Vẫn còn bất an với xe đưa đón học sinh
Những ngày qua, đoạn clip ghi hình 3 học sinh lớp 1/6 Trường tiểu học Phan Bội Châu (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) bị văng xuống đường từ xe đưa rước vào ngày 26-11 đã gây nhiều bức xúc mạnh trong dư luận cả nước. Dù các em học sinh không bị thương tích nhưng cần nhìn nhận rằng sự cố trên có thể gây ra hậu quả khôn lường nếu xe đưa rước đang đi trên tuyến đường có đông xe cộ qua lại.
Từ vụ việc này cho thấy, công tác đưa đón học sinh cũng như việc quản lý các xe đưa đón vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho trẻ.
* Cải tạo xe, dùng xe “hết đát” đưa đón học sinh
Xử lý nghiêm xe đưa đón học sinh không an toàn
Ngày 27-11, Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị Công an tỉnh, UBND TP.Biên Hòa chỉ đạo Công an TP.Biên Hòa tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những phương tiện đưa rước học sinh vi phạm các điều kiện, quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Sở Giao thông - vận tải rà soát các phương tiện đưa rước học sinh về điều kiện kinh doanh vận tải xe hợp đồng, phù hiệu xe kinh doanh vận tải và việc cấp giấy chứng nhận kiểm định…
Một trong những tình tiết đáng quan tâm trong sự cố “làm rớt” 3 học sinh Trường tiểu học Phan Bội Châu từ xe đưa rước xuống đường là chủ xe đã cải tạo lại các băng ghế bên trong để thuận lợi cho việc chở học sinh. Đặc biệt, do chốt cửa sau xe bị hư nên chủ xe đã làm một chốt khóa tự chế để thay thế. Thời điểm xảy ra sự việc trên, tài xế quên khóa chốt sau dẫn đến học sinh bị văng xuống đường.
Tài xế Trần Thúc Định (34 tuổi, ngụ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cho hay, anh vừa mua xe ô tô 16 chỗ biển số 51B-079.23 (làm 3 học sinh rơi xuống đường) của người quen với giá vài chục triệu đồng. Sau đó, anh hợp đồng với Trường tiểu học Phan Bội Châu để lái xe đưa đón học sinh từ trường về điểm trông giữ trẻ do giáo viên chủ nhiệm quản lý. Xe chạy chưa được bao lâu thì xảy ra sự cố.
Không chỉ riêng xe đưa đón học sinh của anh Định, theo phản ảnh của một số phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Phan Bội Châu, có nhiều xe đưa đón học sinh đã cũ và xuống cấp trầm trọng. Nhiều xe có các ghế ngồi rách nát, thậm chí chủ xe (kiêm luôn lái xe) còn tháo các băng ghế ra, cho học sinh ngồi ghế nhựa để có thể chở được nhiều người.
Tương tự, một số xe đưa đón học sinh Trường tiểu học Long Bình Tân (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), chủ xe còn cho tháo cả phần dựa, ngả lưng khỏi ghế ngồi để thuận tiện cho họ khi đưa đón học sinh.
Vào ngày 11-9, Tổ công tác của Đội Thanh tra giao thông số 3 đã bất ngờ kiểm tra xe ô tô (loại xe 29 chỗ ngồi) biển số đang đón học sinh gần cổng Trường tiểu học Long Bình Tân. Tại hiện trường, tài xế Kiều Công Toản (ngụ phường Long Bình Tân) không xuất trình được bằng lái và các giấy tờ liên quan. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện chiếc xe này hết niên hạn sử dụng từ năm 2017 nhưng vẫn dùng để đưa đón học sinh.
Trước đó, vào tháng 11-2018, Thanh tra giao thông (Sở Giao thông - vận tải) cũng đã tịch thu 2 xe ô tô 16 chỗ chuyên đưa đón học sinh trên địa bàn TP.Biên Hòa. 2 xe này đã hết niên hạn sử dụng 1 năm, các thiết bị máy móc bên trong học sinh hư hỏng, xuống cấp nặng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông.
Bất cập trong quản lý xe đưa đón học sinh
Từ đầu năm học 2019-2020, trên địa bàn cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng xảy ra một số sự cố liên quan đến xe đưa đón học sinh, trong đó có vụ một học sinh lớp 1 Trường Gateway (TP.Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên nhiều giờ trên xe.
