Vẫn còn khó khăn trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Đến cuối tháng 8/2023, toàn tỉnh Sóc Trăng có 1.083 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (số người nghiện ma túy đang cai nghiện tại cộng đồng là 723 người; tại cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở giáo dục Cồn Cát là 335 người; tại trại tạm giam, nhà tạm giữ là 25 người); có 644 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội (số nghi vấn liên quan đến hoạt động mại dâm là 142 cơ sở).
Đẩy mạnh kiểm tra phòng, chống mại dâm
Vừa qua, đồng chí Đàm Thị Minh Thu - Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có buổi kiểm tra về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng. Đồng chí Đàm Thị Minh Thu cho rằng, công tác phối hợp liên ngành phòng, chống mại dâm của địa phương được triển khai đồng bộ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm. Đồng thời, thường xuyên thống kê, nắm bắt tình hình, kiểm tra, xử lý nhiều vụ liên quan đến mại dâm.
Cụ thể là trong 8 tháng năm 2023, Đội Kiểm tra liên ngành 814 tỉnh đã tổ chức 26 cuộc kiểm tra 28 lượt cơ sở, qua đó phát hiện 9 trường hợp vi phạm. Lực lượng chức năng đã nhắc nhở, khắc phục 8 trường hợp và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 trường hợp với số tiền 17,5 triệu đồng. Riêng Đội Kiểm tra liên ngành 178 thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) đã tổ chức kiểm tra 5 cuộc với 35 lượt cơ sở. Qua đó giáo dục 4 trường hợp, lập biên bản vi phạm hành chính 3 trường hợp, đề nghị UBND thành phố Sóc Trăng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp, với số tiền 8,5 triệu đồng.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử các đường dây, ổ, nhóm tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm cũng được thực hiện chặt chẽ. Tiến hành khởi tố hình sự 4 vụ, 4 đối tượng là chủ chứa và môi giới; xử phạt vi phạm hành chính 2 chủ cơ sở và 24 đối tượng mua dâm, bán dâm với số tiền trên 109 triệu đồng; áp dụng xử phạt hình thức bổ sung tước giấy phép kinh doanh có điều kiện thời hạn 9 tháng đối với 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ liên quan mại dâm.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo phòng chuyên môn tiếp tục duy trì thực hiện mô hình “Tổ hỗ trợ bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm” tại thành phố Sóc Trăng, huyện Kế Sách, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Tổ chức tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm cho chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm được 6 cuộc, với 240 lượt người tham dự; sinh hoạt nhóm cho người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm là 18 cuộc, với 360 lượt người tham dự.
Đảm bảo cơ sở vật chất cai nghiện ma túy
Đối với công tác phòng, chống ma túy, đồng chí Đàm Thị Minh Thu đánh giá, tỉnh sóc Trăng đã quan tâm đảm bảo cơ sở vật chất trong công tác cai nghiện. Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh có diện tích 91.070,6m2, công suất chứa tối đa 500 người cai nghiện; trang thiết bị, phương tiện được bố trí đáp ứng theo yêu cầu tối thiểu về công tác cai nghiện. Bên cạnh đó, tỉnh có 106 đơn vị sự nghiệp công lập (10 trung tâm y tế cấp huyện và 96 trạm y tế cấp xã) được UBND cấp huyện đặt hàng giao nhiệm vụ thực hiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Khi vào cai nghiện, học viên sẽ được sàng lọc, đánh giá, phân loại, xác định tình trạng nghiện, tổ chức điều trị, cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, tổ chức các hoạt động nâng cao thể lực. Đồng thời, tổ chức các hoạt động trị liệu, tâm lý hành vi, tổ chức các hoạt động tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, phòng, chống HIV/AIDS và triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Trong công tác cai nghiện, ngoài thực hiện theo chủ trương chung, tỉnh cũng từng thực hiện thí điểm cai nghiện ma túy tự nguyện cho người nghiện lần đầu không thu phí, xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ sau cai nghiện ngoài cộng đồng, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế cho người hoàn lương...
Khó khăn trong phòng, chống tệ nạn xã hội
Theo đồng chí Mã Chí Thanh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, qua công tác khảo sát nắm tình hình thì có 90% số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm không thuê người lao động phục vụ nên rất khó quản lý, dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mua bán dâm còn thấp, từ 300.000 - 500.000 đồng, chưa đủ sức răn đe. Hiện nay, đơn vị không có phương tiện ô tô phục vụ công tác kiểm tra, nên khi tiến hành kiểm tra liên ngành ở các tuyến huyện, vùng giáp ranh các tỉnh phải thuê phương tiện bên ngoài để hoạt động. Từ đó gặp nhiều khó khăn như phát sinh chi phí thuê mướn, không chủ động được thời gian, tuyến đường cũng như bảo đảm thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.
Đối với công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, số người sau cai nghiện về địa phương luôn được thống kê, quản lý chặt chẽ và được công an cấp xã tham mưu UBND cấp xã ra quyết định quản lý kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn người nghiện, gia đình người nghiện ma túy không tự nguyện trình báo nên gây khó khăn trong tư vấn, hỗ trợ, quản lý sau cai nghiện. Công tác phối hợp thực hiện chưa đồng bộ, một số địa phương thiếu quan tâm phân công đoàn thể cùng tham gia tổ tư vấn giáo dục, tư vấn việc làm cho người đang cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Biên chế được giao nhiệm vụ quản lý về cai nghiện ma túy các cấp hiện nay còn thiếu và kiêm nhiệm nhiều việc nên việc cập nhật tình hình cai nghiện, quản lý sau cai nghiện chưa đầy đủ…
Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh dù được thực hiện bằng nhiều biện pháp quyết liệt, đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng thực tế tệ nạn ma túy, mại dâm luôn phức tạp, khó khăn trong quản lý, xử lý. Theo nhận định của lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ngoài việc nỗ lực của địa phương thì cũng cần khâu hoàn thiện thể chế ở cấp Trung ương để khắc phục những bất cập, vướng mắc đang tồn tại.
PHƯỚC LIÊU