Văn Bàn: Tiếp nhận, bàn giao 8.655 ha rừng và đất lâm nghiệp
Ngày 24/6, UBND huyện Văn Bàn tổ chức Hội nghị thống nhất tiếp nhận, bàn giao diện tích rừng và đất lâm nghiệp từ các tổ chức kinh tế cho các đơn vị, cá nhân khi kết thúc Dự án Thí điểm khoán quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Tham dự hội nghị có đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các tổ chức kinh tế tham gia Dự án Thí điểm khoán quản lý, bảo vệ rừng; đại diện UBND các xã và đơn vị tiếp nhận diện tích rừng và đất lâm nghiệp nói trên.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 2286/UBND-NLN, ngày 26/5, huyện Văn Bàn đã thành lập Tổ công tác bàn giao và tiếp nhận diện tích rừng khi kết thúc Dự án Thí điểm khoán quản lý, bảo vệ rừng cho các tổ chức kinh tế.
Theo đó, Tổ công tác đã thực hiện các bước kiểm tra hồ sơ về diện tích rừng và đất lâm nghiệp của 2 tổ chức kinh tế tham gia dự án là: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển năng lượng Phúc Khánh (Công ty Phúc Khánh), Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Thăng Long (Công ty Thăng Long); đồng thời, tiếp nhận và bàn giao ngoại nghiệp cho các đơn vị mới.
Cụ thể, Tổ công tác đã tiếp nhận lại diện tích rừng và đất lâm nghiệp của Công ty Phúc Khánh thực hiện dự án, bàn giao lại cho 2 chủ quản lý mới là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, UBND xã Nậm Tha gồm 558 lô, 4 tiểu khu tại thôn Khe Păn, xã Nậm Tha; tổng diện tích tiếp nhận và bàn giao lại là 3.780,2 ha; trong đó: Rừng tự nhiên là 3.294,7 ha (rừng trồng 85,7 ha, đất trống 399,8 ha); trữ lượng gỗ 566.639,5m3, trữ lượng vầu 27,5 tấn.
Bên cạnh đó, Tổ công tác đã tiếp nhận, bàn giao diện rừng và đất lâm nghiệp do Công ty Thăng Long thực hiện dự án, bàn giao lại cho 4 chủ quản lý gồm: Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Văn Bàn, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, UBND xã Khánh Yên Hạ, UBND xã Khánh Yên Trung. Vị trí, địa điểm gồm 309 lô, 12 khoảnh, 7 tiểu khu tại thôn Nà Nheo, xã Khánh Yên Trung; tổng diện tích tiếp nhận và bàn giao lại là 4.874,5 ha (rừng tự nhiên 4.613,2 ha, đất trống 261,3 ha); trữ lượng gỗ 870.908,7m3, trữ lượng vầu 188,5 tấn.
Theo đánh giá, trong quá trình tiếp nhận, bàn giao, kiểm tra thực tế của Công ty Phúc Khánh và Công ty thăng Long đều ghi nhận có tình trạng người dân phát rừng vầu (diện tích nhỏ) để trồng sa nhân, quế, rau màu; vẫn có hiện tượng người dân vào rừng khai thác lâm sản trái phép, đặc biệt là người dân huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) sang khai thác gỗ tận dụng cành, ngọn, gốc, rễ…; vẫn còn tình trạng chăn thả gia súc vào khu vực rừng trồng thay thế, rừng trồng phòng hộ, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nêu rõ những khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện tiếp nhận, bàn giao, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại các vị trí vừa được tiếp nhận, bàn giao nói riêng, diện tích rừng của huyện Văn Bàn nói chung được bảo vệ, phát triển tốt trong thời gian tới.