Vẫn còn nhiều thách thức
Mặc dù đạt được những thành tựu rất quan trọng nhưng báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều thách thức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân còn nhiều khó khăn.
Đây là nhận định chung của các đại biểu Tổ 18 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thanh Hóa, Trà Vinh, Hà Nam) tại phiên họp tổ sáng nay, 23.5 đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2024.
Tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật
Cùng chung nhận định kinh tế - xã hội phục hồi tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, song ĐBQH Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như: tăng trưởng tín dụng thấp, tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn, chất lượng lao động chưa cao. Để có thể thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, sớm hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn các luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường năng lực nội sinh. Tiếp tục giảm lãi suất và có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt an sinh xã hội, cải cách tiền lương.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) thì cho rằng, cần quan tâm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, trong đó gồm các giải pháp như tiếp tục miễn giảm thuế, phí, lệ phí. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp người dân tiếp cận tín dụng vì hiện tăng trưởng tín dụng rất thấp. Hoàn thiện, sửa đổi các cơ chế chính sách, khuyến khích phát triển các lĩnh vực mới để không gây lãng phí nguồn lực.
Về giải ngân vốn đầu tư công, ĐBQH Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa) nêu thực tế, dù tiến độ giải ngân có nhiều chuyển biến, thể hiện nỗ lực rất lớn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, ở bình diện chung, tiến độ giải ngân vẫn còn chậm. Để giải quyết tình trạng này, đại biểu Lại Thế Nguyên và một số đại biểu khác đề nghị tách phần giải phóng mặt bằng thành dự án riêng. Có như vậy mới có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục rườm rà.
Hỗ trợ người mua nhà, nhà đầu tư tiếp cận tín dụng
Theo ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) một trong những lĩnh vực gặp khó khăn, thách thức là thị trường bất động sản. Đại biểu Thạch Phước Bình phân tích, hiện thị trường bất động sản hiện nay có hiện tượng bất thường bởi kinh tế vĩ mô rất tốt nhưng thị trường bất động sản lại gần như đóng băng và rõ ràng có điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do xu hướng điều chỉnh chung của thị trường trong nước cũng như thế giới sau hơn 2 năm tăng trưởng khá nóng. Tiếp đó là môi trường pháp lý cũng còn nhiều điểm nghẽn còn chồng chéo, thiếu nhất quán, không rõ ràng, không được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời, chưa phù hợp với thực tiễn... Đây là khó khăn lớn nhất hiện nay.
Bên cạnh đó, nguồn vốn “rót” vào thị trường, công tác quy hoạch, thực thi và giám sát thực thi quy hoạch cũng còn nhiều bất cập. Việc giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn, cơ cấu thị trường mất cân đối nghiêm trọng. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: lạm phát, lãi suất, tỷ giá và các rủi ro khách quan khác như thiên tai, dịch bệnh.
Để tháo gỡ các khó khăn này, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, giải pháp trước là cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc về thể chế. Triển khai hiệu quả hơn gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cần giảm lãi suất, hỗ trợ cả doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư tiếp cận tín dụng. Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh, bền vững. Đặc biệt, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án bất động sản.