Vẫn chưa rõ Trung Quốc dùng 'con bài' đất hiếm thế nào với Mỹ
Trung Quốc 'có thể đóng cửa gần như mọi dây chuyền lắp ráp ô tô, máy tính, điện thoại thông minh và máy bay bên ngoài Trung Quốc nếu họ chọn cấm vận 'nguồn đất hiếm' của mình.
Ngày 17-6, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cho biết họ sẽ nghiên cứu, phát triển và đưa ra các chính sách liên quan về đất hiếm càng sớm càng tốt trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ.
Ông Meng Wei, phát ngôn viên của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), đã đưa ra phát biểu trên tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, theo hãng tin Reuters. Không có chi tiết cụ thể hoặc các bước tiếp theo nào được đưa ra trong cuộc họp báo này.
Chính phủ kiên quyết phản đối mọi nỗ lực sử dụng các sản phẩm làm từ đất hiếm xuất khẩu tư Trung Quốc để ngăn chặn sự phát triển của đất nước, ông Meng nói thêm.
Tháng trước, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng Bắc Kinh có thể hạn chế xuất khẩu đất hiếm vào thị trường Mỹ như một phần của việc trả đũa đối với các biện pháp của Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc phân loại đất hiếm là tài nguyên chiến lược và đã lên kế hoạch thăm dò và khai thác nguyên liệu này trong khoảng một thế kỷ tới.
Theo công ty Bank of America, Trung Quốc hiện nắm giữ tổng cộng khoảng 40% tài nguyên đất hiếm của thế giới, với trữ lượng ước tính 44 triệu tấn. Trung Quốc đã sản xuất 120.000 tấn đất hiếm trong năm 2018. Brazil, Nga, Ấn Độ và Úc lọt vào top năm, với trữ lượng từ 3,4 triệu đến 22 triệu tấn.
Ông James Kennedy, chủ tịch của BA Consulting gần đây đã cảnh báo rằng Trung Quốc "có thể đóng cửa gần như mọi dây chuyền lắp ráp ô tô, máy tính, điện thoại thông minh và máy bay bên ngoài Trung Quốc nếu họ chọn cấm vận” nguồn đất hiếm của mình.