Ván cược chính trị của ông Trump khi mở cửa lại nền kinh tế Mỹ
Quyết định mở cửa lại nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường sẽ là ván cược chính trị lớn nhất của ông Trump.
Trong bối cảnh rủi ro cao và không có gì chắc chắn, việc mở cửa trở lại có lẽ đã bị chính trị hóa hơn bất kỳ quyết định nào khác gần đây: Cần ưu tiên điều gì trước: đại dịch hay kinh tế? Tư duy lý trí cho thấy cần phải cân bằng hai yếu tố này, vấn đề là không ai biết sự cân bằng nằm ở đâu – Nhận định của Tiến sĩ Terry Buss, Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ.
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông đang lên kế hoạch mở lại nền kinh tế Mỹ trong thời gian sớm nhất bởi đại dịch Covid-19 đang suy yếu dần và nền kinh tế đang bị tổn hại ở mức độ tồi tệ hơn cả cuộc Đại khủng hoảng.
Đánh giá dư luận qua các cuộc họp báo và những dòng Tweet đầy sự khó chịu, ông Trump tự biết mình đang chơi trò đi trên dây – chỉ có hai kịch bản với hai thái cực hoàn toàn đối nghịch: mở lại nền kinh tế quá sớm và đại dịch có thể tái bùng phát, mở lại nền kinh tế quá muộn và nền kinh tế có nguy cơ bị phá hủy.
Quyết định mở lại kinh tế của ông Trump, như ông đã nói rất đúng, sẽ là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời ông và bất kể quyết định thế nào thì điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến gần như tất cả người dân Mỹ, dù tốt hay xấu, trong tương lai.
Trong bối cảnh rủi ro cao và không có gì chắc chắn, việc mở cửa trở lại có lẽ đã bị chính trị hóa hơn bất kỳ quyết định nào khác gần đây: Cần ưu tiên điều gì trước: đại dịch hay kinh tế. Tư duy lý trí cho thấy cần phải cân bằng hai yếu tố này, vấn đề là không ai biết sự cân bằng nằm ở đâu.
Một vấn đề nữa là việc này liên quan đến chính trị xoay quanh cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới. Ông Trump và đảng dân chủ đối lập do ông Joe Biden lãnh đạo đang cạnh tranh để xem ai có thể chấm dứt đại dịch và cứu vãn nền kinh tế. Không bên nào chịu hợp tác với bên nào, thay vào đó cả hai bên đều chọn cách nói xấu và cản trở nhau.
Và khi cuộc khủng hoảng đại dịch tiếp diễn, chính quyền liên bang và đương kim Tổng thống rơi vào cuộc chiến với thống đốc các tiểu bang về việc ai là người chịu trách nhiệm mở cửa-đóng cửa nền kinh tế và ngăn chặn đại dịch.
Nước Mỹ vận hành theo hệ thống liên bang bao gồm các chính thể lập hiến: chính quyền liên bang có quyền hạn nhất định; chính quyền tiểu bang lại có những thẩm quyền khác. Hiện tại đang diễn ra cuộc giằng co về nội dung quyền hạn và chủ thể thực hiện quyền hạn.
Mọi việc còn rối hơn nữa khi cả ba bên cùng kết hợp, tạo nên một mớ hỗn độn khổng lồ. Dù mọi việc tiếp tới diễn ra thế nào thì nước Mỹ cũng sẽ không bao giờ giống như xưa.
Sinh mạng hay Việc làm?
Bất kể ai chịu trách nhiệm mở lại nền kinh tế - ông Trump, thống đốc các tiểu bang hay liên minh liên bang-tiểu bang, thì thực tế sẽ có người được-người mất. Nếu nền kinh tế mở cửa trở lại quá sớm, thì đại dịch có thể sẽ tái bùng phát khi người lao động quay trở lại với số lượng đông đúc và lây nhiễm lẫn nhau.
Thậm chí, một số nhà dịch tễ học còn cho rằng Covid-19 rất có khả năng sẽ trở thành một bệnh dịch theo mùa: Mùa hè năm nay đại dịch sẽ suy yếu đi nhưng đến mùa thu hoặc mùa đông sẽ lại bùng phát và tiếp tục phá hủy nền kinh tế.