Xử phạt 250 xe đưa đón học sinh
Từ đầu năm 2019 đến nay, Thanh tra giao thông đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính gần 250 trường hợp xe đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn với các lỗi như: dừng, đậu xe sai quy định, không có phù hiệu, chở quá số người quy định, không đóng cửa lên, xuống xe khi xe đang chạy… với tổng số tiền trên 200 triệu đồng.
Không phải chỉ đến khi xảy ra các sự cố liên quan đến xe đưa đón học sinh nói trên thì những bất cập trong quản lý xe đưa đón học sinh mới lộ rõ, mà việc quản lý xe đưa đón đã bộc lộ nhiều bất cập từ nhiều năm qua. Nhà trường nhiều nơi gần như “thả nổi” việc đưa đón học sinh cho chủ xe lẫn lái xe.
Hiệu trưởng của một trường tiểu học trên địa bàn phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) lý giải, đa phần phụ huynh các em học sinh trên địa bàn đều là công nhân, điều kiện kinh tế khó khăn nên ai cũng mong muốn giá rẻ để giảm bớt chi phí dẫn đến chất lượng xe không đảm bảo. Trong khi đó, nhà trường không có đủ chức năng để thẩm định các loại giấy tờ, chứng chỉ hành nghề, năng lực lái xe cũng như các quy định mà pháp luật yêu cầu đối với loại hình ô tô chở nhiều người, đặc biệt là với “hành khách” học sinh - đối tượng vốn hiếu động và chưa ý thức đầy đủ sự nguy hiểm.
Sau sự việc xảy ra ngày 26-11, bà Vũ Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Bội Châu cho biết, nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt đến giáo viên thực hiện nghiêm túc, cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường sẽ làm việc với tài xế, đơn vị hợp đồng xe đưa đón để kiểm tra lại đồng loạt chất lượng của các phương tiện giúp học sinh đi lại an toàn.
Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Bùi Văn Phượng băn khoăn, phương tiện đưa đón học sinh hiện nay “đa dạng” nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn từ phía phụ huynh. Trong khi đó, đến thời điểm này, vẫn chưa có một tiêu chuẩn chung nào về xe đưa đón học sinh được đưa ra. Điều này gây khó khăn cho công tác giám sát và quản lý.
Theo ông Bùi Văn Phượng: “Xe đưa đón học sinh không chỉ là phương tiện chở người mà đây là một loại hình vận tải hành khách đặc thù. So với người lớn, các kỹ năng ứng xử các sự cố khi ngồi trên xe của các em chưa có nên cần có những quy định để các em học sinh phải được bảo vệ an toàn khi xe lưu thông trên đường”.
* Siết chặt các quy định
Liên quan đến vấn đề này, Bộ GD-ĐT vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông - vận tải chủ trì xây dựng quy định tiêu chuẩn xe đưa đón học sinh. Cùng với đó là xây dựng hệ thống hành lang pháp lý để thực hiện quy định nhằm bảo vệ học sinh khi tham gia sử dụng dịch vụ này một cách an toàn từ bậc mầm non đến phổ thông.
Trước đó, vào giữa tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương kiểm soát chặt chẽ điều kiện phương tiện, người lái và an toàn giao thông đối với hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô nhằm ngăn ngừa những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đánh giá, thực tế trong vài năm gần đây, loại hình xe đưa đón học sinh đang nở rộ, cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý chặt hơn nữa loại phương tiện này. Dù là xe chở khách, nhưng không thể đánh đồng xe đưa đón học sinh cũng giống như loại hình kinh doanh vận tải hành khách thông thường khác. Do đó, các ngành chức năng cần siết chặt lại các quy định trong hoạt động đưa đón học sinh.
“Khi thực hiện đưa đón học sinh, những người có trách nhiệm liên quan, từ lái xe đến giáo viên đi kèm đều được quy định trách nhiệm chặt chẽ trong việc kiểm soát số lượng học sinh lên, xuống xe. Phải đảm bảo an toàn cho các em từ lúc đến trường cho đến lúc về nhà” - ông Khuất Việt Hùng nói.
Thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh cũng đã tăng cường công tác chỉ đạo nhằm xử lý vi phạm hoạt động xe đưa đón học sinh. Trong đó, Sở Giao thông - vận tải yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp không thực hiện đúng quy định nhưng vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm, gây nguy cơ mất an toàn giao thông cao.
