Vẫn còn trung bình hơn 7% mẫu thực phẩm không đạt an toàn

Ngày 28/8, báo cáo UBND TP.HCM về tổng kết 3 năm thí điểm thành lập, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, lũy kế đến nay đã kiểm tra 19.199 mẫu thực phẩm, trong đó có 17.750 mẫu đạt (tỷ lệ 92,46 %), có 1.449 mẫu không đạt, tỷ lệ 7,54 %.

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, việc lấy mẫu thực phẩm để đánh giá bao gồm việc lấy mẫu phân tích định lượng cũng như lấy mẫu xét nghiệm nhanh đối với các thực phẩm có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm như thịt chế biến, bún tươi, bánh phở, rượu sản xuất thủ công, nước đá; thực phẩm tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm, chợ truyền thống, chợ phiên, kênh phân phối hiện đại, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhằm đánh giá chất lượng thực phẩm lưu thông trên địa bàn.

Nước đá, một trong những sản phẩm thường mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Nước đá, một trong những sản phẩm thường mất an toàn vệ sinh thực phẩm

“Việc lấy mẫu được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mẫu có nguy cơ không an toàn nên tỷ lệ không đạt cao và triển khai rộng trên khắp địa bàn”, lãnh đạo Ban nhận định.

Với các mẫu không đạt, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã tiến hành xử lý theo quy định. Tỷ lệ mẫu được lấy trong năm 2018 tăng gấp đôi so với năm 2017 và tỉ lệ mẫu không đạt trên tổng số mẫu kiểm tra giảm đáng kể, từ 14,7% năm 2017 giảm còn 4,52% năm 2018 cho thấy tình hình an toàn thực phẩm đã từng bước được cải thiện.

Nhận thấy tầm quan trọng của sự kết nối hệ thống kiểm nghiệm trên địa bàn thành phố, cũng như dữ liệu phân tích, kiểm nghiệm, đánh giá an toàn thực phẩm tại các đơn vị siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích về công tác phối hợp kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố; xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị kiểm nghiệm về công tác phối hợp liên thông kết quả kiểm nghiệm nhằm đánh giá mối nguy ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn.

Trong năm 2017-2018 tổng hợp kết quả từ các hệ thống kiểm nghiệm trên địa bàn thành phố, tiến hành phân tích 792.103 mẫu sản phẩm, trong đó có 542.158 mẫu có kết luận: có 527.355 mẫu đạt (tỉ lệ 97,3%), 4.803 mẫu không đạt (tỷ lệ 2,7%); tổng hợp kết quả từ các hệ thống đơn vị siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, tiến hành phân tích 43.824 mẫu thực phẩm, trong đó có 43.298 mẫu đạt (tỉ lệ 98,8%), 526 mẫu không đạt (tỷ lệ 1,2%).

Đối với các loại mẫu không đạt phát hiện qua giám sát hệ thống siêu thị và phòng kiểm nghiệm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm có cơ sở để định hướng, yêu cầu các hệ thống siêu thị giám sát, đồng thời, xây dựng kế hoạch lấy mẫu phân tích định lượng, truy xuất và xử lý (nếu có vi phạm). Đồng thời, để tăng cường và tranh thủ sự tư vấn, giám sát của các chuyên gia đầu ngành an toàn thực phẩm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã thành lập Hội đồng tư vấn Khoa học và Công nghệ của Ban Quản lý An toàn thực phẩm, qua đó tập hợp được các đội ngũ chuyên gia, nhà quản lý an toàn thực phẩm nhằm tư vấn các giải pháp cải thiện tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM.

Minh Lâm

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/van-con-trung-binh-hon-7-mau-thuc-pham-khong-dat-an-toan-91534.html