Một số ý kiến khác thì cho rằng nếu chúng ta dồn toàn lực vào xử lý đại dịch thì kết quả tất yếu sẽ là suy thoái kinh tế khiến hàng ngàn người chết, gia tăng lạm dụng ma túy và rượu, nghiện ngập, sức khỏe tâm thần giảm sút, cùng với bạo lực và bất ổn xã hội.
Hãy cùng suy ngẫm lại một ví dụ. Tuần trước, Thống đốc tiểu bang Michigan quyết định áp đặt những biện pháp bị nhiều người cho là hà khắc nhằm ngăn chặn đại dịch trước khi mở cửa lại nền kinh tế. Đáp lại động thái này, 10,000 xe ô tô của người dân đã biểu tình, bao vây thủ phủ bang.
Cụ thể các biện pháp của bang này bao gồm: Người dân có thể đi mua cần sa nhưng lại không được phép mua hạt giống rau củ để tự gieo trồng khi không đủ tiền mua thực phẩm; Những người dân ở tiểu bang khác có nhà tại Michigan được phép về nhà của mình, kể cả nếu họ đến từ New York, nơi đang là ổ dịch, nhưng nếu cư dân Michigan có hai ngôi nhà tại tiểu bang này thì họ lại không được phép di chuyển từ nhà này sang nhà kia. Và nhiều quy định khác nữa…
Trước đó, Thống đốc bang Michigan đã cấm các bác sĩ kê đơn thuốc chống sốt rét để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 đơn giản vì trước đó Tổng thống Trump cho rằng đây có thể là phương thuốc giúp điều trị virus.
Sau những cuộc biểu tình lớn nổ ra, bà Thống đốc đã phải thay đổi quan điểm nhưng đến lúc đó thì thuốc lại không có sẵn theo yêu cầu của bà.
Dù tình hình tiếp theo thế nào thì việc đổ lỗi cho người khác sẽ trở thành một “trò tiêu khiển quốc gia” khi ông Trump triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế (Ảnh: Reuters)
Cho dù đường lối hành động là gì thì con số tử vong vẫn lên đến hàng ngàn người. Và những kẻ cơ hội sẽ ở đâu đó nhảy ra để quy kết trách nhiệm.
Đảng Dân chủ, bao gồm cả người đứng đầu là bà Nancy Pelosi đã cáo buộc ông Trump chính là người gây ra hàng ngàn cái chết của người dân Mỹ vì ông đã không đóng cửa nền kinh tế sớm hơn khi đại dịch xảy ra.
Điều trớ trêu là nếu thực sự ông Trump có thể làm như vậy thì ông ấy đã phải đóng cửa nền kinh tế ngay từ trước khi có ca nhiễm hoặc tử vong đầu tiên vì Covid-19. Nhưng chắc chắc sẽ không một ai nghiêm túc ủng hộ việc đóng cửa kinh tế theo cách như vậy. Và nếu thực sự làm được việc đó sớm thì rất có thể tốc độ lây nhiễm virus chậm lại nhiều lần nhưng nền kinh thế thì chắc chắn đã bị phá hủy.
Chúng ta cần nhớ rằng đại dịch bắt đầu đúng lúc nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh nhất thế giới, đạt ngưỡng kỷ lục trong lịch sử.
Dù tình hình tiếp theo thế nào thì việc đổ lỗi cho người khác sẽ trở thành một “trò tiêu khiển quốc gia” khi ông Trump triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế.
Nước Mỹ vẫn đang bị chính trị hóa một cách vô vọng
Bất hạnh lớn nhất là nước Mỹ đang chìm trong khủng hoảng đại dịch và khủng hoảng kinh tế ngay trong năm bầu cử Tổng thống. Ai cũng biết rằng đảng Dân chủ đã dành gần 4 năm để cố gắng phế truất ông Trump khỏi chiếc ghế Tổng thống hoặc cản trở các hoạt động quản trị quốc gia của ông. Hiện lúc này họ vẫn đang trong chiến dịch ngăn cản ông tái đắc cử.
