Văn Chấn hỗ trợ trồng mới, trồng cải tạo lại khoảng 100 ha cam
Ngày 16/4, UBND huyện Văn Chấn phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trung tâm Thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm - Hà Nội và 9 xã vùng ngoài của huyện tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch hỗ trợ trồng mới, trồng cải tạo diện tích cam của huyện năm 2024.
Năm 2020, toàn huyện Văn Chấn có trên 2.000 ha cam, quýt, tập trung chủ yếu ở một số xã, thị trấn vùng ngoài như: Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, Minh An, thị trấn Nông trường Trần Phú… Khi bệnh vàng lá thối rễ xuất hiện và lây lan rộng, diện tích, sản lượng cam của huyện Văn Chấn đã giảm sâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người trồng cam.
Đến năm 2023, toàn huyện chỉ còn hơn 1.000 ha, chưa kể trong số này có nhiều diện tích người dân dù không chặt bỏ nhưng cũng bỏ mặc không chăm sóc do bệnh vàng lá, thối rễ làm giảm chất lượng, năng suất quả, ảnh hưởng đến chất đất…
Để hỗ trợ người dân, ngành nông nghiệp Yên Bái đã mời các nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực nông nghiệp của nước ta đến khảo sát, nghiên cứu để tìm ra giải pháp.
Quang cảnh Hội nghị.
Tại Hội nghị, lãnh đạo huyện Văn Chấn đã đưa ra mục tiêu khôi phục lại vùng trồng cam đặc sản của địa phương. Cụ thể, sẽ hỗ trợ trồng mới, trồng cải tạo lại diện tích cam, có chất lượng với quy mô phù hợp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo ra sản phẩm... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng sản xuất hàng hóa, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.
Diện tích trồng mới, trồng cải tạo lại năm 2024 tối đa là 100 ha, triển khai trên địa bàn các xã: Tân Thịnh, Đại Lịch, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La, Cát Thịnh và thị trấn Nông trường Trần Phú.
Đồng thời, UBND huyện Văn Chấn giao Hội Nông dân huyện chỉ đạo các cơ sở Hội tại các xã vùng ngoài tập trung tuyên truyền, hướng dẫn hội viên tích cực tham gia cải tạo, phát triển diện tích mới và chăm sóc diện tích cam hiện có.
Được biết, tháng 11/2022, sản phẩm cam của huyện Văn Chấn đã được cấp quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Cam Văn Chấn" của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Để giữ vững chỉ dẫn địa lý "Cam Văn Chấn”, huyện đã tiến hành triển khai dự án xây dựng mô hình liên kết sản xuất cam theo chuỗi giá trị và đạt tiêu chuẩn VietGAP.