Vẫn còn cách khác để hỗ trợ xe điện

Tin Bộ Tài chính bác đề xuất hỗ trợ 1.000 đô la Mỹ cho những người mua xe điện được đón nhận với những suy nghĩ trái ngược nhau.

Thoạt tiên có nhiều người cho rằng đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải dùng tiền như một biện pháp khuyến khích người dân chuyển từ xe chạy xăng dầu sang xe điện để góp phần bảo vệ môi trường là một đề xuất hợp lý. Rất nhiều nước áp dụng cách này và số tiền hỗ trợ, ở dạng tín dụng thuế chứ không phải là tiền mặt, còn cao hơn, có thể lên 7.000 đô la Mỹ. Các chính sách hỗ trợ người mua xe điện ở Na Uy đang phát huy tác dụng, đến 80% xe mới bán ra ở nước này là xe chạy bằng pin.

Tuy nhiên, sự phản bác của Bộ Tài chính cũng rất hữu lý: những người có điều kiện mua xe điện ắt hẳn có thu nhập cao hơn đa số người dân khác, không lẽ ngân sách nhà nước, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, lại bỏ ra một khoản tiền lớn, có thể lên đến 24 triệu đồng tặng không cho người giàu trong khi tiền đó rất cần cho các chương trình xã hội dành cho người nghèo, người đang gặp khó khăn.

Ở các nước, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người mua xe điện là hợp lý vì đại đa số người dân trước sau gì cũng phải mua xe để làm phương tiện đi lại, không chọn xe điện họ sẽ chọn xe dùng nhiên liệu đốt trong. Ở nước ta tỷ lệ người sở hữu ô tô, bất kể là xe xăng hay xe điện, còn rất thấp nên chính sách hỗ trợ tiền cho họ sẽ tạo ra một sự bất công nhìn thấy rõ.

Vậy có cách nào để hóa giải mâu thuẫn này, làm sao vừa khuyến khích các phương tiện không phát thải vừa công bằng với mọi người một cách tương đối? Trước đó Bộ Tài chính cũng đã bác bỏ các kiến nghị miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với xe điện nhập nguyên chiếc vì sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe điện trong nước và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Một cách tiếp cận hay hơn trợ cấp tiền trực tiếp là áp dụng nguyên tắc “phát thải nhiều, chịu phí cao hơn”. Với nguyên tắc này có thể áp dụng mức phí đường bộ cho xe xăng cao hơn xe điện; các cao tốc do Nhà nước đầu tư và thu phí sẽ thu phí với xe điện thấp hơn so với xe xăng. Với lệ phí trước bạ, cần có những điều chỉnh toàn diện để mức phí sẽ được tính theo mức độ phát thải của xe, xe xăng dung tích lớn chịu phí cao nhất, xe điện chịu mức phí thấp nhất. Lệ phí đăng ký kèm theo cấp biển số xe, hiện nay đang thay đổi tùy địa phương thuộc khu vực nào, cần bổ sung để thay đổi theo chủng loại xe.

Ngoài ra, trong những năm đầu tiên để tiến đến chỗ không còn bán xe chạy xăng vào một cột mốc nào đó trong tương lai, có thể cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng hay thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện, cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Nhiều nước đang đề ra các cột mốc khác nhau để bắt đầu cấm bán xe chạy xăng, như Na Uy là rất sớm, từ năm 2025. Chúng ta chưa có điều kiện để đưa ra một cột mốc sớm như thế, nhưng cũng phải dần dần tính đến một tương lai không thêm xe chạy xăng trên đường.

Tương lai này đến sớm hay muộn cũng tùy thuộc vào các chính sách hiện nay và sắp tới cho xe điện, tuy không nên hỗ trợ trực tiếp bằng tiền nhưng cũng bằng các ưu đãi khác để thúc đẩy việc chuyển đổi để góp phần giải quyết vấn nạn biến đổi khí hậu. Hỗ trợ dạng nào cũng khó tránh khỏi sự mất công bằng, vấn đề là tính toán sao cho lợi ích đem lại là cho toàn xã hội, cho tất cả mọi người.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/van-con-cach-khac-de-ho-tro-xe-dien/