Nhiều cuộc điều tra đã được khởi xướng và thực hiện – các phiên tòa hình sự, các phiên điều trần luận tội, năm vòng bỏ phiếu luận tội của Quốc hội và một phiên xử; nhiều vụ kiện ra tòa; ngăn chặn phê chuẩn luật và ngăn chặn cấp sách - tất cả những việc này đều có sự hậu thuẫn và khuyến khích của truyền thông chính thống. Nhưng hầu hết các nỗ lực đó đều không mang lại kết quả gì.
Đại dịch Covid-19 vừa là phúc vừa là họa cho phe Dân chủ.
Nói là may mắn bởi “cỗ máy chống Trump” của đảng Dân chủ đã được khởi động để nhắm vào cách thức xử lý đại dịch và quyết định mở lại nền kinh tế tới đây của ông Trump.
Vẫn nguyên những ủy ban quốc hội đã điều tra và xét xử ông Trump trong suốt 4 năm qua, giờ lại đang sẵn sàng cho những câu hỏi điều tra như: Có phải ông ấy biết rõ về mức độ nghiêm trọng của đại dịch nhưng đã hành động quá ít; hay ông ấy không biết gì về virus mà lẽ ra phải biết; hay liệu có phải ông ấy chuẩn bị mở lại nền kinh tế bằng các chính sách và tiền ngân sách nhằm cứu vãn đế chế bất động sản của cá nhân ông?
Ngoài ra, phe Dân chủ cũng thiết lập một ủy ban lưỡng đảng (chỉ trên danh nghĩa) để tìm hiểu xem ông Trump đang làm gì sai trong khi đại dịch vẫn tiếp diễn. Chắc chắc sẽ không có thành viên nào của đảng Cộng hòa tham gia ủy ban này bởi đối với họ đây chỉ là một trò săn tìm phù thủy nữa của phe đối lập. Và chắc chắn các thành viên Dân chủ sẽ cho ra một báo cáo đầy tính đảng phái đúng dịp bầu cử tháng 11 tới.
Đảng Dân chủ cũng đưa một cơ chế “trách nhiệm giải trình” đối với gói cứu trợ kinh tế 2 nghìn tỷ đô la để theo dõi cách thức chi tiêu của chương trình này. Đáp trả lại, Tổng thống đã sa thải Tổng thanh tra đặc trách giám sát thực thi gói cứu trợ kinh tế.
Chắc chắn, phe Dân chủ sẽ bổ sung việc này vào danh sách các vi phạm cần luận tội ngày càng tăng đối với đương kim Tổng thống.
Một may mắn nữa cho phe Dân chủ là họ thể gây khó khăn cho ông Trump trong việc xử lý đại dịch và mở lại nền kinh tế. Kể cả nếu ông thắng cử vào tháng 11, đảng Dân chủ vẫn sẽ có đủ các khiếu nại để khiến bộ máy của ông phải bù đầu trong 4 năm sau đó.
Nhưng trong cái may đó vẫn không tránh được cái rủi. Phe Dân chủ đang trong cuộc đua tranh cử, đặc biệt ông Joe Biden, người đi đầu trong phong trào chống lại ông Trump đã phải ở trong nhà nhiều tuần qua, không thể ra ngoài vì dịch bệnh.
Thị trường chứng khoán Mỹ rợp một sắc đỏ khi đại dịch Covid-19 hoành hành (Ảnh: AP)
Sự xuất hiện của ông ấy trên truyền thông đã giảm xuống chỉ còn là những buổi phát sóng không chuyên thực hiện từ tầng hầm nhà ông. Điều đó thực sự không thấm vào đâu so với sự thống lĩnh của ông Trump trên truyền thông với 2 tiếng họp báo mỗi ngày để nói về những thành công của chính quyền trong việc xử lý đại dịch và các kế hoạch dự kiến mở lại nền kinh tế.
Nếu ông Trump có thể tiếp tục thống lĩnh chu kỳ tin tức hàng ngày khi ông tuyên bố các kế hoạch mở lại kinh tế thì phe Dân chủ sẽ khó có cơ hội phát đi thông điệp của mình.
