Văn Bàn khai thác thế mạnh nuôi thủy sản
Chủ động khai thác lợi thế tự nhiên về mặt nước ao, hồ, khe suối để phát triển nuôi thủy sản, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Văn Bàn.
Trước kia, với hơn 1 ha mặt nước, gia đình ông Lê Văn Hiến ở thôn Văn Xuân, xã Võ Lao nuôi cá quảng canh nên thu nhập thấp. Từ khi áp dụng khoa học - kỹ thuật, ông Hiến quy hoạch và xây dựng các ao nuôi theo chuỗi, phù hợp với nhiều đối tượng gồm cá giống, cá thịt, ba ba sinh sản, ba ba thịt... Trung bình mỗi năm gia đình ông cung cấp ra thị trường 6 tấn cá giống, hơn 10 tấn cá thịt, hơn 3 tạ ba ba thịt và hàng nghìn con ba ba giống, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Từ việc phát triển thủy sản, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định và giải quyết việc làm cho từ 2 lao động địa phương trở lên.
Xã Võ Lao có hơn 90 ha ao nuôi thủy sản, sản lượng đạt hơn 400 tấn cá thịt/năm. Với lợi thế về nguồn nước tự nhiên sạch, dồi dào, xã định hướng người dân phát triển thủy sản làm hướng phát triển kinh tế mũi nhọn. Các hộ chuyển dần từ phương thức nuôi thủy sản quảng canh sang chuyên canh, thâm canh. Để hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho người dân, xã phối hợp với các ngành chuyên môn mở lớp tập huấn, hướng dẫn các phương pháp lựa chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho thủy sản. Xã còn phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn huyện cho người dân vay vốn mở rộng quy mô nuôi thủy sản.
Xã vùng cao Nậm Xé có khí hậu mát mẻ, nguồn nước tự nhiên phù hợp với nuôi cá nước lạnh. Một số hộ trên địa bàn đã học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư nuôi cá hồi, cá tầm, đem lại thu nhập cao. Hiện tại, trên địa bàn xã có 3 hộ nuôi cá nước lạnh, sản lượng đạt 50 - 60 tấn cá thương phẩm/năm.
Ông Nguyễn Văn Nam, thôn Ta Náng cho biết: Với hơn 3.000 m2 bể nuôi, gia đình nuôi cá tầm thương phẩm và lấy trứng, mỗi năm cho hơn 10 tấn cá thịt, hơn chục vạn cá giống, đem lại nguồn thu hơn 400 triệu đồng.
Huyện Văn Bàn hiện có 450 ha mặt nước nuôi thủy sản, sản lượng ước đạt 1.082 tấn/năm. Các đối tượng nuôi chủ yếu là cá trắm, chép, rô phi. Tuy nhiên, diện tích thâm canh thủy sản chỉ chiếm hơn 40%, năng suất nuôi chỉ đạt hơn 2,4 tấn/ha trong khi năng suất trung bình của tỉnh đạt 4,2 - 4,5 tấn/ha.
Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập trên 1 ha canh tác, huyện Văn Bàn định hướng người dân phát triển thủy sản theo hướng thâm canh, chú trọng phát triển một số đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như cá bỗng, cá chày, cá tầm, cá hồi...
Huyện cũng khuyến khích và tạo điều kiện để các hộ thành lập hợp tác xã nuôi thủy sản nhằm hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm nuôi và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu cho cá Văn Bàn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách giúp người dân khai thác tối đa thế mạnh của địa phương, phát triển thủy sản theo hướng bền vững.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/van-ban-khai-thac-the-manh-nuoi-thuy-san-post372341.html