Valentine… 'giấm'

Lễ tình nhân là một trong những ngày kỷ niệm quan trọng nhất ở phương Tây.

Nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thiệp 'giấm' còn là công cụ chế nhạo nữ quyền. Ảnh: Thesocietypages.org

Nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thiệp 'giấm' còn là công cụ chế nhạo nữ quyền. Ảnh: Thesocietypages.org

Vào dịp này, nam thanh nữ tú mua thiệp mừng sang trọng, trao gửi đến người mình thương lời yêu ngọt ngào. Tuy nhiên, không phải tất cả các tấm thiệp mà một người nhận được đều là câu chúc đẹp đẽ.

“Chơi khăm” tình cũ

Tại Mỹ và châu Âu, các cặp tình nhân và vợ chồng luôn mong ngóng đến ngày 14/2. Đây là dịp để họ bày tỏ với “một nửa” của mình tình yêu vô bờ bến và tặng những món quà mang thông điệp yêu thương.

Thế kỷ XIX, phương Tây rộ trào lưu tặng thiệp mừng nhân ngày lễ tình nhân. Các cá nhân thi nhau tự tay làm hoặc mua những tấm thiệp thật đẹp, trang trí bằng ren và nắn nót viết lời bày tỏ, chúc mừng hoa mỹ, sau đó gửi tới người yêu dấu.

Chỉ có điều, không phải mọi mối quan hệ yêu đương đều đi đến hạnh phúc hoặc chia tay trong tốt đẹp. Nó đồng nghĩa với việc, không ít người bất mãn với tình nhân cũ và lợi dụng ngày Valentine, họ… “đổ giấm”.

“Giấm” ngày lễ tình nhân là những tấm thiệp xấu xí cả về thiết kế lẫn chất liệu, viết những lời cay nghiệt và gửi cho người nhận với mục đích “chơi khăm”.

Chưa hết, thiệp “giấm” còn gửi ẩn danh và không thanh toán phí trước. Ngoài bực bội vì nội dung đầy ác ý, người nhận còn khổ sở vì không biết đang bị ai ghét và phải bỏ tiền túi ra trả cho dịch vụ chuyển phát.

“Không có gì xấu xa và thô tục hơn thiệp giấm”, nhà văn Cameron C. Nickels (Mỹ) đánh giá. Đối tượng bị “đổ giấm” cũng không giới hạn, bao gồm từ người độc thân, giàu có đến kẻ lăng nhăng, gái mại dâm, tên trộm cắp… Vào năm 1847, một nhà xuất bản thiệp mừng Valentine ở New York (Mỹ) bị công chúng “ném đá” dữ dội, vì doanh số thiệp “giấm” cao hơn thiệp chúc mừng.

Bùng nổ và tồi tệ hơn

Thiệp 'giấm' xấu xí cả hình thức lẫn nội dung. Ảnh: Artanddesigninspiration.com

Thiệp 'giấm' xấu xí cả hình thức lẫn nội dung. Ảnh: Artanddesigninspiration.com

Ngay từ thuở manh nha, thiệp “giấm” đã bị chỉ trích, vì nó đi ngược lại với ý nghĩa tử tế của việc mừng ngày 14/2. Thế nhưng, doanh số bán thiệp “giấm” đã không giảm, mà còn tăng vùn vụt.

Vào năm 1905 tại San Francisco (Mỹ), 25 nghìn tấm thiệp “giấm” đã không thể đến tay người nhận chỉ vì… quá tải (bưu điện không đủ nhân viên chuyển phát). Cùng năm này tại Chicago (Mỹ), 25 nghìn tấm thiệp “giấm” bị giữ lại vì “không thích hợp để gửi đi”, do nội dung quá cay nghiệt.

Khi phong trào nữ quyền ngày một lên cao, thiệp “giấm” có thêm đối tượng tấn công mới là các phụ nữ đấu tranh cho nữ quyền. Bìa ngoài của kiểu thiệp này in biếm họa phụ nữ bạo lực hoặc phù phiếm, bên trong ghi những lời lẽ xúc phạm. Đối tượng bị “bỏ bom” thiệp “giấm” bao gồm cả những người ủng hộ nữ quyền.

Càng lúc, thiệp “giấm” càng tồi tệ hơn. Nó khiến không ít nhà giáo dục lo ngại “gây ảnh hưởng xấu đến trẻ em” và mong muốn “chấm dứt trào lưu gửi thiệp quá ác ý” này. “

Xin hãy để Valentine là ngày thánh lễ ý nghĩa, tôn vinh tình yêu chứ không phải là dịp trả thù”, một tạp chí trẻ em đăng lời kêu gọi.

Vẫn tiếp diễn

Trào lưu anti - Valentine đang gây phiền nhiễu cho Anh quốc. Ảnh: Theguardian.com

Trào lưu anti - Valentine đang gây phiền nhiễu cho Anh quốc. Ảnh: Theguardian.com

Phải đến tận thập niên 1970, khi trào lưu tặng quà lên ngôi, thiệp “giấm” mới bắt đầu giảm số lượng. Tuy nhiên, “đổ giấm” đã không chấm dứt, mà còn biến tấu đa dạng hơn. Ngày nay, cứ sắp đến 14/2, giới truyền thông ở phương Tây lại phải lo chống anti - Valentine.

Phiên bản thiệp “giấm” hiện tại là thiệp “Meh”. Trong tiếng Anh, “meh” là thán từ biểu hiện sự chán chường. Thiệp “Meh” in incon trái tim buồn chán, cáu bẳn, lạnh nhạt… và thông điệp chê bai, căm ghét ngày lễ tình nhân.

“So với năm 2021, doanh số thiệp “Meh” năm 2022 cao hơn hẳn”, nhà thiết kế thiệp anti – Valentine, Holly Showell (Anh) cho biết. Ban đầu, cô Showell chỉ giới thiệu thiệp “Meh” để bày tỏ thái độ của bản thân trước Valentine.

“Tôi có người yêu, nhưng vẫn chán ngấy ngày lễ tình nhân, vì tôi phải lo nghĩ chuyện tìm kiếm và mua quà tặng thích hợp cho anh ấy. Tôi ước gì chỉ cần nói rằng, tôi yêu anh ấy là đủ”, Showell kể lại.

“Tôi không ngờ, thiệp “Meh” của mình lại được nhiều người yêu thích và ủng hộ. Bây giờ, cứ thiết kế được thiệp “Meh” nào mới là tôi lại bán được ngay. Có vẻ như, số lượng người anti – Valentine đang gia tăng”, Showell nói tiếp.

Cũng trong năm 2022, nhà sáng lập cửa hàng quà tặng trực tuyến Happy Book Place - Floribeth Pena de Amador (Anh) bày bán cốc V anti – Valentine. Chữ “V” in trên cốc này là viết tắt của vodka (một loại rượu) và video game (trò chơi điện tử), mang ý nghĩa “thà uống rượu, chơi game còn hơn yêu đương vô bổ”.

Cùng thời gian, trên chợ trực tuyến lớn nhất mạng xã hội Anh – Etsy, xuất hiện la liệt các mặt hàng phản đối ngày lễ tình nhân như thiệp “Meh”, áo phông “Meh”… Những câu anti - Valentine như “Tôi không thèm ngày lễ tình nhân”, “Cupid là thằng ngốc”… tràn ngập khắp các ngả.

Một số cá nhân và tổ chức còn lợi dụng anti - Valentine, kiếm tiền bằng những sáng kiến tai quái như viết tên kẻ phụ tình xuống khay đựng phân của chó, mèo...

Thiên Vũ (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/valentine-giam-post625749.html