Điều kỳ quặc chính là ở chỗ ông Biden đang cố thể hiện mình là phiên bản thay thế cho ông Trump nhưng đề xuất giải pháp chính sách cho đại dịch và kinh tế ông đưa ra lại y hệt những việc ông Trump đã thực hiện.
Quan điểm của ông Biden là cần có một chỉ huy tối cao duy nhất phụ trách khống chế dịch ở cấp liên bang – ông Trump đã chỉ định Phó Tổng thống Mike Pence nắm giữ vai trò đó; Ông Biden muốn phải có sự ứng phó mạnh mẽ theo kiểu quân đội – Ông Trump đã chỉ định những chỉ huy cao nhất của quân đội Mỹ phụ trách các chuỗi cung cấp, xây dựng bệnh viện, an ninh và khử nhiễm; Ông Biden muốn phải có một đội ngũ tư vấn là các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các cán bộ thạo chuyên môn – ông Trump đã chỉ định Nhóm đặc nhiệm làm cố vấn cho ông;… Và còn nhiều ví dụ tương tự như vậy.
Ông Biden tiếp tục tận dụng uy tín của mình trong việc quản lý cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đại dịch SARS, MERS và Ebola, và nhiều sự kiện khác nữa khi còn là Phó Tổng thống cho ông Obama. Chiến lược này rất có vấn đề vì nhiều lý do khác nhau.
Theo các nhà phê bình, tranh cử theo cách như vậy chính là đang hồi vọng về quá khứ, gây hiệu ứng ngược là càng tô đậm một ông Biden già nua đến từ quá khứ. Cứ nói mãi về những việc đã làm trước đây chỉ khiến người ta nhớ lại những thất bại của chính quyền ông Obama trong chính sách đối ngoại và phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nhiều người đã quên rằng xếp hạng tín nhiệm của ông Obama trong suốt hai nhiệm kỳ Tổng thống chỉ đạt ở mức thấp ngang với ông Trump bây giờ; và rằng danh sách thành tựu của ông Obama trong nhiệm kỳ hai là vô cùng khiêm tốn.
Điểm cuối cùng là ông Biden ngày càng tả khuynh, trượt xa khỏi chính sách trung dung, chính thống để giành được đề cử của đảng Dân chủ. Các chính sách của ông nhắm đến một sự chuyển đổi cực đoan về mặt kinh tế, xã hội và bộ mặt chính trị của nước Mỹ.
Các cử tri ngày càng cảnh giác với viễn cảnh thay đổi nước Mỹ trong và sau đại dịch và một cuộc suy thoái kinh tế ngay trước mắt.
Nói đến các chiến lược của đảng Dân chủ phải kể đến việc ngăn chặn các chính sách của ông Trump bằng cách trì hoãn thông qua khoản ngân sách cần có để duy trì kinh tế và chống đại dịch.
Người đứng đầu phe dDân chủ, bà Nancy Pelosi đã trì hoãn dự luật cứu trợ kinh tế trị giá 2 nghìn tỷ đô la hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, và cố gắng lồng ghép các chính sách không liên quan gì đến đại dịch và suy thoái kinh tế của phe dân chủ vào dự luật này.
Các doanh nghiệp nhanh chóng tận dụng các khoản vay và trợ cấp để duy trì hoạt động, đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động. Hiện giờ, bà Pelosi vẫn đang trì hoãn tiếp một khoản trị giá 250 tỷ đô la hỗ trợ vốn vay và tài trợ cho doanh nghiệp.
Tới đây, đảng Dân chủ chắc chắn sẽ gây khó dễ cho tất cả mọi bước đi trong kế hoạch mở lại kinh tế của ông Trump.
Phần 2: Giữa đại dịch Covid-19, ông Trump lại mở ra nhiều cuộc chiến khác
Ai cũng cho rằng việc chuẩn bị cho đất nước tái khởi động nền kinh tế sẽ là chủ đề chính và duy nhất được Nhà Trắng tập trung trong những ngày tới. Vậy nhưng không hiểu sao, ông Trump lại cùng lúc thổi bùng lên nhiều cuộc chiến trên nhiều mặt trận, từ việc đối đầu với các tiểu bang cho đến cuộc tấn công vào Tổ chức Y tế thế giới (WHO).