Vẫn còn người ngộ độc chết vì ăn cá nóc

Có triệu chứng ngộ độc sau khi ăn cá nóc, nạn nhân vội đến bệnh viện nhưng không qua khỏi.

Ông Magno Sergio Gomes, 46 tuổi, đã qua đời vào thứ bảy tuần trước tại Brazil sau khi ăn cá nóc Fugu. Các bác sĩ xác nhận nguyên nhân gây tử vong là do ngộ độc, trang Globo 1 của Brazil đưa tin ngày 31-1.

Em gái của ông Magno - cô Myrian Gomes cho biết anh trai mình được một người bạn cho con cá nóc vào ngày 22-12-2023, và không biết rõ nguồn gốc của con cá này là từ đâu.

“Dù chưa từng chạm vào loại cá này, nhưng anh tôi và bạn của anh ấy vẫn chế biến. Họ làm sạch, tách bỏ phần gan, sau đó nấu chín rồi ăn cùng nước cốt chanh” - cô Myrian Gomes nói.

Cá nóc có độc và có thể gây tử vong nhưng nhiều người vẫn chủ quan ăn vào. Ảnh minh họa

Cá nóc có độc và có thể gây tử vong nhưng nhiều người vẫn chủ quan ăn vào. Ảnh minh họa

Chưa đầy một giờ sau, cả hai bắt đầu cảm thấy không khỏe.

“Magno cảm thấy miệng bị tê. Anh ấy đã cùng vợ đến bệnh viện. Khi tới nơi, miệng anh ấy càng tê hơn và cảm thấy buồn nôn. Ngay sau đó, anh ấy bị ngừng tim trong 8 phút” - cô Myrian Gomes kể lại.

Tại bệnh viện, ông Magno được đặt nội khí quản và máy duy trì nhịp tim. Thỉnh thoảng bệnh nhân lại lên cơn co giật ảnh hưởng nghiêm trọng đến não. Cuối cùng, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân tử vong ngày 27-1, hơn một tháng sau khi nhập viện. Các bác sĩ kết luận ông Magno tử vong do ngộ độc.

Bạn của ông Magno may mắn sống sót nhưng bị biến chứng ở chân. Cô Myrian Gomes cho biết hiện người này đã được ra viện, nhưng việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Người này còn bị ảnh hưởng về thần kinh và vẫn đang trong quá trình phục hồi.

Theo nhà sinh vật học João Luiz Gasparini, cá nóc Fugu phổ biến ở bờ biển Brazil, nơi có hơn 20 loài cá sinh sống.

“Loại cá nóc này có chứa một độc tố thần kinh rất mạnh có tên là tetrodotoxin, có thể gây tê nhẹ nếu ăn một lượng nhỏ, nhưng cũng có thể gây ngừng tim, ngừng hô hấp nếu ăn phải số lượng lớn” - nhà sinh vật học João Luiz Gasparini cung cấp thông tin.

Đồng thời, ông João Luiz Gasparini nhấn mạnh nếu muốn sử dụng loại cá nóc này làm thực phẩm, cần phải biết phương pháp chế biến đúng cách, cẩn thận loại bỏ túi mật mà tuyệt đối không được làm vỡ nó.

Thanh Thanh

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-con-nguoi-ngo-doc-chet-vi-an-ca-noc-post774652.html