cho thu hoạch sẽ cao hơn và dự kiến số lượng vải trứng đáp ứng ra thị trường sẽ nhiều hơn.