Vận chuyển đào mai bằng đường hàng không cần lưu ý gì?
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các hãng hàng không sẽ nhận vận chuyển đào, mai dưới dạng hành lý ký gửi trên chuyến bay nội địa. Tuy nhiên, người dân cần tuân thủ quy định hãng hàng không đề ra.
Chi phí vận chuyển đào mai qua đường hàng không
Theo hãng hàng không Vietnam Airlines thông báo, từ ngày 11/1 đến hết ngày 24/2 (tức ngày 1 tháng Chạp âm lịch năm Quý Mão đến ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn), hãng sẽ nhận chuyên chở cành đào, cành mai dưới dạng hành lý ký gửi trên các chuyến bay nội địa.
Trường hợp đào, mai của khách hàng không được xác nhận dịch vụ trên hệ thống đặt giữ chỗ hành khách thì có thể được vận chuyển dưới dạng hàng hóa.
Hãng hàng không Vietjet cũng triển khai dịch vụ vận chuyển mai, đào từ ngày 25/1 - 24/2 (tức ngày 15 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Dịch vụ vận chuyển mai, đào của Vietjet được mở bán trên các chuyến bay nội địa đi và đến giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Cả hai hãng hàng không này đều có mức giá cước vận chuyển là 450.000 đồng/bó (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). So với mức giá mùa Tết 2023, năm nay cước phí vận chuyển mai đào được giữ nguyên.
Quy định vận chuyển mai đào qua đường hàng không
Theo quy định ngành hàng không, các cành đào, cành mai cần được buộc thành bó, kích thước mỗi bó tối đa 150x40x40cm và mỗi bó không quá 2 cành. Mỗi hành khách được mang theo 1 bó đào hoặc mai dưới dạng hành lý ký gửi với điều kiện chỗ đã được xác nhận trước trên các chuyến bay nội địa.
Đặc biệt, đối với loại cây cảnh, cây hoa và các loại cây khác có chậu, bọc bầu đất thì các hãng hàng không sẽ không nhận vận chuyển.
Ngoài ra, hãng hàng không Vietjet quy định khách hàng cần đăng ký dịch vụ vận chuyển mai, đào trước ít nhất 03 tiếng so với giờ khởi hành dự kiến của chuyến bay.
Tăng cường khoảng 1.800 chuyến bay đêm phục vụ người dân
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các cảng hàng không và các hãng hàng không nội địa liên quan tới việc khai thác các chuyến bay đêm dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2024.
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, giai đoạn từ 1/2 - 9/2 (tức 22 tháng Chạp tới 30 tháng Chạp âm lịch), tỷ lệ đặt chỗ của các hãng bay đang rất cao và gần như kín chỗ.
Đơn cử, chặng bay Hà Nội - Vinh (99%), TP Hồ Chí Minh - Huế (92,44%), TP Hồ Chí Minh - Pleiku (90,82%), TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa (84,53%), TP Hồ Chí Minh - Thanh Hóa (93,08%), TP Hồ Chí Minh - Quy Nhơn (92,39%), TP Hồ Chí Minh - Chu lai (95,09%), TP Hồ Chí Minh - Quảng Bình (88,96%), TP Hồ Chí Minh - Vân Đồn (100%), TP Hồ Chí Minh - Vinh (89,03%).
Từ đó nhu cầu khai thác các chuyến bay đêm phục vụ người dân về quê ăn Tết thông qua các cảng hàng không Đồng Hới, Phù Cát, Chu Lai, Tuy Hòa, Thọ Xuân, Vinh, Pleiku... dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2024 khá cao.
Dự kiến, nhu cầu khai thác đêm trong dịp Tết Giáp Thìn năm 2024 (từ ngày 21/1 - 25/2 trong khung giờ từ 21 giờ - 5 giờ 59) đạt hơn 1.800 chuyến bay, chiếm tỷ trọng khoảng 8% so với tổng số chuyến bay nội địa khai thác.
Về việc giá vé máy bay quá cao, Bộ Giao thông Vận tải lý giải, hiện nay giá vé máy bay (cả quốc tế và nội địa) đều được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt. Giá vé theo nhiều dải giá từ thấp đến cao tùy tình hình thị trường (cung - cầu), điều kiện vé, thời điểm xuất vé, chất lượng dịch vụ…
Đồng thời các hãng hàng không đều phải thực hiện kê khai giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa với nhiều mức giá đáp ứng nhu cầu của hành khách và đảm bảo trong khung giá quy định.