Chánh thanh tra giao thông Nguyễn Phan Trong cho biết thêm, lực lượng chức năng chú trọng, tập trung xử lý các trường hợp chủ xe, lái xe chưa được cấp phù hiệu kinh doanh vận tải, phương tiện hết hạn đăng kiểm, hết niên hạn sử dụng, sử dụng phương tiện không đúng mục đích… nhưng vẫn cố tình lưu thông trên đường. Đối với những xe hết niên hạn sử dụng, đơn vị sẽ tịch thu ngay phương tiện, không để xảy ra tình trạng xe không đảm bảo an toàn giao thông tham gia đưa đón học sinh.
Đảm bảo an toàn cho học sinh đưa rước
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang vừa ký công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục đảm bảo an toàn cho học sinh sử dụng, dịch vụ xe đưa rước.
Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu, việc ký kết hợp đồng xe đưa rước học sinh phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, xe phải còn niên hạn sử dụng, có đăng kiểm đầy đủ, tài xế phải có giấy phép lái xe và phải được cấp phù hiệu theo đúng quy định. Sở GD-ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục tổng hợp nhu cầu đưa rước học sinh bằng xe của phụ huynh, sau đó ký kết hợp đồng đưa rước học sinh với các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đủ điều kiện hoạt động vận tải theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo thống kê tình hình quản lý xe tham gia đưa rước học sinh tại đơn vị.
Công Nghĩa
Thanh Hải
Quan tâm hơn nữa đến công tác đưa đón học sinh
Sau khi xem clip quay cảnh 3 học sinh văng từ trên xe đưa đón xuống đất, phần lớn các phụ huynh đều có chung một cảm giác lo lắng, bất an. Nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn ngành GD-ĐT quan tâm hơn nữa đến công tác đưa đón học sinh và các ngành chức năng cần quyết liệt trong việc kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm.
Bà Huỳnh Thị Cúc (ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom):
Bố trí thêm người lớn để trông coi học sinh
Nhiều lần đi trên đường, thấy các xe đưa đón chở học sinh mà tôi “thót tim”: cửa lên xuống không đóng, các cửa sổ mở rất lớn trong khi các bé hay thò đầu, thò tay ra bên ngoài. Theo tôi, để đảm bảo an toàn cho học sinh đi trên xe đưa đón, ngoài tài xế cần bố trí thêm một người lớn để trông coi, giám sát học sinh. Tôi thấy các trường tư nhân làm rất tốt loại hình dịch vụ đưa đón học sinh theo cách này, vậy các trường công lập cần xem xét lại và có cơ chế linh hoạt hơn trong việc đảm bảo an toàn cho các bé.
Ông Lâm Quang Hào (ngụ phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa):
Kiểm soát chặt chẽ học sinh lên - xuống xe
Vào đầu khung giờ học sáng - trưa, việc đón trẻ của nhiều trường học diễn ra rất nhanh vì chỉ chậm một chút thôi ở mỗi điểm đón là có thể gặp cảnh tắc đường, ảnh hưởng tới cả lộ trình tiếp theo. Một số lái xe thường phóng nhanh cho kịp thời gian nên dễ xảy ra va chạm. Khi xuống xe thì số lượng học sinh đông nên có thể khó kiểm soát. Trong khi đó, xe chở trẻ nhỏ, vốn hay nghịch ngợm và chưa lường hết nguy hiểm khi xe đang chạy trên đường. Theo tôi, trên xe đưa rước cần trang bị thêm hệ thống camera theo dõi, máy quét mã vạch kiểm soát số lượng học sinh lên xuống xe là rất cần thiết, giúp người lái xe luôn nắm được toàn bộ tình hình trên xe, cũng như số lượng người lên xuống, tránh tình trạng bỏ quên học sinh trên xe.
Bà Lê Thị Lương (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa):
Nhà trường phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn
Tại Trường tiểu học Phan Bội Châu (phường Long Bình) từng nhiều lần xảy ra các vụ việc tương tự xuất phát từ xe đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn. Trong năm học 2018-2019, một chiếc xe đang trên đường chở học sinh thì gầm xe bị sụp xuống khiến một số em học sinh mắc kẹt. Việc để những chiếc xe chở hàng chục tính mạng học sinh mà không đảm bảo an toàn chứng tỏ nhà trường còn thiếu trách nhiệm quản lý. Nếu để xảy ra các sự cố như thế, không chỉ lái xe, chủ xe mà cả nhà trường, giáo viên cũng phải chịu trách nhiệm.
Dương Ngọc (ghi)